Long đong hành trình làm thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam

09:15 16/12/2020

Có một nghịch lý buồn là đến nay, nói đến gạo Việt Nam nhiều người dùng thế giới vẫn rất mơ hồ, thậm chí không nghĩ rằng Việt Nam là cường quốc sản xuất lúa gạo.

Sau sự kiện gạo thơm ST25 đại diện cho Việt Nam đã giành giải nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” - World’s best rice contest 2019 được tổ chức tại Manila (Philippines), năm 2020, được đánh giá là năm khá thành công với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 500 USD/tấn, thậm chí vượt qua “đối thủ bền vững” Thái Lan. Không chỉ dừng ở đó, giới chuyên gia còn đưa ra nhận định khả quan dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Có những thực tế buồn

Những năm gần đây, hạt gạo Việt Nam “mang chuông đi đánh nước người” và đã mang lại những tiếng vang không thể phủ nhận, tiêu biểu nhất không thể không nhắc đến là ST24, ST25 – "Gạo ngon nhất thế giới 2019".

Nhiều người dùng thế giới vẫn rất mơ hồ, thậm chí không nghĩ rằng Việt Nam là cường quốc sản xuất lúa gạo
Nhiều người dùng thế giới vẫn rất mơ hồ, thậm chí không nghĩ rằng Việt Nam là cường quốc sản xuất lúa gạo. (Ảnh: minh hoạ, nguồn internet)

Thế nhưng, có một nghịch lý là cho đến nay, nói đến gạo ngon Việt Nam thì không chỉ khách hàng thế giới mà ngay cả người tiêu dùng trong nước thậm chí nhiều người không hề biết tới. Đông đảo khách hàng trên thế giới vẫn rất mơ hồ, không nghĩ rằng Việt Nam đã là cường quốc sản xuất lúa gạo.

Nhìn nhận về vấn đề này, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hungary - ông Phạm Văn Công chia sẻ: thẳng thắn mà nói gạo Việt Nam vẫn đang lép vế cạnh tranh hơn so với gạo của Úc, Ấn Độ hay Thái Lan. Úc có khoảng cách đến Hungary xa hơn Việt Nam, nhưng chất lượng và thương hiệu gạo của họ tốt hơn nên lợi thế đương nhiên thuộc về họ.

Khách quan đánh giá, thương hiệu gạo Việt Nam hiện nay mới là khái niệm chung, đơn thuần là gạo có xuất xứ từ Việt Nam. Số doanh nghiệp có thể xuất khẩu gạo chất lượng cao với thương hiệu riêng có thể nói là còn quá hiếm hoi, số lượng gạo cũng rất hạn chế.

ST25 - “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” còn chưa kịp khẳng định thương hiệu đã tụt hang trong mùa giải 2020

ST25 - “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” còn chưa kịp khẳng định thương hiệu đã tụt hang trong mùa giải 2020.

Thực tế hiện nay, phần lớn gạo Việt Nam xuất khẩu theo lô do các doanh nghiệp tự đóng gói và phân phối chứ chưa có những thương hiệu riêng có thể bán trực tiếp đến người tiêu dùng.

Việt Nam đã có nhiều loại ngon và có chất lượng tốt. Đáng tiếc là việc phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt lại tỏ ra quá dễ dãi trong mua bán, thậm chí có xu hướng thiếu tích cực chấp nhận bán giá thấp hơn gạo Thái Lan để… nhanh thu lời.

Còn tồn tại một thực tế buồn nữa đó là việc ở trong nước, do làm ăn chụp giật nên có những doanh nghiệp đã làm “đội lốt giả danh” những loại gạo “có tên tuổi” để bán kiếm lời. Điển hình gần đây là hiện tượng “giả danh” ST25 – Gạo ngon nhất thế giới 2019. Chia sẻ với báo giới, “Cha đẻ” của ST25 - kỹ sư Hồ Quang Cua bày tỏ thất vọng, khi giống gạo ngon nhất thế giới của nhóm nghiên cứu đang bị làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường.

Gian nan hành trình xây dựng thương hiệu

Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Séc chia sẻ với báo chí, trước đây, Việt Nam đứng thứ 6 trong 40 nước xuất khẩu gạo vào thị trường này. Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi từ 1/8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam được đánh giá là sẽ có nhiều tiềm năng tại Cộng hòa Séc.

Rõ ràng, hơn lúc nào hết, những năm gần đây cơ hội để Việt Nam xây dựng, khẳng định thương hiệu cho hạt gạo Việt đang rất rộng mở. Tuy nhiên, con đường đi đến vinh quang không phải chỉ có nắng gió, cỏ xanh và hoa vàng.

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đã ý thức đến việc cải thiện chất lượng gạo để nâng giá trị nhưng việc nâng cao chất lượng gạo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và nếu để một mình doanh nghiệp gánh vác thì có được hiệu quả là điều không tưởng.

Thực tế việc mở rộng mô hình cánh đồng lớn những năm qua còn gặp  nhiều rào cản

Thực tế việc mở rộng mô hình cánh đồng lớn những năm qua còn gặp nhiều rào cản. (Ảnh: minh hoạ, nguồn internet)

Ông Lâm Định Quốc - nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng đưa ra nhận định rất xác đáng. Đó là việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam phải bắt đầu từ việc tạo ra được sản phẩm đồng nhất về chủng loại, chất lượng đồng đều. Thế nhưng việc sản xuất lúa tập trung ở Việt Nam hiện lại quá ít.

Để có chất lượng gạo đồng đều phải có sự đồng bộ từ giống, phân bón, kỹ thuật canh tác của nông dân đến điều kiện đồng ruộng, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Làm được như vậy, đòi hỏi phải sản xuất lớn nhưng trên thực tế việc mở rộng mô hình cánh đồng lớn những năm qua còn nhiều rào cản. Ngay cả tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước thì việc tổ chức mô hình cánh đồng lớn cũng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Thêm vào đó, chính sách đất đai không cho phép doanh nghiệp tích tụ ruộng đất quy mô lớn và theo đó nông dân vẫn sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún theo tập quán. Doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải thu mua gạo từ nhiều nguồn với nhiều chủng loại và chất lượng gạo khác nhau. Việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân cũng rất lỏng lẻo. Nông dân yêu cầu phải có lợi ích cụ thể mới tham gia cánh đồng lớn trong khi doanh nghiệp chỉ có thể thu mua theo giá thị trường chứ khó cam kết bao tiêu theo giá nông dân mong muốn.

Thực tế cho thấy, nông dân tự làm thì họ sẽ tự lo vốn, ai có bao nhiêu lúa thì tự phơi, tự sấy, tự trữ nếu chưa xuất bán. Mỗi hộ gia đình có trung bình 5 công ruộng (5.000m­2) và sản xuất riêng lẻ nên việc áp dụng cơ giới hóa, đầu tư giống và kỹ thuật đều rất khó. Trong khi đó một doanh nghiệp khó có thể liên kết riêng lẻ với hàng trăm, hàng ngàn hộ nông dân. Sản xuất không bài bản thì khó xây dựng được thương hiệu.

“Chúng tôi đã rất hào hứng và đầu tư thực hiện mô hình cánh đồng lớn ngay từ khi có chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thì mô hình này ngày càng teo tóp dần. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, chính sách, Luật Đất đai còn nhiều ràng buộc đối với hạn điền” - ông Lâm Định Quốc bộc bạch.

Những ngày gần đây, câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo lại trở nên nóng khi tại Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2020 diễn ra tại Mỹ, gạo ST25 của Việt Nam từng đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” đã rớt xuống hạng nhì. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tỏ rõ sự bức xúc vì điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển thương mại cho cả ngành lúa gạo Việt Nam.

Tranh cãi về việc có nên đem gạo ST25 đi thi vẫn chưa đến hồi kết, nhưng đây chắc chắn là bài học để xây dựng thương hiệu ngành lúa gạo tốt hơn. Sau hơn 30 năm xuất khẩu, ngành lúa gạo Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc công bố logo thương hiệu quốc gia. Nhiều người kỳ vọng với những cơ hội đang mở ra sẽ là dịp tốt để hạt gạo Việt Nam tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới.

Trần Linh