Logistics nội 'lép vế' với DN ngoại đến bao giờ?

00:00 12/10/2020

Đại dịch Covid-19 được xem là một cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xem xét lại chiến lược hoạt động, đa dạng hóa thị trường cung cấp dịch vụ... để nâng cao năng lực cạnh tranh giành thị phần từ tay khối ngoại.

Ảnh minh họa

Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn - Nhà Sáng lập kiêm CEO của Tiki, đơn vị sở hữu nền tảng Thương mại điện tử Tiki, logistics là xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, logistics tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử với một đơn hàng có giá trị 10 đồng, chi phí logistics có thể lên đến 2,5 đồng.

 Chờ đợi sự "lột xác" của logistic

Chi phí logistics cao, dịch vụ  kém đa dạng đang khiến phần lớn thị phần của ngành này rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho biết thành phố có có khoảng 25.000 doanh nghiệp logistics với các quy mô, cấp độ, loại hình khác nhau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Hà Nội mới đáp ứng được 25% nhu cầu tại địa phương, 18% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu, phần còn lại do khối ngoại chi phối.

Nhìn thẳng vào yếu kém của ngành logisitcs, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lý giải, các doanh nghiệp nước ngoài cần gói dịch vụ logistics tích hợp, tức là không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn có nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác như thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói, phân phối sản phẩm... Không đáp ứng được yêu cầu trên là lý do chính khiến doanh nghiệp trong nước lép vế trước doanh nghiệp nước ngoài.Mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T phàn nàn xuất khẩu Việt Nam đang bị lệ thuộc rất lớn vào hệ thống logistics nước ngoài. Trong bối cảnh dịch bệnh, các hãng bay cắt, giảm chuyến bay, còn đường biển phụ thuộc các hãng tàu nước ngoài nên bị ép giá, kéo theo giá thành nông sản xuất khẩu bị đội lên rất nhiều, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Bình thường đã khó cạnh tranh, dịch Covid-19 ập đến lại càng khiến ngành logistics Việt Nam lao đao. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nói rằng, đại dịch Covid-19 làm gãy, đảo lộn hệ thống cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics. Theo khảo sát của VLA, 20-50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng (giảm về hoạt động và doanh thu) tuỳ theo loại hình dịch vụ cung cấp. Dịch vụ logistics hàng không, đường bộ và đường sắt bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội. Có đến 80% doanh nghiệp bị đình trị sản xuất, một số doanh nghiệp sẽ giải thể nếu đại dịch kéo dài một thời gian nữa.

"Covid-19 đã cho chúng ta thấy không nên quá phụ thuộc vào một vài nền kinh tế hàng đầu thế giới trong chuỗi cung ứng, theo đó hoạt động logistics bị tác động theo", ông Hiệp nói.

Vẫn còn cơ hội

Tuy vậy, ông Hiệp cho rằng đại dịch này là một cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xem xét lại chiến lược hoạt động, đa dạng hóa thị trường cung cấp dịch vụ, cải tổ bộ máy hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và cắt giảm chi phí nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh.

"Khủng hoảng cũng là lúc thị trường sàng lọc các doanh nghiệp theo cơ chế thuận tự nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần biết nắm bắt cơ hội để có thể tìm ra con đường hợp tác, khôi phục hiệu quả, vượt qua khủng hoảng", ông nói.

Theo đó, Chủ tịch VLA nêu ra nhiều thời cơ dành cho ngành này. Trước mắt là vị thế địa chính trị của Việt Nam, nhất là sau thắng lợi của việc chống đại dịch Covid-19 là thực hiện EVFTA, CPTPP tạo ra sự phát triển của hàng hóa xuất nhập khẩu và đón dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc của Mỹ, Nhật Bản, EU.

Ông Hiệp chỉ ra cơ hội Việt Nam còn có lợi thế là 4 chuỗi cung ứng ngành hàng điện thoại thông minh và linh kiện, máy tính và linh kiện điện tử, máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng nằm trong nhóm có tỷ trọng cao 40-50% tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều liên quan đến các quốc gia không ảnh hưởng nặng do Covid-19 hoặc qua đỉnh dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Asean.

Để doanh nghiệp có thể nắm bắt các cơ hội này, ông Hiệp kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh giải ngân các gói tín dụng, gói cứu trợ doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp sẽ tận dụng nguồn vốn vay này và sử dụng để mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường cung cấp dịch vụ logistics.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kiến nghị giảm phí cảng biển, cảng hàng không. Cụ thể, giảm 50% hoặc miễn phí sử dụng kết cấu công trình cảng biển khu vực Hải Phòng trong thời hạn 1 năm. Giảm chi phí vận tải đường bộ. Cụ thể, giảm 20-30% phí cầu đường BOT, đường cao tốc cho các xe vận chuyển hàng hóa trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm.

Đồng thời, Bộ GTVT và Bộ Tài chính có những biện pháp kiểm soát các hãng tàu container nước ngoài không ban hành các phụ phí, tăng phụ phí, tăng cước trong thời gian 6 tháng sau dịch bệnh.

"Việt Nam cần có một chiến lược dài hạn về phát triển vận tải biển khi hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam là thông qua các cảng biển. Phát triển nhanh các cảng biển nước sâu cho hoạt động nội vùng và toàn cầu. Vì Việt Nam hiện đang trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn của khu vực. Mỹ và Nhật Bản đã có kế hoạch rút các nhà máy sản xuất hàng thiết yếu ra khỏi Trung Quốc về nước hoặc chuyển sang các nước Đông Nam Á", ông Hiệp nói.

Đặc biệt, VLA đề xuất Nhà nước phát triển vận tải đường sắt trong hoạt động logistics. Trong giải quyết hàng tồn đọng với Trung Quốc đã chứng minh ưu việt của vận tải đường sắt. Phát triển vận tải hàng không bằng máy bay chuyên dụng chở hàng để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt EU và Mỹ cũng như tận dụng nguồn nông sản chất lượng cao của 2 khối này cho nhập khẩu.

Cùng với đó, ông Trần Ngọc Thái Sơn - Nhà Sáng lập kiêm CEO của Tiki đề xuất: Nhà nước, Chính phủ và các cấp ban ngành tại từng địa phương có những chính sách ưu đãi cụ thể về vị trí kho bãi trong dài hạn dành cho các đơn vị logistics và thương mại điện tử. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ tự tin đầu tư lâu dài cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quy trình kho bãi hiện đại, ứng dụng các công nghệ trong vận hành... giúp mang đến mô hình logistics trực tiếp, cắt giảm các bước trung gian không cần thiết, từ đó giúp tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

"Chính phủ có thể đầu tư hệ thống hạ tầng logictic sau đó cho các doanh nghiệp thuê, để đảm bảo đỡ lãng phí nguồn lực và hiệu quả cho các doanh nghiệp", ông Sơn nói.

Lê Thúy