Liệu các doanh nghiệp phương Tây có thể tồn tại ở Trung Quốc trong bối cảnh mới?

10:23 14/10/2021

Những thay đổi quyết liệt trong chính sách gần đây đối với các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt như công nghệ, giáo dục,... của Bắc Kinh đã khiến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế "quay cuồng". Một số người chơi toàn cầu đã thích nghi với sự thay đổi của môi trường, trong khi những người khác không phản ứng kịp thời với những thách thức mới. Do đó, những doanh nghiệp này buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động tại Trung Quốc hoặc thậm chí chuyển toàn bộ ra khỏi thị trường béo bở .

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 
Một số doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm các địa điểm cung ứng thay thế ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh, trong khi những doanh nghiệp khác chuyển hẳn nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thay đổi này còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cuộc chiến thương mại, chi phí lao động leo thang. 

Ngay trong năm 2019, CNBC lưu ý rằng, "mức lương trung bình của người công nhân tăng gấp 8 lần kể từ năm 2004" đã thúc đẩy các nhà sản xuất đồ chơi, nhà sản xuất giày và nhà sản xuất quần áo tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hàng Made in China. Theo nghiên cứu của Barclays, mức lương trung bình theo giờ cho công nhân sản xuất của Trung Quốc ở mức 4,12 đô la so với 1,59 đô ở Ấn Độ. Tuy nhiên, CNBC và The Wall Street Journal cũng nhấn mạnh sự phức tạp nếu thay thế Trung Quốc bằng các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương mới nổi, vì tình trạng thiếu lao động, vấn đề chất lượng sản phẩm và thiếu chuỗi cung ứng chuyên biệt làm phức tạp hóa quá trình. Năm 2019, các vấn đề về chất lượng gia tăng trong lĩnh vực sản xuất Nam Á. Theo Qima, tỷ lệ kiểm tra thất bại của Ấn Độ và Pakistan lần lượt là hơn 33 và 37%. Trong khi đó, hơn 40% tổng số hàng hóa được kiểm tra tại Campuchia trong quý 2 năm 2019 được đánh giá nằm ngoài khả năng có thể chấp nhận được.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở lại Trung Quốc không chỉ buộc phải thích ứng với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng mà còn với môi trường kinh doanh ngày càng thù địch. Vì vậy, họ phải vận động chính phủ xây dựng quan hệ thương mại và làm việc tốt hơn với Trung Quốc. Cho đến nay, các công ty châu Âu dường như đã đạt được thỏa thuận tốt hơn so với các đối tác Mỹ. Việc ký kết Hiệp định Toàn diện EU-Trung Quốc về Đầu tư (CAI) cho thấy Liên minh châu Âu sẵn sàng tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc mặc dù Washington có lập trường cứng rắn hơn với nước này.

Theo báo cáo của Đài quan sát châu Âu, Trung Quốc đã sử dụng các tập đoàn đa quốc gia như Tencent, các tổ chức tư vấn và học viện để nâng cao hình ảnh đất nước với Liên minh châu Âu và thúc đẩy chương trình hàng đầu là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ dường như bị bỏ rơi khi thiếu sự hỗ trợ của chính phủ và đang bị công ty Trung Quốc bao vây. 

Liz Kennedy, Giám đốc phụ trách dân chủ và cải cách chính phủ tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho biết: "Nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đối với giới BigTech". Hãy nhìn các tập đoàn khổng lồ như Amazon, Facebook và Google nắm quyền ở Mỹ mà không bị kiểm soát bất chấp yêu cầu của người tiêu dùng về giới hạn quyền lực. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng hiểu rằng Trung Quốc đang ở ngã ba đường đối mặt với nguy cơ mất quyền lực vì một số gã khổng lồ công nghệ (Alibaba, Meituan và Didi), Giám đốc điều hành doanh nghiệp (Jack Ma) và các tỷ phú nuôi tham vọng. Trước mắt, dù là tại quốc gia nào đi nữa cũng tập trung kiểm soát các mối đe dọa lớn từ các tập đoàn hùng mạnh. Nói cách khác, các thương hiệu cao cấp, các doanh nghiệp khủng sẽ cần điều chỉnh nhưng không quá khó khăn như giới SME trong hoàn cảnh đặc biệt này. 

TL