Lạ lùng với cách hành xử của Phòng Giáo dục huyện Trạm Tấu – Yên Bái ?

15:16 04/01/2021

Pháp luật đã quy định cụ thể về các chế độ, chính sách đối với Giáo dục Dân tộc tại những khu vực miền núi đặc biệt khó khăn. Tuy vậy, tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái việc thực hiện cũng như cách áp dụng quy định của Phòng Giáo dục lại lạ lùng đến khó hiểu.

   

 

Yên Bái là một tỉnh miền núi đa dân tộc, trong đó có 12 dân tộc bản địa cùng sinh sống lâu đời, đa số các dân tộc thiểu số Yên Bái sinh sống ở vùng núi và vùng cao nên đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn. Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách rất thiết thực thúc đẩy phát triển giáo dục dân tộc như: Hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh trường PTDTBT học 2 buổi/ngày mà không được hưởng chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ của Chính phủ; Hỗ trợ kinh phí thuê nhân viên nấu ăn ngoài số kinh phí được Trung ương hỗ trợ để phục vụ thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú; Hỗ trợ kinh phí cho học sinh THPT của 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải không được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP mỗi em 200.000đ/tháng...

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số thông tin cho rằng có sự không minh bạch trong hoạt động quản lý cũng như việc thực hiện các chế độ, chính sách trong ngành Giáo dục tại một số địa phương ở tỉnh Yên Bái. Sự việc đã gây ra những tâm lý bức xúc trong nhân dân và độc giả. Để có những thông tin khách quan, đa chiều làm cơ sở phản hồi tới quý độc giả, cơ quan báo Chí đã cử phóng viên liên hệ, làm việc với UBND huyện và Phòng Giáo dục huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Cụ thể, ngày 21/12 khi phóng viên liên hệ, ông Lê Vũ Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu đang họp nên giao làm việc với ông Vũ Đăng Quỳnh - Chánh văn phòng cấp ủy và chính quyền huyện. Tiếp đó, qua trao đổi nội dung công việc thấy liên quan đến mảng Giáo dục nên ông Quỳnh - Chánh Văn phòng hướng dẫn phóng viên liên hệ với Phòng Giáo dục & Đào tạo. Buổi sáng ngày 22/12/2020, phóng viên qua làm việc với ông Phạm Mạnh Tưởng - Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện và được ông Tưởng bút phê, có ký tên, đóng dấu đỏ bên cạnh với nội dung: "Phòng GD-ĐT Trạm Tấu đề nghị các đơn vị, trường phối hợp, tạo điều kiện để đ/c H hoàn thành nhiệm vụ".

 

 Phần thông tin nhà cung cấp thực phẩm bị để trống trên bảng tin. 

Sau khi đã làm việc và được sự đồng ý của UBND huyện cũng như Phòng Giáo dục - Đào tạo Trạm Tấu, phóng viên tiến hành di chuyển xuống một số điểm trường Bán trú có học sinh được hưởng chế độ, chính sách theo NĐ 116/2016, NĐ 57/2017 để khảo sát thực tế. Khoảng 11h30, phóng viên có mặt tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học & Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Túc Đán. Lúc này, lịch học buổi sáng vừa kết thúc, số lượng học sinh chuẩn bị dùng cơm trưa rất đông. Sau khi phóng viên giới thiệu cũng như đưa các giấy tờ, văn bản trong đó có nội dung bút phê của Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo, nhưng đại diện nhà trường không đồng ý cho phóng viên tác nghiệp mà gọi điện cho Trưởng Công an xã, yêu cầu phóng viên qua xã liên hệ rồi mới được lên trường tác nghiệp. Bất đắc dĩ, sau một hồi phóng viên giải thích do trước đó đã liên hệ và được sự đồng ý của UBND huyện Trạm Tấu, Phòng Giáo dục - Đào tạo nên không cần qua UBND xã thì phóng viên mới được đồng ý cho tác nghiệp nhưng vẫn gọi 2 nhân viên nữa đi cùng và dùng điện thoại ghi lại hình ảnh của phóng viên. 

Tại khu vực bếp của nhà trường, phóng viên quan sát trên bảng ghi thông tin công khai tài chính theo quy định mục nhà cung cấp thực phẩm để trống. Theo quy định, thực phẩm phải an toàn, được cung cấp bởi những đơn vị có đầy đủ uy tín, năng lực, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các em học sinh trong bữa ăn hằng ngày. Vì trong bảng kê khai thông tin không ghi nên phóng viên đề nghị nhà trường cung cấp một số thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm hiện tại cho trường cũng như những hợp đồng, hóa đơn, chứng từ kèm theo. Trước đề nghị của phóng viên, đại diện nhà trường cho biết, những giấy tờ đó nhà trường không lưu giữ mà đã nộp về Phòng Tài Chính - Kế hoạch huyện Trạm Tấu.Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với bà Lò Thị Thu Hương - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thì bà Hương cho rằng, Phòng Tài chính - Kế hoạch không giữ mà khả năng do Cơ quan Kiểm Tra - Thanh tra giữ (?). 

Ở một diễn biến khác, trong buổi làm việc với UBND xã Túc Đán về nội dung phối hợp giữa chính quyền xã với trường PTDTBT TH&THCS Túc Đán trong việc kiểm tra, giám sát quy trình, chất lượng bữa ăn của các cháu học sinh thì ông Giàng A Vàng - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Việc lựa chọn các nhà cung cấp thực phẩm cho nhà trường là do trên huyện, phòng "định hướng", còn những hồ sơ, hợp đồng, chứng tờ cụ thể thì xã không lưu giữ...". Từ "định hướng" ở đây khá mơ hồ và phải hiểu như thế nào mới đúng, phải chăng là một câu chuyện khác?

Băn khoăn về quy trình quản lý của ngành Giáo dục ở Trạm Tấu, liệu có hay không sự bưng bít thông tin, đùn đẩy, né tránh, "đá bóng trách nhiệm" ở đây giữa nhà trường, các cơ quan, đơn vị nên phóng viên đã liên lạc lại với ông Tưởng - Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo để xác minh. Tuy nhiên, một lần nữa phóng viên vô cùng bất ngờ khi ông Tưởng cho rằng những thông tin về hồ sơ, chứng từ, tài liệu này là "mật" nên cơ quan báo chí không thể tiếp cận (?).

 Trên bảng tin trường Phình Hồ chỉ ghi tháng mà không có ngày.

Trước đó, vào vai du khách đi du lịch, phóng viên đã có buổi thâm nhập, quan sát thực tế tại trường PTDTBT TH&THCS Phình Hồ chiều 18/12/2020 (thứ 6).Thời điểm đó, vì là ngày cuối tuần nên các em học sinh tiểu học đã nghỉ và trở về nhà, trong trường chỉ còn các em học sinh Trung học cơ sở (cấp 2) ở lại và chuẩn bị dùng bữa. Quan sát trên bảng ghi thông tin công khai tại khu vực bếp ăn nhà trường, phóng viên thấy dòng thời gian chỉ có tháng 12 còn ngày để trống. Theo nội dung ghi trên bảng thì việc thực hiện ghi, chép công khai chi phí, tài chính tất cả các ngày trong tháng theo quy định liệu có được đảm bảo? Đồng thời, trên bảng ghi ngày hôm đó thể hiện số lượng học sinh THCS hưởng chế độ Bán trú (BT) được ăn cơm tại trường là 84 nhưng thực tế theo phóng viên quan sát chỉ có 65 học sinh, vậy là đã có sự chênh lệch số lượng 19 học sinh giữa thực tế và số liệu trên bảng ghi. Chênh lệch 19 suất này không phải con số nhỏ và số tiền quy ra cũng rất lớn. Nếu sự chênh lệch này diễn ra trong một tháng, một năm thì sẽ ra sao và lý do thực sự của sự việc này là như thế nào? Không những vậy, trên bảng ghi món ăn chiều hôm đó cho học sinh là cơm tẻ, thịt gà rang gừng, canh su su nhưng thực tế là cơm tẻ, thịt gà và canh rau cải lèo tèo vài ba cọng (?).

Món canh thực tế khác với thực đơn công khai. (Ảnh: Đức Huân) 

Với những thông tin, hình ảnh đã ghi nhận trước đó, khoảng 16h30 ngày 22/12/2020, phóng viên có mặt tại trường PTDTBT TH&THCS Phình Hồ để liên hệ và trao đổi với đại diện nhà trường về sự việc trên. Tuy nhiên, sau khi phóng viên xuất trình Giấy giới thiệu của cơ quan, Chứng minh thư nhân dân của phóng viên cùng nội dung bút phê của Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trạm Tấu thì ông Nguyễn Duy Tiến – Hiệu trưởng nhà trường yêu cầu phóng viên trình thêm "Thẻ Phóng viên" mới làm việc. Sau đó, phóng viên đã cặn kẽ giải thích Luật Báo chí quy định nếu phóng viên chưa đủ điều kiện cấp Thẻ Nhà báo thì trong quá trình tác nghiệp chỉ cần có Giấy giới thiệu của cơ quan Báo chí vẫn còn thời hạn, kèm với Thẻ Căn cước Công dân (CCCD) hoặc Chứng minh thư nhân dân (CMTND) là đầy đủ, đúng quy định. Mặc dù, phóng viên đã giải thích rất cặn kẽ, kỹ càng nhưng ông Tiến - Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Phình Hồ vẫn kiên quyết không chấp nhận để phóng viên tác nghiệp theo quy định chỉ vì một lý do phóng viên không có Thẻ phóng viên. Mà theo ông Tiến khẳng định, đây là chỉ đạo của sếp Tưởng - Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Trạm tấu (?). 

Không rõ những lời của ông Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Phình Hồ, khẳng định rằng: "Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trạm Tấu chỉ đạo không làm việc với phóng viên không có Thẻ phóng viên là như thế nào"? Nếu sự việc đó là thật thì ông Trưởng phòng GĐ-ĐT huyện Trạm Tấu căn cứ theo quy định ở điều, khoản của Bộ Luật nào? Thứ nữa là việc "Tiền, hậu bất nhất" của người đứng đầu ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Trạm Tấu. Trước mặt phóng viên thì phát ngôn đồng tình, ủng hộ, bút phê đề nghị các trường, đơn vị hỗ trợ phóng viên tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ xác minh tại trường. Nhưng phía sau lại chỉ đạo các trường gây khó dễ, cản trở việc tác nghiệp của phóng viên. Xin nói thêm rằng, cũng tương tự tình trạng trên, năm 2019 Cơ quan Công an tỉnh Yên Bái đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam một Hiệu trưởng về hành vi bớt xén bữa ăn của học sinh tại huyện Trạm Tấu.

  Trường PTDTBT TH&THCS Phình Hồ

Chúng ta sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, hoạt động tác nghiệp Báo chí cũng vậy, Luật Báo chí đã quy định rất rõ ràng. Nhưng cách hành xử và những sự việc xảy ra trong lĩnh vực Giáo dục ở Trạm Tấu thật sự kỳ lạ đến khó hiểu? Phải chăng ở Trạm Tấu có những quy định riêng mang tính đặc thù, văn hóa địa phương còn cao hơn cả luật pháp do Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành? Xin gửi những băn khoăn này tới các vị Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Sở Giáo dục & Đào tạo cũng như Lãnh đạo huyện Trạm Tấu. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc làm rõ để sớm có câu trả lời thỏa đáng cho người dân và công luận.

Đức Huân