Krông Pắc – Tiềm năng và cơ hội đầu tư

16:42 31/12/2021

Là một trong những huyện có nhiều tiềm năng thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây, huyện Krông Pắk còn được biết đến là địa phương có môi trường đầu tư khá hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, tạo động lực đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Nằm ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30 km dọc theo Quốc lộ 26 nối liền với Khánh Hòa và các tỉnh Duyên hải miền Trung, huyện Krông Pắc có diện tích tự nhiên 62.581 ha, gồm 16 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 15 xã), dân số khoảng 196.000 người, với 23 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện Krông Pắc vẫn có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,78%. Thu nhập bình quân tính theo đầu người ngày càng được nâng lên. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện rõ nét.

“Nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, huyện Krông Pắc cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa phương trên các lĩnh vực, như: năng lượng, phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi... Cụ thể nhất là huyện đã có những trang trại cam, chuối xuất khẩu trực tiếp đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; có những sản phẩm, như: trà mãng cầu, cà phê, hồ tiêu, mắc ca… được công nhận OCOP, xuất khẩu trực tiếp sang Hàn Quốc và một số nước. Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, chúng tôi đã xác định là để tiếp tục phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển thì phải có các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào địa bàn…” - ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc nhấn mạnh.  

Dự án trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu của Công ty cổ phần KD Green Farm đầu tư vào xã Vụ Bổn đã tạo việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương.
Dự án trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu của Công ty Cổ phần KD Green Farm đầu tư vào xã Vụ Bổn đã tạo việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương. 

Krông Pắc là huyện có tài nguyên đất, khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Vì vậy những năm qua, huyện đã đề ra nhiều giải pháp đầu tư cho nông nghiệp phát triển. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từng bước được thực hiện. Nhờ đó, năng suất và chất lượng một số cây trồng, vật nuôi đã tăng lên. Nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao bước đầu đã được ứng dụng rộng rãi tại địa phương. Hiện nay, Krông Pắc là một trong những huyện có diện tích và sản lượng lúa đứng đầu tỉnh Đắk Lắk. Vụ Đông xuân 2020 - 2021, huyện đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Ea Uy trên diện tích 50 ha tại thôn 11. Theo đó, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống lúa ST24, được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa theo mô hình canh tác thân thiện với môi trường. Mô hình đã đem lại nhiều kỳ vọng cho nông dân địa phương, với năng suất đạt bình quân 10 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng lúa đã thu về được lợi nhuận bằng 50% tổng doanh thu. 

Huyện Krông Pắc có hơn 3.300 ha sầu riêng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 40.000 tấn quả
Huyện Krông Pắc có hơn 3.300 ha sầu riêng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 40.000 tấn quả. 

Theo ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pắc thì mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Ea Uy đã mang lại hiệu quả rất khả quan. Giống lúa ST24 trồng trên cánh đồng thôn 11 khá phù hợp với đất đai, khí hậu ở đây. Lúa vừa cho năng suất cao, vừa bán được giá cao. Giá bán lúa thương phẩm tại ruộng cũng đạt 7,5 triệu đồng/tấn. Một vụ lúa mà người nông dân thu về được 75 triệu đồng/ha là điều rất phấn khởi.

Trao đổi với phóng viên, một người dân xã Ea Uy, huyện Krông Pắc cho biết: “Người nông dân chúng tôi trông nhờ vào 2 vụ lúa/năm. Vì thế, chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm hơn, giúp cho sản phẩm lúa, gạo của chúng tôi có đầu ra ổn định và ngày càng đạt được giá trị cao để chúng tôi có thể nâng cao đời sống”.   

. Người lao động dân tộc thiểu số làm việc tại Nhà máy SX giày da của Tập đoàn SUNGHYUN (Hàn Quốc) tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc.
Người lao động dân tộc thiểu số làm việc tại Nhà máy SX giày da của Tập đoàn SUNGHYUN (Hàn Quốc) tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc. 

Như Ea Uy, Vụ Bổn cũng là xã còn nhiều khó khăn. Song, những năm gần đây, sản suất nông nghiệp ở xã cũng đã có những chuyển biến tích cực. Tháng 8 năm 2018, xã đã được Công ty cổ phần KD Green Farm chọn làm điểm đầu tư triển khai dự án trồng 100 ha chuối Nam Mỹ xuất khẩu. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, dự án đã nhanh chóng đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động với thu nhập 5,5 – 6 triệu đồng/tháng. Những lao động làm việc dự án phần lớn là người trong xã Vụ Bổn, kinh tế từng gặp khó khăn. Từ khi có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống gia đình của họ đã được nâng lên rõ rệt.

Ông Lê Minh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KD Green Farm chia sẻ: “Về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thì huyện Krông Pắc nói chung và xã Vụ bổn nói riêng cũng đã tạo điều kiện rất thuận lợi, trong đó có vấn về nguồn nhân lực, về hạ tầng điện, nước… Và vùng đất mà chúng tôi đã lựa chọn rất phù hợp với cây chuối. Qua hơn 2 năm sản xuất, kinh doanh, sản phẩm chuối của chúng tôi đã được đánh giá về mặt chất lượng đứng đầu ở Việt Nam. Sản lượng thì mỗi năm đạt khoảng 5.000 tấn quả, doanh thu chúng tôi đạt được từ xuất khẩu chuối đạt khoảng 2,5 đến 3 triệu USD”. 

Trường mầm non Đức Tài xây dựng năm 2020 tại thị trấn Phước An đáp ứng nhu cầu nuôi dạy 500 học sinh.
Trường Mầm non Đức Tài xây dựng năm 2020 tại thị trấn Phước An đáp ứng nhu cầu nuôi dạy 500 học sinh. 

Theo Lê Viết Nhượng, Bí thư Đảng ủy xã Vụ Bổn, hiện nay Vụ Bổn vẫn là xã đặc biệt khó khăn nhưng tiềm năng để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn rất lớn. Xã đang được tỉnh, huyện chọn là địa phương nằm trong chương trình kêu gọi thu hút đầu tư và ban đầu đã có 2.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao vào địa bàn. Về mặt con người thì xã đang có trên 18.000 dân, trong đó có khoảng 4.000 lao động đang đi làm ăn ở các tỉnh ngoài. Thế nên khi đã có các dự án đầu tư ở xã thì đương nhiên số con em đi làm ăn xa có sẽ cơ hội trở về để được làm công nhân tại chỗ. Đây cũng là điểm rất thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Những năm vừa qua, Krông Pắc đã thu hút được 7 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến, với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng; 11 trang trại chăn nuôi lợn và 12 trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao, tổng đầu tư trên 60 tỷ đồng. Các dự án đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến như một luồng gió mới thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, các dự án còn tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn. Chỉ tỉnh đến cuối năm 2020, dù còn nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng các dự án đầu tư đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất của huyện Krông Pắc đạt 13.335 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra 1,4%; thu nhập bình quân đạt 45,4 triệu đồng/người/năm, tăng 17,4% so với năm 2015.

Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc cho biết thêm: “Kế thừa những kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng và đề ra Nghị quyết Chuyên đề về thu hút đầu tư tại địa bàn. Và trong thời gian qua đã có rất nhiều các nhà đầu tư đến huyện khảo sát, tìm hiểu và huyện cũng đã có thống nhất chấp nhận để cho các nhà đầu tư đề xuất với tỉnh cho phép nghiên cứu đầu tư, như: Tập đoàn FLC đề xuất đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng và sân Gold tại xã Krông Búk; hay Tập đoàn TNT đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại phức hợp tại Trung tâm thị trấn Phước An; Công TNHH 2 thành viên Phước An đang nghiên cứu và đề xuất với tỉnh cho phép đầu tư các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Vụ Bổn… Hiện nay, huyện cũng đang quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đầu tư các nhà máy chế biến sâu liên quan đến các loại nông sản trên địa bàn, như: sầu riêng, cà phê và một số loại trái cây khác”.

Hiện nay, trong những tiềm năng về phát triển nông nghiệp ở Krông Pắc thì sản lượng lúa, gạo mỗi năm có khoảng trên 100.000 tấn, trong đó có những sản phẩm gạo có thể xuất khẩu sang châu Âu cũng như nhiều nước trên thế giới như ST24, ST25 đang được sản xuất tại địa bàn. Bên cạnh đó, huyện còn có một số sản phẩm cây ăn trái nổi trội, như: sầu riêng, bơ và một số loại sản phẩm nông nghiệp khác. Riêng sản lượng sầu riêng niên vụ 2020 - 2021 của huyện đã chiếm khoảng 50% tổng sản lượng sầu riêng trong tỉnh. Sầu riêng đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện với giá trị đạt được từ 1.500 đến 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Những sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc đang rất cần có sự đầu tư chế biến, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa… để nâng cao hơn nữa về mặt giá trị.

“Qua vụ mùa 2020 - 2021 thì có thể nói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng nhưng người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, huyện đã tập trung vận động các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy đông lạnh để bảo quản sầu riêng sau thu hoạch. Sản phẩm sầu riêng chín thu về đã được bóc lấy múi và cấp đông nên vẫn giữ được chất lượng tốt. Nhờ đó, huyện đã giải quyết được đầu ra cho gần 5.000 tấn sản phẩm sầu riêng cho người dân, giúp cho doanh nghiệp cũng như các cơ sở thu mua sầu riêng và người dân trên địa bàn huyện thu được hiệu quả kinh tế cao” - ông Trần Quốc Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc cho biết.

Với những cơ chế, chính sách thông thoáng, có sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt của Đảng và Nhà nước cũng như của cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan, thời gian qua, đầu tư vào địa bàn huyện Krông Pắc còn có nhiều dự án lớn, công nghệ hiện đại, trong đó có Dự án nhà máy giày da của Tập đoàn SUNGHYUN (Hàn Quốc) tại xã Ea Yông đã đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2020, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 45 tỷ đồng, thu hút hơn 200 lao động tại địa phương, trong đó có nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn và nhiều lao động là người dân tộc thiểu số.

Cũng trong năm 2020, Dự án trường Mầm non Đức Tài tại Khu đô thị Đông Bắc, thị trấn Phước An cũng đã đi vào hoạt động. Trường được xây dựng trên khuôn viên khép kín với tổng diện tích 5.000 m2, gồm 20 phòng học, phòng chức năng, như phòng tiếng Anh, học đàn, múa, vận động thể chất; hai hồ bơi, khu vui chơi… đáp ứng nhu cầu cho 500 học sinh, tổng vốn đầu tư 28 tỷ đồng.

Nói về sự đóng góp vào sự phát triển chung của huyện Krông Pắc trong những năm qua, một trong số những doanh nghiệp phải kể đến là Công ty TNHH Thuận Hiếu, đơn vị đang tham gia xây dựng tuyến đường từ xã Ea Kuăng đến xã Vụ Bổn theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng. Tuyến đường được xây dựng theo quy chuẩn cấp V miền núi, mặt đường bê tông xi măng, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2022, mở ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương còn khó khăn.

Ngoài ra, tham gia phát triển kinh tế tại địa phương còn có nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở ra những ngành nghề, những hướng đi mới từ nội lực, tạo được những sản phẩm chất lượng, giá trị đạt tiêu chuẩn sao cấp tỉnh của chương trình OCOP, như sản phẩm Đông Trùng hạ Thảo của gia đình ông Trần Đức Quý ở khối 11, thị trấn Phước An. Theo ông Quý, quá trình sản xuất của cơ sở đến nay là hơn 2 năm, cơ sở đã nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt của chính quyền cũng như phòng Nông nghiệp huyện. Cơ sở cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tạo ra những sản phẩm tốt và đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Có thể khẳng định rằng, để đạt được những kết quả trong thu hút đầu tư vào địa bàn, thời gian qua, huyện Krông Pắc đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế cũng như định hướng phát triển của địa phương; đồng hành với nhà đầu tư tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời làm tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận cao của người dân đối với chủ trương, chính sách của huyện cũng như quá trình triển khai thực hiện các dự án. Huyện cũng đã nỗ lực cải cách hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp, coi đây là một trong những đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc:“Thời gian gần đây, huyện đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư. Bởi vì để thu hút được đầu tư vào địa bàn thì khâu đầu tiên vẫn là cải cách các thủ tục hành chính. Phải linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư mà các thủ tục hành chính không được hỗ trợ, xử lý kịp thời, chúng ta không tạo điều kiện thuận lợi cho họ thì họ sẽ đi nơi khác…”

Thời gian qua, dựa trên những tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Krông Pắc đã và đang tập trung nhiều giải pháp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiện nay, công tác phát triển và mở rộng các khu đô thị đạt khoảng 60% so với trước đây. Trong đó, khu đô thị Đông Bắc đã được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, ước đạt 70% quy hoạch. Công viên hồ Tân An đã được đầu tư cơ sở hạ tầng đạt 60% quy hoạch. Các dự án còn lại đang tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch nâng cấp đô thị. Ngoài đầu tư hạ tầng theo dự án, huyện cũng tập trung ưu tiên các nguồn vốn lồng ghép phát triển cơ sở hạ tầng đô thị như nâng cấp đường giao thông, phát triển hệ thống chiếu sáng, cải tạo các công trình công cộng phục vụ cộng đồng…

Trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt, huyện Krông Pắc sẽ tiếp tục rà soát các dự án hạ tầng đô thị để đề xuất danh mục đầu tư. Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng nhằm nâng cao mọi mặt đời sống cho người dân, tạo động lực cho quá trình đô thị hóa theo hướng hiện đại, bền vững./.

Nguyễn Hiếu