Lạc quan triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu năm 2022

12:19 02/01/2022

Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 trên phạm vi toàn quốc đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: TCCT) 

Trong tháng 12/2021, cả nước có 11,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 156,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 69,7 nghìn lao động, giảm 5,7% về số doanh nghiệp, tăng 4,7% về vốn đăng ký và giảm 8,9% về số lao động so với tháng 11/2021. So với tháng 12/2020, tăng 5% về số doanh nghiệp, giảm 56% về số vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, tăng 11% so với tháng trước và giảm 58,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong tháng, cả nước còn có 4.223 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,8% so với tháng trước và giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021. Như vậy, chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét.

Tính chung năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước. Nếu tính cả 2.524,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là 4.136 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, năm nay có 1.999 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 24,3% so với năm trước; 31,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 22,4%; 83,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 9,2%.

Cũng trong tháng 12/2021, có 3.011 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 14,5% so với tháng trước và tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020; có 9.057 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 95,1% và tăng 67,1%; có 1.877 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 49,4% và giảm 7,1%.

Tính chung năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%, trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2021 cho thấy: Có 44% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý III/2021; 31,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 24,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn

Dự kiến quý I/2022, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 83,1% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 82% và 81,2%.

Về khối lượng sản xuất, có 45,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV/2021 tăng so với quý III/2021; 30,5% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 23,8% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý I/2022 so với quý IV/2021, có 45,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 17,4% số doanh nghiệp dự báo giảm và 37,2% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 39,3% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2021 cao hơn quý III/2021; 37,3% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 23,4% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý I/2022 so với quý IV/2021, có 41,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 16,8% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 41,8% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý IV/2021 so với quý III/2021, có 34% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 43,4% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 22,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý I/2022 so với quý IV/2021, có 37,2% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 16,7% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 46,1% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Kỳ Anh