Kỳ vọng vào sự đổi mới của VICOFA

15:11 04/05/2021

Đã hơn 20 năm qua, Việt Nam được thế giới biết đến là quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai toàn cầu về cà phê. Nói một cách hình ảnh, trong mỗi ly cà phê được pha hàng ngày ở nhiều nơi trên thế giới đều có hạt cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê đã góp phần đáng kể vào ngân sách quốc gia... Là tổ chức lớn nhất của ngành cà phê Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành.

Sản lượng cà phê xuất khẩu tăng nhưng đời sống của người nông dân trực tiếp làm ra hạt cà phê vẫn còn nhiều khó khăn.
Sản lượng cà phê xuất khẩu tăng nhưng đời sống của người nông dân trực tiếp làm ra hạt cà phê vẫn còn nhiều khó khăn..

Tại Việt Nam, cà phê được trồng tại 20 tỉnh, nhiều nhất là Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông. Số liệu từ Vicofa cho biết, mỗi năm, ngành cà phê Việt Nam thu hút khoảng 600.000 - 700.000 lao động, có thời điểm lên tới 800.000 người. Hiện, sản phẩm cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hàng năm thu về cho ngân sách quốc gia hơn 1 tỉ USD. Chính vì thế, cà phê là một trong những sản phẩm mũi nhọn có thể nâng tầm thành ngành chiến lược để Việt Nam định vị thương hiệu quốc gia của mình trên thị trường nông sản thế giới.

Năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có dịch bệnh Covd-19 nhưng xuất khẩu cà phê cả năm của Việt Nam đã đạt xấp xỉ mức 2,8 tỷ USD tương đương năm 2019.

Như vậy có thể thấy, từ khi cây cà phê được người Pháp đem đến trồng ở Việt Nam vào năm 1857, đến nay cây cà phê đã trở thành một lại cây trồng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trong nước và giá trị xuất khẩu cũng như vị thế của cà phê Việt Nam đã có nhiều cải thiện.

Đến cuối năm 2020, ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam cũng đẩy mạnh sang chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan (chiếm khoản 12%). Việt Nam cũng đẩy mạnh tiêu thụ cà phê nội địa với sự trở lại của rất nhiều thương hiệu Việt và chuỗi cung ứng quốc tế đến từ các công ty trong ngành, sự tăng nhanh của các hệ thống chuỗi, đưa sản lượng tiêu thụ nội địa trong nước hiện nay đạt trên 10%.

Thực tế là để ngành cà phê Việt Nam và Việt Nam có được vị thế về xuất khẩu cà phê như hiện nay thì phải khẳng định rằng đó là kết quả của đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đó cũng là kết quả từ sự quan tâm về nhiều mặt của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, đơn vị, địa phương có liên quan cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân sản xuất, kinh doanh cà phê... Trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của VICOFA.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được của ngành cà phê Việt Nam, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng để ngành cà phê cũng như cà phê Việt Nam phát triển bền vững và cà phê thực sự trở thành một trong những sản phẩm mũi nhọn mang lại nhiều giá trị, đóng góp quan trọng cho kinh tế Việt Nam, góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên thị trường nông sản thế giới... thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm!     

Ngành cà phê và người làm cà phê Việt Nam đang kỳ vọng vào sự đổi mới của VicoFa
Ngành cà phê và người làm cà phê Việt Nam đang kỳ vọng vào sự đổi mới của VicoFa.

Có thể thấy, dù Việt Nam có số lượng cà phê xuất khẩu lớn nhưng lợi nhuận và danh tiếng mang về cho thương hiệu cà phê Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Xuất khẩu cà phê vẫn chủ yếu là cà phê nhân, chưa qua chế biến, trong khi tổng giá trị của ngành cà phê toàn cầu là 200 tỷ USD. Hiện, tỷ lệ tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam mới đạt khoảng 13% sản lượng, tương đương 200.000 tấn/năm, bình quân 2kg/người/năm. Bên cạnh đó, giá cà phê không ổn định. Việt Nam hiện là nước sản xuất lớn về cà phê nhưng gần như không có tiếng nói trong việc quyết định giá thành sản phẩm. Người trồng cà phê dễ dao động, sẵn sàng phá bỏ cây trồng khi vụ mùa không thuận hoặc có những cây trồng đem lại nguồn lợi kinh tế cao hơn. Chúng ta xuất khẩu thô hàng loạt nhưng lại đang có ít thương hiệu mạnh và đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt vùng nguyên liệu v.v... Trong khi tiềm năng của thị trường này đang rất lớn so với nhu cầu ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Đây đang là bài toán thách thức lớn đặt ra cho ngành cà phê Việt Nam hiện nay, trong đó VICOFA đóng vai trò rất quan trọng.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển cũng như hoạt động của VICOFA từ khi thành lập vào năm 1990 đến nay, có thể thấy đây là Hiệp hội lớn nhất của ngành cà phê Việt Nam, là tổ chức tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sản xuất, chế biến, xuất khẩu, nghiên cứu và đào tạo, cung ứng dịch vụ cho ngành cà phê trên phạm vi cả nước, đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò của Hiệp hội hiện nay vẫn còn mờ nhạt. Trong nhiều năm qua và nhất là những năm gần đây, Hiệp hội vẫn chưa đưa ra được những dự báo tương đối chính xác để có thể hỗ trợ cho ngành cà phê Việt Nam phát triển. Thực tế là trong thời gian qua, Hiệp hội mới chỉ chú trọng tới chỉ tiêu xuất khẩu cà phê mà Chính phủ giao và quan tâm tới lợi ích của các doanh nghiệp thành viên, chứ chưa thực sự quan tâm đến đội ngũ nông dân trực tiếp sản xuất. Hiệp hội mới chỉ đóng vai trò điều hành xuất khẩu mà chưa góp phần điều hành được sản xuất sao cho “cung” phù hợp với “cầu”; cũng chưa hướng dẫn hay đề ra các giải pháp khả thi để thực sự hỗ trợ cho người nông dân khi gặp rủi ro bất ổn về giá cả sản phẩm. Lâu nay giá cà phê vẫn phụ thuộc nhiều vào sàn cà phê quốc tế và sự chi phối của các tập đoàn cà phê thế giới, khiến đời sống người nông dân làm cà phê vẫn còn nhiều khó khăn v.v...

Hiện nay, giá trị xuất khẩu và vị thế của cà phê Việt Nam tuy đã có cải thiện nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030 và tăng tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên 30% trong thời gian tới, ngành cà phê buộc phải “chuyển mình”, đặc biệt là phải chú trọng phát triển các sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu và hướng tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững. Những thực tế này, đòi hỏi VICOFA phải có sự đổi mới toàn diện cả về bộ máy nhân sự và hoạt động thì mới có thể dẫn dắt ngành cà phê nước nhà thích ứng với sự bùng nổ mới của ngành trong thời kỳ hội nhập sâu với kinh tế quốc tế và hậu Covid, trong đó phải đặc biệt coi trọng vị trí Chủ tịch Hiệp hội. Bởi nguy cơ khi người kế nhiệm không am hiểu về chuỗi giá trị toàn cầu và lợi thế cà phê của Việt Nam sẽ khiến sự tiếp tục trượt dài của ngành cà phê - ngành chủ lực và vô cùng chiến lược của Việt Nam.

Do vậy, ngành cà phê trông đợi người đứng đầu VICOFA ở nhiệm kỳ mới phải là người hội tụ năng lực, phẩm chất tạo ra được bước phát triển đột phá để đưa ngành cà phê Việt Nam ngày càng phát triển hơn./.

Nguyễn Hiếu