Kỳ vọng doanh nghiệp thoát thế khó

00:00 12/10/2020

Giải pháp cho các doanh nghiệp Việt vượt thế khó trong mùa dịch Covid-19 phải đến từ chính bản thân nội tại của doanh nghiệp. Đây là cuộc đua tốc độ và khả năng linh hoạt, những ai lơ ngơ, thiếu quyết liệt có thể sẽ bị bỏ lại phía sau hay biến mất!

Tốc độ và linh hoạt

Để thoát thế khó rất cần tốc độ và khả năng linh hoạt của DN Việt

Có thể thấy, đối với những doanh nghiệp (DN) Việt trong ngành bán lẻ hay ngành hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm hoặc ngành dịch vụ ăn uống (F&B), việc linh động trong cách thức bán hàng như vậy là điều cần làm trong lúc khó khăn này.

Chia sẻ về giải pháp cho các DN Việt vượt khó trong mùa dịch Covid-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng giải pháp phải đến từ chính bản thân nội tại của DN.

Chẳng hạn như DN cần tìm đến những cách thức để bán hàng hiệu quả hơn. Đó là tích cực bán hàng trực tuyến, nhận đặt hàng và giao hàng qua điện thoại. Mặt khác, DN cũng nên củng cố các mối quan hệ với những khách hàng cũ trong lúc này.

Theo ông Dũng, từ những khó khăn về mặt thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN nội địa cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc liên kết chuỗi với những DN bán được hàng hoặc với các chợ truyền thống, siêu thị để nhận đặt hàng, ký gửi hàng hóa…

Quan sát tình hình khủng hoảng của DN ở nhiều ngành hàng như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn bất thường, nên giải pháp của DN cũng phải khác thường, tức là khác với những khủng hoảng trước đây mà phía DN từng đối mặt.

Đặc biệt là giữa mùa dịch, bản thân chủ DN phải linh hoạt giải pháp, không ngừng tự học tập và đào tạo để khi qua mùa dịch thì năng lực quản trị, lãnh đạo sẽ được nâng lên.

Điều này có thể ví như một con thuyền mà ở đó tâm thế của người thuyền trưởng cực kỳ quan trọng. Chuyên gia ngành bán lẻ Nguyễn Phi Vân bình luận: “Đây là lúc khả năng làm tướng của người đứng đầu thể hiện rõ nhất”.

Cũng theo vị nữ chuyên gia này, đó là cuộc đua tốc độ và khả năng linh hoạt. Những ai lề mề, lơ ngơ, thiếu quyết liệt sẽ bị bỏ lại phía sau hay biến mất !

Chia sẻ thêm về giải pháp của DN, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý các DN nội địa cần tái cấu trúc lại toàn bộ sản phẩm danh mục sản phẩm sản xuất kinh doanh của mình giữa mùa dịch. Đặc biệt là tập trung vào những sản phẩm đang có nhu cầu cao, cấp thiết trên thị trường; còn những sản phẩm không có nhiều nhu cầu trong lúc này thì có thể tạm dừng sản xuất.

Hỗ trợ doanh nghiệp “yết hầu”

“Lẽ đương nhiên, DN phải tiết kiệm những khoản chi phí gián tiếp là những khoản không liên quan trực tiếp đến sản phẩm trong quá trình sản xuất. DN nên giảm chi phí cả những sản phẩm trong quá trình sản xuất và giảm chi phí những sản phẩm đang có nhu cầu, như chi phí về bao bì, thương hiệu, về quản lý, tiền thưởng…”, ông Dũng phân tích.

Và không chỉ giải pháp của chính bản thân DN, những khó khăn khách quan mà họ đang gặp phải cũng rất cần được tháo gỡ cấp thiết hơn bao giờ hơn.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep, các DN than phiền tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đang đẩy họ vào tình trạng khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các DN đều đề xuất ngân hàng cần có gói tín dụng lãi suất ưu đãi (nhỏ hơn 5%/năm) cho các DN sản xuất vay và giảm thiểu phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ, đồng thời giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 1/2/2020.

Phía DN thủy sản đề xuất các ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay như: Chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, giảm quy trình thủ tục, điều kiện về thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp. Hoặc là dựa vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để cấp thêm hạn mức tín chấp để DN dễ tiếp cận nguồn vốn.

Ngoài ra, các DN mong muốn được cho vay dự trữ hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời. Hơn nữa, cần tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng, cũng như chấp nhận cho vay chiết khấu các bộ hồ sơ thanh toán quốc tế qua các điều kiện và hình thức thanh toán quốc tế.

Mặt khác, như thông tin từ Vasep, hiện nay, phí chuyển tiền ngoài hệ thống ngân hàng đang rất cao, chuyển tiền tiền trong nước cùng hệ thống thì phí giao dịch tại quầy là như nhau. Vì vậy, các DN đề xuất miễn phí chuyển khoản trong hệ thống, giảm phí chuyển khoản ngoài hệ thống (đề nghị giảm 50%).

Bên cạnh những vấn đề về vốn, từ những khó khăn chung của DN, theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, Nhà nước cần rà soát toàn bộ những thiệt hại, rào cản, vướng mắc mà các DN phải gánh chịu trong mùa dịch để có những động thái hỗ trợ ngay lập tức.

Đặc biệt là cần hỗ trợ những DN nằm trong các lĩnh vực mang tính “yết hầu” của nền kinh tế, vốn đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm, tạo ra nhiều nguồn thu và nhiều công ăn việc làm, như các ngành nông lâm thuỷ sản, may mặc, da giày, thực phẩm…

Thế Vinh