Làm việc từ xa thúc đẩy nhu cầu về nhà ở tăng cao tại Nhật Bản

11:53 07/09/2021

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người dân Nhật Bản phải chuyển sang làm việc tại nhà, điều này đã khiến họ không còn muốn sinh sống ở những căn hộ nhỏ như trước vốn chỉ để nghỉ ngơi sau khi đi làm về.

Mặc dù nhu cầu chuyển chỗ ở vẫn còn tiếp diễn, nhưng không chắc liệu người dân có tiếp tục theo xu hướng này hay không khi giá nhà đất tăng cao.

Mặc dù nhu cầu chuyển chỗ ở vẫn còn tiếp diễn, nhưng không chắc liệu người dân có tiếp tục theo xu hướng này hay không khi giá nhà đất tăng cao. Ảnh: Nikkei Asia.

Nhu cầu về dịch vụ nhà ở đang tăng lên ở Nhật Bản vì các phương thức làm việc tại nhà đang thúc đẩy mọi người chuyển đến những nơi ở rộng rãi hơn.

Một phụ nữ ở độ tuổi 30, làm việc cho một công ty ở Tokyo, đã chuyển từ một căn studio sang một căn hộ có phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp riêng biệt. "Tôi đau khổ cả về thể xác và tinh thần trong căn hộ cũ, với diện tích chỉ khoảng 25 mét vuông, đó là lý do tại sao tôi chuyển đến căn hộ mới rộng hơn gấp đôi". 

Trong căn studio, cô không có chỗ cho bàn làm việc mặc dù phải plàm việc ở nhà nhiều hơn, và thời gian làm việc và nghỉ ngơi ngày càng trở nên khó tách biệt. Một người bạn của cô ấy bị ốm do phải làm việc liên tục trong một căn hộ nhỏ, cô ấy nói. Mặc dù tiền thuê căn hộ mới hàng tháng cao hơn khoảng 20.000 yên (tương đương 182 USD), nhưng cô ấy nói: "Tôi cảm thấy thư giãn khi ở đây."

Nhu cầu trong nước về dịch vụ chuyển nhà đang tăng lên. Sakai Moving Service, nhà cung cấp dịch vụ chuyển nhà lớn nhất tại Nhật Bản, đã xử lý 830.000 trường hợp trong năm tài chính 2020, tăng 6% so với năm trước. Theo họ, nhu cầu phần nào suy yếu sau tuyên bố đầu tiên của chính phủ về tình trạng khẩn cấp về sự lây lan của COVID-19 vào tháng 4 năm 2020, nhưng kể từ đó hầu như không bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Để thăm dò tình trạng hiện tại của thị trường dịch vụ chuyển nhà, Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản đã cùng nhau phân tích dữ liệu được cung cấp bởi Ateam Hikkoshi Samurai, trang web so sánh giá cả dịch vụ chuyển nhà lớn nhất của đất nước.

Phân tích chung được thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu của tổng số 2,6 triệu trường hợp tái định cư từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 3 năm 2021.

Trong khi số lượng các trường hợp tái định cư nói chung quay trở lại mức trước đại dịch vào mùa hè năm ngoái, các động thái đang tăng nhanh hơn vào năm 2021 so với những năm trước đây.

Một đặc điểm đáng chú ý của các đợt tái định cư gần đây là sự gia tăng chuyển đến các nơi ở lớn hơn. Vào năm 2020, việc chuyển nhà đến những ngôi nhà lớn hơn chiếm 55% tổng số lượt di chuyển, tăng nhẹ so với con số trước đại dịch, là 52% trong năm 2018-2019.

Trong khi đó, khoảng cách di chuyển nhà ở đang trở nên ngắn hơn. Trong quý 1 (tính đến tháng 3 năm 2021), 52% những người chuyển đến những nơi khác trong cùng một tỉnh, tăng gần 5 điểm phần trăm so với giai đoạn tương ứng vào năm 2019. Trong khi các động thái kiểu này tăng ở tất cả 47 tỉnh hoặc bang của Nhật Bản, 23% di chuyển trong cùng một thành phố.

Đồng thời, ngày càng có nhiều người di chuyển theo ý mình để tìm kiếm môi trường sống tốt hơn. Trong những trường hợp như vậy, mọi người có xu hướng chọn những ngôi nhà mới trong cùng phạm vi mà họ đã từng quen, để tránh phải tìm các tuyến đường đi lại mới cũng như tìm các phương tiện đi mới. 

Nhà ở Nhật Bản từ lâu đã được thừa nhận là nhỏ hơn ở Mỹ và châu Âu. Diện tíchtrung bình của ngôi nhà cho mỗi người dân ở Nhật Bản là khoảng 40 mét vuông, bằng 2/3 so với ở Mỹ và nhỏ hơn khoảng 10% so với ở Đức và Pháp. Diện tích trung bình của các căn nhà cho thuê ở Tokyo, với mật độ dân số cao, chỉ là 25 mét vuông. Công bằng mà nói, sự bất mãn với những ngôi nhà nhỏ đã nổi lên trong thời kỳ đại dịch.

Mặc dù nhu cầu chuyển chỗ ở vẫn còn tiếp diễn, nhưng không chắc liệu người dân có tiếp tục theo xu hướng này hay không khi giá nhà đất tăng cao.

Giá nhà đã bắt đầu tăng trước khi đại dịch bùng phát. Đầu tư tiếp tục đổ vào bất động sản trong bối cảnh các chính sách nới lỏng tiền tệ trên quy mô lớn. Thị trường ủy thác đầu tư bất động sản cũng phát triển lớn hơn. Tỷ lệ tiền thuê hộ gia đình trên chi tiêu hộ gia đình đã tăng 1,4 lần trong 20 năm qua, kìm hãm sinh kế vào thời điểm tiền lương bị đình trệ.

Giá chung cư trung bình trên toàn quốc đã tăng 1,6 lần trong thập kỷ qua. Ở Tokyo, giá cả đã lên tới hơn 10 lần thu nhập bình quân hàng năm của người lao động. Gánh nặng của các khoản vay thế chấp đối với những người đi vay cá nhân ngày càng tăng.

Xa hơn nữa, nếu mức thu nhập tiếp tục ổn định hoặc giảm trong khi giá nhà tiếp tục tăng, nhu cầu di dời nhà cửa có thể sẽ giảm xuống.

Bảo Bảo (Theo Nikkei Asia)