Long An: Tập đoàn từ Na Uy đầu tư 28,5 triệu USD xây nhà máy thức ăn chăn nuôi

15:47 11/03/2021

Nhà sản xuất thức ăn thuỷ sản toàn cầu Skretting vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam như một phần của “cam kết nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á rộng lớn hơn”.

Nhà máy mới đang bắt đầu xây dựng sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 100.000 tấn/năm. Với khoản đầu tư trị giá 24 triệu Euro (tương đương 28,5 triệu USD), nhà máy này được kỳ vọng sản xuất thức ăn chăn nuôi cho các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.  

Nguồn ảnh: Skretting Việt Nam
Nguồn ảnh: Skretting Việt Nam. 

Skretting là công ty con của Tập đoàn Nutreco, bắt đầu tham gia thị trường Việt Nam 10 năm trước khi mua lại Tomboy Aquafeed JSC, một công ty thức ăn cho tôm và cá.

Skretting có nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại 18 quốc gia trên năm châu lục, cung cấp dinh dưỡng toàn diện cho hơn 60 loài tôm và cá từ giai đoạn ấu trùng đến khi thu hoạch.

Không khó hiểu vì sao nhà đầu tư nước ngoài không ngừng gia tăng đầu tư lĩnh vực thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam chính là một nguyên nhân cơ bản.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến, giai đoạn 2008-2020, sản lượng thịt các loại đã tăng 1,6 lần, từ 3,6 triệu tấn lên 5,8 triệu tấn; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần, từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn. Bên cạnh sản xuất trong nước, năm 2019, Việt Nam còn phải chi hơn 3,7 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.

Trong khi đó, theo dự báo, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,06%/năm để đạt quy mô 12,27 tỷ USD vào năm 2025, từ mức trên 9,1 tỷ USD vào năm 2019. Đây quả là “miếng bánh” ngon cho các nhà đầu tư, kể cả ngoại lẫn nội.

Vì thế, không chỉ nhà đầu tư ngoại, mà cả nhà đầu tư nội cũng không ngừng mở rộng đầu tư. Trong top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín nhất Việt Nam 2020, do Vietnam Report vừa công bố, bên cạnh các tên tuổi nước ngoài như CP (Thái Lan), De Heus, Japfa… còn có Proconco, Dabaco, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Thức ăn thủy sản Mekong, Dinh dưỡng Hồng Hà…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, 85 nhà máy của nhà đầu tư ngoại (chiếm 32%), 180 nhà máy của doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy nhiên, nếu “so găng” thị phần thì nhà đầu tư ngoại đang thắng thế.

Hiện các nhà đầu tư ngoại chiếm tới 65% thị phần, còn nhà đầu tư nội chỉ chiếm 35%, dù thời gian qua, nhiều “ông lớn” Việt Nam như Masan, Dabaco, Hòa Phát, Hùng Vương… rất nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thậm chí, theo dự báo của Vietnam Report, thị phần trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp ngoại sau khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam tiếp tục mở rộng thêm nhà máy.

An Nguyên