Loạt doanh nghiệp bao bì Việt rơi vào tay tỷ phú Thái Lan

21:16 20/03/2021

Việc thâu tóm nhiều công ty, gia tăng ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam của tỷ phú Thái Lan đã khiến thị phần bao bì lệch hẳn về phía doanh nghiệp nước ngoài.

Công ty bao bì Biên Hòa (thương hiệu SOVI) được biết đến là một trong 5 nhà cung cấp bao bì lớn nhất tại phía Nam, mức tăng trưởng bình quân 20-25%/năm. Công ty này có 3 nhà máy trực thuộc, với tổng công suất gần 100.000 tấn/năm.

Công ty bao bì Biên Hòa sở hữu tệp khách hàng tầm cỡ, trong đó các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Pepsi, Coca-Cola, Nestlé, LG... Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cung cấp bao bì carton cho doanh nghiệp thuộc nghiệp ngành hàng như bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... 

Công ty
Công ty Bao bì Biên Hòa.

Thế nhưng vào cuối năm ngoái, Công ty bao bì Biên Hòa đã bị TCG Solutions Pte.Ltd, một công ty con thuộc tập đoàn SCG của tỷ phú người Thái Lan, thâu tóm.

Trước khi thâu tóm Công ty bao bì Biên Hòa, Tập đoàn SCG của tỉ phú người Thái cũng chi hàng ngàn tỉ đồng để sở hữu nhiều doanh nghiệp Việt khác như Bao bì nhựa Tín Thành, Prime Group (vật liệu xây dựng)...

SGC cũng nắm lượng lớn cổ phần tại nhiều công ty ngành nhựa gia dụng, bao bì như Nhựa và hóa chất TPC Vina, Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Vật liệu nhựa Minh Thái, Vật liệu xây dựng Việt Nam... 

Công ty sản xuất nhựa Duy Tân
Công ty sản xuất nhựa Duy Tân.

Gần đây SGC vừa đạt được thỏa thuận mua lại 70% cổ phần của Công ty sản xuất nhựa Duy Tân, nâng tổng số công ty trong mảng bao bì bị tập đoàn này thâu tóm tại Việt Nam lên tới 8, tổng doanh thu vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Việc gia tăng ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam thông qua M&A của SCG đã khiến thị phần bao bì lệch hẳn về phía doanh nghiệp nước ngoài.

Có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam dù làm ăn tốt, có khách hàng nhưng khi nước ta mở cửa, đứng trước những yêu cầu mới, cao hơn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không bắt kịp guồng quay, không đủ sức và tự tin vươn lên theo yêu cầu mới của thị trường. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài lại có tiềm lực, kinh nghiệm quản lý, công nghệ, vốn, muốn thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam đã có sẵn nền tảng để chỉ cần đổ vốn và công nghệ.

PV