Lối nào cho Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành thoát "núi" nợ chồng chất?

22:58 27/05/2021

Ban lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã đề ra ba phương án để khắc phục tình trạng thua lỗ, nợ nần chồng chất tại doanh nghiệp này. Tuy nhiên 3 tháng đầu năm, Gỗ Trường Thành lại lỗ ròng gần 40 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã chứng khoán: TTF/HoSE) gánh chịu khoản lỗ lũy kế với số tiền là 3.043,8 tỷ đồng, tổng nợ phải trả và nợ phải trả ngắn hạn cũng vượt hơn tổng tài sản và tài sản ngắn hạn.

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành từng là công ty chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam cả về năng lực sản xuất và vùng nguyên liệu, nhận được nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các dự án bất động sản lớn…, niêm yết trên HOSE ngày 18/2/2008.

Năm 2012 và 2013, TTF thua lỗ do đầu tư dựa nhiều vào vốn vay, trong khi lãi suất thị trường tăng cao, còn đầu ra gặp khó khăn.

Tưởng rằng sau khi tái cấu trúc nợ thành công và báo lãi tăng trưởng đột biến năm 2014 và 2015, tình hình kinh doanh sẽ khả quan nhưng cổ đông bất ngờ nhận cú sốc khi Công ty bị phát hiện sai lệch trọng yếu trong hàng tồn kho và khoản phải thu, dẫn đến thua lỗ gần 1.300 tỷ đồng trong năm 2016.

Cuối năm 2018, tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ tăng trở lại 98% khi TTF lỗ thêm 805 tỷ đồng do tiếp tục phải trích lập dự phòng phải thu và tồn kho. 

Với kết quả kinh doanh thua lỗ lớn, lỗ lũy kế của TTF đến cuối năm 2019 chiếm 97% vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu âm 631,8 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng của đợt phát hành cổ phiếu hoán đổi với STT, khiến Công ty ghi nhận khoản thặng dư vốn cổ phần âm 629,3 tỷ đồng. 

Lối nào cho Kỹ nghệ gỗ Trường Thành thoát
Lối nào cho Kỹ nghệ gỗ Trường Thành thoát "núi" nợ chồng chất?.

Sau kiểm toán đối với báo cáo tài chính 2020 công ty mẹ của TTF, lợi nhuận sau thuế giảm 11,97 tỷ đồng, tương ứng giảm 68,1% so với tự lập; lợi nhuận hợp nhất giảm 4,62 tỷ đồng, tương ứng giảm 20,3% so với báo cáo tự lập.

Ba tháng đầu năm 2021, dù doanh thu thuần đạt hơn 312 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước nhưng khi trừ đi các chi phí thì Công ty lại lỗ ròng gần 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong thời gian này, TTF còn ghi nhận thêm khoản vay tín chấp 50 tỷ đồng từ bà Đoàn Thụy Diễm Huyền với lãi suất 12%/năm. Như vậy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khởi sắc.

Trước đó, trong giải trình, ban lãnh đạo TTF đề ra ba phương án để khắc phục tình trạng trên. Một là cải thiện hoạt động kinh doanh, hai là phát hành cổ phiếu để tăng vốn, ba là cơ cấu lại các khoản đầu tư.

Đối với hoạt động kinh doanh, TTF cho biết tình hình sản xuất của Công ty đang có những dấu hiệu tích cực khi nhà máy Tủ Bếp giúp Công ty thu về bình quân khoảng 50 tỷ đồng/tháng; nhà máy SOFA 1 và SOFA 2 cũng có doanh số bình quân 40 tỷ đồng/tháng. Các nhà máy này đều đã nhận đủ đơn hàng để thực hiện đến hết năm 2021.

Ngoài ra, Công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy Ván Ép với công suất 9,000 m3/tháng và đẩy mạnh thương hiệu gỗ Casadora trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Còn về phương án tăng vốn, Công ty chuẩn bị huy động 1,000 tỷ đồng thông phát hành cổ phiếu ưu đãi để trả khoản vay ngân hàng đã quá hạn. Công ty dự kiến sẽ thực hiện phương án này vào quý 3 hoặc đầu quý 4/2021 để kết hợp với kết quả kinh doanh giải quyết dứt điểm tình trạng vốn sở hữu âm.

Đối với các khoản đầu tư, TTF cho biết đã xây dựng kế hoạch chuyển nhượng vốn tại các công ty con hoạt động kém hiệu quả trong năm 2021. Cụ thể, TTF dự định rút vốn khỏi 4 công ty con với tổng giá trị tài sản thuần đạt gần 203 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tiến hành thanh lý hơn 486 ha rừng tại Phước An, Đắk Lắk.

Linh Anh