Lao động là một yếu tố của tăng trưởng kinh tế Việt Nam

09:30 12/12/2020

30 năm đổi mới, Việt Nam đã xây dựng từng bước và căn bản những thể chế cơ bản của thị trường lao động. Để thực hiện chiến lược này, trong thời gian tới cần có những khuôn khổ về thể chế chính sách mới, do đó, phải đánh giá lại trong 30 năm qua đã làm được gì, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tầm quan trọng của lực lượng lao động

Theo TS. Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, 10 năm qua, thị trường lao động (TTLĐ) của nước ta quy mô còn nhỏ, các thể chế TTLĐ mới được thiết lập có hành lang pháp lý như Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các sàn giao dịch việc làm. Để bảo đảm những thể chế này hoạt động đồng bộ, hiện đại, bắt buộc phải có những hành lang pháp lý cho những thể chế này thực sự phát triển.

TS. Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm
TS. Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm.

Hiện, hai đề án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo.

Câu hỏi đặt ra là đề án này phải giải quyết được vấn đề thực tiễn. 10 năm qua, TTLĐ Việt Nam không những phát triển rất mạnh trong nước, thể hiện ở chỗ có những vùng thị trường lao động biến động, phát triển kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế, như Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những thị trường lao động chuyên biệt, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu rất mạnh, đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản, như thị trường ĐBSCL và Tây Nguyên.

"Đối với miền núi, phải có thị trường riêng để vừa bảo đảm phát triển hài hòa với trình độ phát triển của miền núi, nhưng cũng đúng với việc phát huy những ưu tiên của Đảng, Nhà nước đối với chính sách miền núi và chính sách dân tộc. Đề án này phải giải quyết được những điểm căn bản đó. Chính vì vậy, đề án phải bảo đảm phủ sóng được những thị trường khác nhau, phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, đề án phải bảo đảm có những chính sách thu hút các chuyên gia giỏi quốc tế và trong nước để hài hòa giữa lao động trong nước và quốc tế", ông Bình cho hay.

Vấn đề nữa, đề án phải bảo đảm có những chính sách thu hút các chuyên gia giỏi quốc tế và trong nước để hài hòa giữa lao động trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Vũ Trọng Bình cũng cho hay: "Một điều chúng tôi rất muốn giải quyết trong đề án này, là chúng ta nhìn lao động - việc làm nhiều năm nay rất quan trọng. Nhưng chúng ta lại nhìn nhiều hơn ở góc độ an sinh xã hội. Trong khi đó, lao động là một yếu tố của tăng trưởng kinh tế, từ trước đến nay vẫn thế. Nhưng đôi khi chúng ta chưa nhìn đúng tầm lao động theo góc độ tăng trưởng kinh tế. Vấn đề này phải được giải quyết từ lý luận, thực tiễn và thể chế để tạo ra được định hướng trong thời gian sắp tới".

Nâng cao thị trường lao động làm động lực cho sự phát triển kinh tế -xã hội

Với mục tiêu của đề án "Hỗ trợ phát triển TTLĐ" phát triển TTLĐ theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, từng tỉnh, từng ngành, nghề và từng bước đồng bộ, liên thông với các thị trường khác để làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này có giá trị thế nào với TTLĐ Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là định hướng đúng và thực chất, vì giải quyết việc làm là mục tiêu của an sinh xã hội, là trụ cột có tính chất phòng ngừa bảo đảm cho người việc làm có thu nhập, giải quyết đời sống cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, khi nghiên cứu đề án này phải xử lý hai vấn đề, đó là phải khắc phục cho được tồn tại hiện nay đang đặt ra đối với Chính phủ về giải quyết việc làm cho NLĐ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Hiện nay, nguồn chất lượng nhân lực của Việt Nam còn thấp, quan hệ cung - cầu đang có vấn đề. Cung chưa đáp ứng cầu sử dụng và dịch chuyển quá trình lao động chưa phù hợp với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, TTLĐ là một thị trường chịu tác động của nhiều yếu tố, chưa giải quyết đáp ứng được hiện tại. Tiếp đến đề án phải giải quyết hai nhiệm vụ: Đầu tiên là xây dựng cho được một TTLĐ ổn định, hài hòa và hiện đại. Tính hiện đại ở đây phải bảo đảm mấy yếu tố: Thể hiện thể chế về cơ chế chính sách về TTLĐ; Đáp ứng được nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực tăng lên; Đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, các lĩnh vực trong nước trong quá trình hội nhập; Chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Nhiệm vụ thứ hai, đề án phải giải quyết được chất lượng TTLĐ, bởi vì chất lượng TTLĐ giải quyết việc làm bền vững. Theo đó, để giải quyết việc làm bền vững cần phải đáp ứng việc làm theo quyền của con người theo quy định Hiến pháp như học nghề, tự tạo việc làm, tự chọn nơi làm việc; Bảo đảm có thu nhập hợp lý, có chính sách bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm các chức năng sau này khi NLĐ rời khỏi TTLĐ vẫn có thể tồn tại; Bảo đảm an toàn lao động, an toàn sinh mạng, vệ sinh môi trường trong quá trình làm việc.

"Đề án cũng phải tránh được NLĐ rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, chúng ta phải nghĩ đến việc đào tạo, đào tạo lại nhằm giữ chỗ cho NLĐ để khi chuyển đổi cơ cấu, công nghệ dưới tác động cách mạng công nghiệp 4.0, NLĐ vẫn có cơ hội tìm công việc khác. Ngoài ra, còn có một số yếu tố nữa để giải quyết vấn đề việc làm bền vững. Chúng ta đừng coi TTLĐ như vấn đề xã hội. Đây là vấn đề kinh tế. Chúng ta phải đầu tư xử lý việc làm cho NLĐ trên cơ sở phát triển TTLĐ", ông Lợi nhấn mạnh.

Theo TS Ngô Quỳnh An - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội), với những mục tiêu và nội dung của hai đề án nói trên cần lưu ý tới một số vấn đề như: TTLĐ ở các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường phân đoạn, không đồng nhất. Các chính sách và đề án phát triển cần phải đề cập đến sự phân đoạn này. Bản chất của việc làm trên TTLĐ Việt Nam hiện nay mang tính chất mưu sinh là chủ yếu, không phải việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững hay tăng trưởng xanh. Vì vậy khoảng cách giữa mục tiêu đặt ra là việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế xã hội bền vững là khoảng cách khá xa. Do đó, cần có lộ trình cụ thể, không thể coi là một TTLĐ đồng nhất giống như các nước phát triển.  

Theo TS Ngô Quỳnh An - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội)
Theo TS Ngô Quỳnh An - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội).

"Hy vọng đề án này quy hoạch phát triển vùng như thế nào để rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhưng không ra khỏi nông thôn và không dịch chuyển quá xa như hiện nay để gây ảnh hưởng tới cuộc sống và hệ lụy với NLĐ. Ngoài ra, đề án cần xét tới lao động quốc tế. Có nhiều vấn đề cần đề cập tới nhà xuất khẩu lao động, lao động nhập cư tới Việt Nam phải kiểm soát ra sao. Đề án về "Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động" trên TTLĐ, tôi thấy là đề án cần thiết", bà An nhấn mạnh.

LyLy