Lo ngại doanh nghiệp lớn sẽ được ưu ái miễn, giảm lãi vay

00:00 12/10/2020

Các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá Thông tư 01 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành có nhiều điểm tích cực và kịp thời, song doanh nghiệp vẫn băn khoăn về mức giảm lãi suất còn thấp và có sự ưu ái miễn, giảm lãi vay.

mien-giam-lai-1442-1584243512.jpg

Nhiều doanh nghiệp mong được giảm lãi vay "sâu" hơn nữa

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 01 quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thông tin này được người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá như chiếc "phao cứu sinh" để các doanh nghiệp vực dậy sau "báo" dịch.

Ngân hàng cứu doanh nghiệp là cứu mình

Theo nhận định của các chuyên gia, Thông tư đã bao quát được tất cả đối tượng từ người dân, đến doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh Covid-19 đều được hưởng lợi từ chính sách miễn, giảm, cơ cấu lại thời gian trả nợ ngân hàng.

"Thực tế, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng cũng không "khoẻ". Vì vậy, việc "cứu doanh nghiệp" cũng là ngân hàng "tự cứu mình"", một chuyên gia cho hay.

Đáng lưu ý, điểm tích cực trong Thông tư lần này là ngân hàng hoàn toàn tự chủ. Các ngân hàng thương mại chia sẻ lợi nhuận của mình với khó khăn của doanh nghiệp. Do đó, lợi nhuận năm nay có thể giảm nhưng ngân hàng sẽ tránh được nợ xấu cũng như những hệ lụy do nợ xấu gây ra do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, ngân hàng là người cho vay nên được chủ động tái cơ cấu nợ, giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp trở lại hoạt động và khỏe mạnh trở lại là cần thiết. Ngoài ra, việc tự chủ sẽ giúp các ngân hàng đưa ra được gói hỗ phù hợp với năng lực của từng ngân hàng.

Đồng thời, Thông tư này cũng không giới hạn các lĩnh vực nhận được hỗ trợ. Bởi trên thực tế, tác động liên thông giữa các ngành, hầu hết lĩnh vực bị ảnh hưởng. Vì vậy, kể cả doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đều có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng nếu đủ điều kiện của các ngân hàng.

Đáng chú ý, Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước áp dụng đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với quy định này những khoản nợ cũ của khách hàng trước khi xảy ra dịch Covid-19 sẽ không được áp dụng, điều này nhằm đảm bảo sự công bằng và tránh nợ xấu ra tăng cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, để doanh nghiệp có thể hồi phục hồi lại sản xuất kinh doanh, có doanh thu để trả nợ thì doanh nghiệp phải cần ít nhất từ 6 tới 1 năm. Vì vậy, Thời gian có hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng công bố hết dịch theo vị chuyên gia này là chưa đủ.

"Đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt bởi hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn vì vậy chưa thể xác định được chính xác mức độ thiệt hại của doanh nghiệp đến đâu. Nếu dịch bệnh kéo dài, ngân hàng cần mở rộng thời gian thông tư có hiệu lực, không phải là 3 tháng sau khi công bố hết dịch. It nhất 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo các doanh nghiệp có đủ điều kiện hỗ trợ tốt nhất", ông Hiếu nhấn mạnh.

Cần quy định mức lãi suất

Hồ hởi khi biết Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định về tái cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi nhưng đại diện một doanh nghiệp vẫn lo lắng, không biết doanh nghiệp mình có nằm trong danh sách hỗ trợ của các ngân hàng hay không mặc dù đến thời điểm này doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản.

"Chúng tôi rất mong muốn được ngân hàng đồng hành, chia sẻ trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, không biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi có được ngân hàng hỗ trợ không hay các ngân hàng ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn?", vị lãnh đạo này đặt câu hỏi.

Trong khi đó, giám đốc của một công ty nông sản thừa nhận, nếu không có chính sách này nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đến kỳ sẽ không trả được nợ và óc thể dẫn tới phá sản. "Hiện nay, công ty đang vay ngân hàng vài chục tỉ và dự kiến nếu kinh doanh suôn sẻ thì có thể trả ngân hàng trong vài năm.

Tuy nhiên, doanh số của doanh nghiệp giảm đi vài chục phần trăm do trước đây xuất đi nhiều ở thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... nhưng hiện nay không xuất được. Trong nước tình hình buôn bán cũng rất chậm", giám đốc doanh nghiệp cho hay.

Tiếp nhận thông tin, vị giám đốc này to ra vui mừng, song cũng băn khoăn Thông tư 01 chưa quy định cụ thể mức giảm lãi suất là bao nhiêu mà phụ thuộc vào chính sách của các ngân hàng thương mại. "Hiện nay, doanh nghiệp đang vay với lãi suất kỳ hạn dài là 10%/năm thì bây giờ giảm xuống còn 9%/năm, vẫn còn khá cao với các doanh nghiệp nhỏ và vừa", vị này cho hay.

Ngoài ra, vị này chia sẻ thêm, trong trường hợp sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 thì doanh nghiệp cũng chưa thể trở lại nhịp sản xuất kinh doanh như trước khi dịch bệnh xảy ra được. Vì vậy, doanh nghiệp cần khoảng thời gian dài hơn.

"Chúng tôi chỉ hi vọng ngân hàng xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp khoảng 6 tháng và không chuyển nhóm nợ để khi có nguồn tiền chúng tôi sẽ trả nợ", vị này cho hay.

Huyền Anh