Nghiên cứu mới cho thấy lực lượng lao động đang phải gánh chịu những mệt mỏi tiềm ẩn do đại dịch gây ra. Trong khảo sát của Báo cáo Sức khỏe nơi làm việc năm 2022, hơn 50% người lao động tại Vương quốc Anh cho biết, họ mệt mỏi hoặc cực kỳ mệt mỏi. Hơn nữa, 53% cho biết rằng, sự mệt mỏi đang ảnh hưởng đến năng suất làm việc của họ.
Ngoài ra, phân tích dữ liệu Google của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe BUPA cho thấy, vào cuối năm 2021, lượng tìm kiếm về “dấu hiệu kiệt sức tại nơi làm việc” đã tăng 22%. Cũng đáng chú ý là số lượt tìm kiếm “mệt mỏi khi đưa ra quyết định” tăng 14%.
Quá trình làm việc và áp lực luôn thường trực, điều này xuất hiện trong bối cảnh đại dịch càng khiến người lao động trở nên mệt mỏi. Vì vậy, làm thế nào các nhà lãnh đạo có thể ngăn cả nhóm của họ và bản thân họ không bị kiệt sức trong công việc?
Khuyến khích mọi người cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Giáo sư Filipa Castanheira thuộc trường Kinh doanh & Kinh tế Nova ở Bồ Đào Nha cho biết: “Sự phát triển của công nghệ mới đã làm mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Vì vậy, các tổ chức và nhà quản lý nên đặc biệt chú ý đến cách người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời khuyến khích họ chủ động quản lý những ranh giới này bằng cách ngắt kết nối với công việc”. Bà cũng gợi ý rằng, các nhà lãnh đạo nên giúp nhân viên xác định kênh kỹ thuật số nào thích hợp để truyền đạt các loại thông tin khác nhau trong công việc và cần nên biết khi nào thì việc giao tiếp trực tiếp cần phải diễn ra để trao đổi.
Ưu tiên làm việc khi bản thân tràn đầy năng lượng
Harry Bliss, Giám đốc điều hành của Champion Health cho biết: “Nhân viên mệt mỏi không phải là nhân viên làm việc hiệu quả. Vì vậy, các nhà lãnh đạo nên thực hiện các bước để giúp nhân viên làm việc theo những cách thông minh hơn, hiệu quả hơn”. Bliss gợi ý nên ưu tiên “làm việc tập trung hoặc tổ chức các cuộc họp quan trọng vào những thời điểm trong ngày khi bản thân tràn đầy năng lượng sẽ sẽ dẫn đến hiệu suất làm việc tốt hơn”.
Ông nói thêm: “Sau đó, nhân viên có thể lên lịch cho các nhiệm vụ nhỏ hơn khi mức năng lượng đã trở nên thấp hơn”. Nghiên cứu của Champion Health cho thấy, mọi người cảm thấy tràn đầy năng lượng nhất để làm việc vào lúc 10h22 sáng và ít tràn đầy năng lượng nhất vào lúc 3h30 chiều.
Quản lý đồng bộ giờ giấc
“Ở nơi làm việc hiện đại, thường các nhân viên sẽ phải làm việc với các đồng nghiệp hoặc khách hàng từ các quốc gia khách nhau, vào mọi giờ trong ngày, điều này có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức và mệt mỏi”, Giáo sư Marie-Therese Claes, người giảng dạy chương trình CEMS tại trường học ở Vienna cho biết.
“Phải làm việc theo các múi giờ khác nhau khiến đồng hồ sinh học của cơ thể bị lệch. Ngoài ra khi trao đổi với nhiều khách hàng hay đồng nghiệp từ các nước khác nhau đồng nghĩa với việc nhân viên phải làm việc với đa dạng nền văn hóa, phải chú ý nhiều đến sự khác biệt giữa nghi thức và ngôn ngữ. Chính những điều này khiến họ có thể cảm thấy cực kỳ căng thẳng”, cô nhận định.
Claes khuyên rằng, các nhà lãnh đạo nên đặt ra các kỳ vọng rõ ràng khi “hoạt động vào các múi giờ khác nhau và cách thức quản lý công việc”. Cô ấy cũng nói rằng, một khi quy định về giờ giấc đã được thiết lập, các nhà lãnh đạo không nên khá bỏ chúng. Ví dụ, khi bạn nói với các đồng nghiệp hoặc khách hàng quốc tế rằng bạn sẽ không thể trả lời mail sau 9 giờ tối, thì bạn nên tuân thủ theo nguyên tắc đó và đừng thường xuyên gửi mail cho họ vào lúc nửa đêm.
Hãy nhớ rằng mọi người còn có cuộc sống bên ngoài công việc
Marco Favaloro, chuyên gia của nhà cung cấp đào tạo Insights tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Hãy dành thời gian để xem xét những gì có thể xảy ra trong cuộc sống bên ngoài và gia đình của nhân viên của bạn, cũng như trong cuộc sống làm việc của họ” .
Favaloro khuyên các nhà lãnh đạo nên nói chuyện riêng với từng thành viên trong nhóm để lắng nghe cảm giác của họ, thay vì “chỉ dẫn dắt các cuộc họp tập trung vào nhiệm vụ và hành động”.
Tạo ra một nền văn hóa cởi mở và công bằng
David Liddle, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp dịch vụ hòa giải Tập đoàn TCM và là tác giả của Transformational Culture, cho biết: “Tranh chấp và bất đồng giữa các đồng nghiệp không biến mất chỉ vì chúng ta không còn làm việc trực tiếp tại văn phòng nữa. Khi chúng ta làm việc online và giao tiếp qua một màn hình, sẽ khó nhận ra các sắc thái tinh tế của ngôn ngữ cơ thể hoặc giải quyết các vấn đề xung quanh. Vì vậy, những căng thẳng nhỏ và những hiểu lầm nhỏ có thể dễ dàng chuyển sang giai tranh cãi căng thẳng”.
Liddle tin rằng, các nhà lãnh đạo cần tạo ra các nền văn hóa an toàn về mặt tâm lý, nơi mọi người có thể giải quyết dễ dàng những bất đồng. Ông giải thích: “Họ cần tạo ra một nền văn hóa cho phép mọi người tham gia vào cuộc đối thoại cởi mở, trung thực để tìm ra sự khác biệt của họ. Đó là việc thực sự lắng nghe nhau, thấu hiểu nhu cầu của mọi người và tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách hợp tác và nhân ái”.
Đừng mong đợi mọi người tự ‘đánh bại’ lại sự kiệt sức
Tiến sĩ Amy Bradley, Giáo sư lãnh đạo và quản lý tại trường Kinh doanh Quốc tế Hult và đồng tác giả của cuốn sách sắp ra mắt Running on Empty, lập luận rằng, chúng ta cần thay đổi cách nói về sự kiệt sức trong các tổ chức của mình.
Bradley nói: “Sự kiệt sức không phải là thứ có thể bị 'đánh bại' bằng cách cho nhân viên nghỉ phép thêm vài ngày, hoặc bằng cách cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe”. Cô ấy giải thích rằng, những người bị kiệt sức thường không dễ nhận thấy ngay từ ban đầu. “Cho đến khi quá muộn màng, họ mới nhận ra tất cả các dấu hiệu của sự kiệt sức đã xuất hiện. Bằng cách nào đó, họ phớt lờ hoặc kìm nén chúng bởi vì họ thầm nghĩ rằng cần phải làm việc chăm chỉ hơn là tự chăm sóc bản thân”, cô nhận định.
Theo Bradley, kiệt sức không phải là điều gì đó mà chúng ta cần hồi phục mà một mối lo ngại liên quan chặt chẽ đến hiệu quả làm việc. “Chỉ khi chúng ta bắt đầu đánh giá lại các khía cạnh khác của cuộc sống hơn là chỉ chăm chú vào công việc, chúng ta mới có thể bắt đầu giải quyết được tình trạng kiệt sức”, cô chia sẻ.
Bảo Bảo