Lẩn tránh thuế - tác hại nhãn tiền

00:00 12/10/2020

Các chuyên gia khuyến nghị, DN sản xuất trong nước cần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, đa dạng thị trường xuất khẩu, song quan trọng nhất vẫn cần tuân thủ những quy định mà nước nhập khẩu đề ra bởi trước mắt tác hại của việc áp thuế chống gian lận đối với một số mặt hàng có kim ngạch chưa lớn, nhưng về lâu về dài tác hại sẽ ảnh hưởng tới uy tín, thị trường xuất khẩu của DN Việt Nam.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khẳng định có dấu hiệu lẩn tránh thuế đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam do có sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Theo đó, cơ quan chức năng Mỹ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với 2 sản phẩm nói trên của Việt Nam, đồng thời áp dụng mức tiền cọc tương đương với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan.

Các DN sản xuất thép cần tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không mất tiền đặt cọc nếu chứng minh tôn mạ và thép cán nguội không sử dụng từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Cụ thể, đối với sản phẩm tôn mạ, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ dành cho Trung Quốc là 199,43%, thuế chống trợ cấp là 39,05%.

Với sản phẩm thép cán nguội, mức thuế chống bán phá mà Trung Quốc đang chịu khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 199,76%, trong khi thuế chống trợ cấp lên đến 256,44%.

Toàn bộ mức thuế nói trên sẽ được DOC áp dụng đối với tất cả lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ ngay từ ngày 2/8/2019, trong khi quyết định cuối cùng ban hành mức thuế chính thức sẽ được DOC công bố vào tháng 9 tới đây.

Trước đó không lâu, DOC đưa ra kết luận sơ bộ đối với sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam sau đó xuất sang thị trường Mỹ là "chuyển đổi không đáng kể", giúp lẩn tránh thuế mà quốc gia nhập khẩu này đang áp dụng đối với Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng vài năm gần đây, Mỹ đã thay đổi quan điểm và yêu cầu sản phẩm phải được sản xuất trong nước mới được coi là không lẩn tránh thuế.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trước đó DOC cũng đã từng áp dụng biện pháp đánh thuế đối với một số sản phẩm, chủng loại thép của Việt Nam xuất đi Mỹ có dấu hiệu lẩn tránh thuế. Đồng thời, cơ quan chức năng trong nước cũng đã lên tiếng cảnh báo DN xuất khẩu nhiều lần về vấn đề này, bởi việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quyết định, đề ra những quy định khắt khe hơn để buộc DN có cách ứng xử và đưa ra phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, tránh gây ra những thiệt hại cho nền sản xuất về lâu dài.

“Khi các DN Việt muốn xuất khẩu mặt hàng thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng thép cán nóng vào thị trường Mỹ sẽ phải đặt tiền cọc trước một số tiền. Nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan thì sẽ không phải áp thuế cao. Còn trong những trường hợp không chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên vật liệu từ nguồn nào, sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc do mức thuế này cao nhất để tránh trường hợp trốn thuế. Còn DN chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ không sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc nhưng không chứng nhận được từ nước nào thì sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Hàn Quốc (mức thuế này cao hơn của Đài Loan). Còn đối với trường hợp hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ không sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng không chứng nhận được từ nước nào, DN sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Đài Loan” - đại diện VSA cho biết thêm.

Bàn về vấn đề này, một số chuyên gia ngành thép cho rằng, hành vi lẩn tránh thuế phần lớn thường xuất hiện ở một số DN lấy nguyên liệu thép cán nóng nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan... rồi gia công thành sản phẩm và bán sang Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị, DN sản xuất trong nước cần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, đa dạng thị trường xuất khẩu, song quan trọng nhất vẫn cần tuân thủ những quy định mà nước nhập khẩu đề ra bởi trước mắt tác hại của việc áp thuế chống gian lận đối với một số mặt hàng có kim ngạch chưa lớn, nhưng về lâu về dài tác hại sẽ ảnh hưởng tới uy tín, thị trường xuất khẩu của DN Việt Nam.

Nhật Minh

Tags: