Ký kết hợp tác đầu tư trồng nấm thảo dược dưới tán rừng

10:55 10/02/2022

Ngày 9/2, Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã tổ chức ký kết hợp tác trồng nấm thảo dược dưới tán rừng với Công ty TNHH hệ sinh thái THE VOS (Đồng Tháp).

Theo Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc, đơn vị được giao quản lý hơn 10 ngàn ha đất rừng và đất lâm nghiệp, chủ yếu là diện tích rừng trồng; trong đó có hơn 4.700 ha rừng keo lai giao khoán cho hơn 2.200 hộ gia đình trên địa bàn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Tuy nhiên, giá trị kinh tế thu trên một đơn vị diện tích đất rừng hiện rất thấp, bình quân chỉ thu được khoảng 20-25 triệu đồng/ha/năm. 

Lễ ký kết hợp tác trồng nấm thảo dược dưới tán rừng giữa BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc với Công ty TNHH hệ sinh thái THE VOS (Đồng Tháp). Ảnh: Minh Sáng.

Lễ ký kết hợp tác trồng nấm thảo dược dưới tán rừng giữa BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc với Công ty TNHH hệ sinh thái THE VOS (Đồng Tháp). Ảnh: Minh Sáng. 

Trong nhiều năm qua, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đã tích cực tìm kiếm, áp dụng nhiều mô hình nhằm vừa đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất vừa tăng nguồn thu, ổn định cuộc sống cho người trồng rừng, nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Mô hình trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng keo lai bước đầu cho thấy đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương, tận dụng nguồn đất rừng trồng vốn có cung cấp sản phẩm có giá trị cao cho thị trường; tăng thêm nguồn thu cho người trồng rừng, giảm chi phí chăm sóc rừng, tạo việc làm cho lao động tại chỗ… 

Khảo nghiệm mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng kết quả bước đầu cho kết quả thành công. Ảnh: Minh Sáng.

Khảo nghiệm mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng kết quả bước đầu cho kết quả thành công. Ảnh: Minh Sáng. 

Theo nội dung ký kết hợp tác, Công ty TNHH hệ sinh thái THE VOS sẽ đầu tư với quy mô ban đầu khoảng 230 ha trên diện tích đất rừng trồng keo lai do BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc trực tiếp sản xuất, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng quy mô ra các hộ dân nhận khoán trồng rừng trên địa bàn huyện, với thời hạn hợp đồng 20 năm.

Các hộ dân tham gia chương trình sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ về giống nấm linh chi, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm… Trong 8 tháng, dự kiến doanh thu từ nấm linh chi trồng dưới tán rừng đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 triệu đồng/ha, giải quyết bài toán sinh kế cho người trồng rừng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn. 

Lãnh đạo hai đơn vị tặng hoa cho nhau chúc mừng việc ký kết hợp tác thành công. Ảnh: Minh Sáng. 
Lãnh đạo hai đơn vị tặng hoa cho nhau chúc mừng việc ký kết hợp tác thành công. Ảnh: Minh Sáng. 

Lãnh đạo hai đơn vị tặng hoa cho nhau chúc mừng việc ký kết hợp tác thành công. Ảnh: Minh Sáng.  

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Lê Văn Gọi, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, đến nay tỉnh vẫn duy trì được độ che phủ được khoảng 29,3%, nhưng muốn bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn thì cần phải phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tuy nhiên, có khoảng 100 ha rừng phòng hộ đặc dụng hiện vẫn còn bỏ ngỏ tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng. Do đó, dùng cây gỗ keo lai sạch để trồng nấm linh chi là một giải pháp đa dạng hoá sản phẩm về rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển rừng bền vững.

Lễ ký kết như một “chìa khoá” mở toang cánh cửa cho ngành lâm nghiệp Đồng Nai, đây là bước đầu kỳ vọng trong năm mới và tương lai phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; đồng thời mở ra sinh kế cho người dân vùng nông thôn có cơ hội nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống…   

Theo Báo Nông nghiệp