Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

22:10 13/06/2022

Tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động ôn lại lịch sử hào hùng và truyền thống tốt đẹp của Hà Tĩnh. “Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh - Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La”… những ca từ đó đã nói lên tình cảm của biết bao nhiêu người với quê hương Hà Tĩnh nhân Lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957 - 15/6/2022).

Thủ tướng chia sẻ, nhớ về Hà Tĩnh - nhớ về “tình sâu, nghĩa nặng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh. Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư, điện biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh. Đặc biệt, ngày 15 tháng 6 năm 1957 là mốc son trong trang sử vàng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, là động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn, vững bước trên con đường xây dựng quê hương, đất nước khi được đón Bác về thăm. Bác đã để lại những bài học sâu sắc với Hà Tĩnh về tinh thần đoàn kết, tự tu dưỡng, ý chí vươn lên, giữ gìn truyền thống văn hóa, cố gắng sản suất, làm tốt nhiệm vụ hậu phương với đồng bào miền Nam…

Đặc biệt, Bác căn dặn cặn kẽ, sâu sắc với Đảng bộ Hà Tĩnh “phải biết lắng nghe ý kiến quần chúng. Có việc mình không biết, nhưng quần chúng biết. Và biết tổ chức cho khéo thì nhất định việc gì cũng làm được, nhất định đưa phong trào nổi bật lên”. Bác rất vui mừng biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh là tỉnh “kiểu mẫu thi đua”, “thanh toán nạn mù chữ trước nhất cả nước”; có nhiều tiến bộ làm giao thông, thủy lợi..., biểu dương các tấm gương cán bộ, nhân dân tiêu biểu trong phong trào bình dân học vụ, gương mẫu trong tuyên truyền, vận động, tích cực xây dựng tổ đổi công v.v.

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh
Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

Đồng thời, Bác nhắc nhở ân cần, phê bình có nơi chưa đoàn kết; có cán bộ giữ gìn kỷ luật chưa nghiêm, trách nhiệm với nhân dân chưa cao, thiếu khiêm tốn, quan cách mạng… Hôm nay những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị và lan tỏa sâu rộng.

65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh luôn khắc sâu và cố gắng làm tốt những lời căn dặn của Bác, đoàn kết, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những thành tựu đó góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

"Từ một tỉnh thuần nông, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và hơn 30 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh đã chuyển mình mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; kết cấu hạ tầng KTXH ngày càng hoàn thiện, đô thị hiện đại, văn minh, nông thôn đổi mới, tươi đẹp; sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ nét, quy mô kinh tế vươn lên mức khá, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, các giá trị văn hóa đặc trưng được bảo tồn và phát huy.

Là vùng đất hiếu học, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Hà Tĩnh luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố, tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chăm lo và đạt nhiều kết quả", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, quy hoạch, liên kết vùng và quốc tế, phát triển kinh tế số; khai thác các nguồn lực như nguồn nhân lực, đất đai, du dịch gắn với văn hóa còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng…

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Tĩnh cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững. Với tinh thần dựa vào nội lực như con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài như nguồn vốn, công nghệ, quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên; Hà Tĩnh cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, biến truyền thống đoàn kết, văn hóa thành nguồn lực, biến di sản thành nguồn tài nguyên để thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng đề nghị cán bộ, Đảng viên và nhân dân tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

PV