Kinh tế Việt Nam trước bước ngoặt 'hóa rồng'

00:00 12/10/2020

Sau đại dịch COVID-19, con đường phát triển kinh tế Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử để vượt lên trở thành quốc gia phát triển. Việt Nam có tận dụng được thời cơ để vươn lên như cách mà những quốc gia trong khu vực đã làm được hay không?

Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dự kiến, Chiến lược sẽ được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Chờ bứt phá trong năm 2021

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức lớn nhưng đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển. Đây là sẽ là thời kỳ quan trọng để đưa Việt Nam từ nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp hiện nay lên địa vị nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tiếp đó trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. 

Viet-Nam-tro-thanh-quoc-gia-hu-4634-3571

 Việt Nam hướng tới hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển vào 2045. 

Kỳ vọng này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, cụm từ "cơ hội" cũng đã được nhắc đến với Việt Nam, nhưng chưa ai dám khẳng định kinh tế sẽ phục hồi theo mô hình nào. Song, đến thời điểm hiện tại, trải qua 2 làn sóng COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy trong quý II/2020 và đang phục hồi theo hình chữ V - kịch bản phục hồi lạc quan nhất.

Đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo khả quan cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Điển hình như, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,1%, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings (S&P) cũng dự báo Việt Nam tăng trưởng 11,2% trong năm 2021... Việt Nam có khả năng sẽ là quốc gia phục hồi kinh tế tốt thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, báo cáo vừa được Ngân hàng HSBC công bố cho thấy, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong khu vực ASEAN mà HSBC tiếp tục dự báo có tăng trưởng khả quan trong năm nay. Đối với năm 2021, HSBC tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức 8,1%.

Còn theo nghiên cứu của Ban Dự báo Kinh tế vĩ mô - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT), còn nhiều khó khăn và yếu tố bất định, nhưng đánh giá chung 2021 sẽ là năm kinh tế thế giới bước vào thời kỳ phục hồi sau đại dịch. Bộ KH&ĐT đưa ra kịch bản cao là tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 7,14% trong năm 2021.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, cụm từ "cơ hội" cũng đã được nhắc đến với Việt Nam, nhưng chưa ai dám khẳng định kinh tế sẽ phục hồi theo mô hình nào. Song, đến thời điểm hiện tại, trải qua 2 làn sóng COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy trong quý II/2020 và đang phục hồi theo hình chữ V - kịch bản phục hồi lạc quan nhất.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận những cơ hội đang ngày càng rõ nét đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

"Việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, ký kết FTA với các nền kinh tế hàng đầu thế giới... sẽ là cơ hội để Việt Nam có được bước phát triển mới", nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá.

Tuy nhiên, ông Doanh cũng bày tỏ quan ngại để trở thành quốc gia phát triển chắc chắn là nhiệm vụ không hề dễ dàng với Việt Nam. Hiện tại, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt gần 2.800 USD/năm, trong khi muốn trở thành quốc gia phát triển thì con số này phải đạt từ 10.000 - 12.000 USD. Điều đó có nghĩa, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt từ 7 - 8%/năm trong 20 năm tới.

TS. Lê Đăng Doanh băn khoăn việc đạt tăng trưởng GDP cao như vậy là điều mà Việt Nam chưa làm được trong quá khứ: "Chúng ta chỉ đạt tăng trưởng GDP khoảng 7% là cao và chỉ kéo dài một thời gian ngắn".

Còn nhiều việc phải làm

Trước thời cơ mới, nguyên Viện trưởng CIEM khuyến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế, áp dụng Chính phủ điện tử, giảm chi phí "bôi trơn", không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành quốc gia phát triển như mong muốn, vấn đề là phải có hành động quyết liệt.

Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc chuẩn bị tốt cho "tình trạng bình thường mới" của các chuỗi giá trị toàn cầu là điều quan trọng. Không thể thiết lập chuỗi cung ứng trong một sớm một chiều và các công ty vẫn phải vượt qua quá trình di dời tốn kém và cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, Việt Nam có thể cân nhắc xây dựng các chiến lược để chủ động hướng vào và thu hút các nhà đầu tư từ Trung Quốc bằng việc sử dụng các hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư và các biện pháp khuyến khích đặc biệt.

Bà Victoria Kwakwa cũng khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét lại chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc hỗ trợ đang diễn ra thiên về đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu và phát triển ứng dụng do các tổ chức của trường đại học, các tổ chức nghiên cứu và các công ty FDI thực hiện. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc tái cân bằng các nguồn lực và công cụ chính sách để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam nên là một trụ cột ưu tiên chính trong Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Trong tầm nhìn dài hạn, đại diện WB cho rằng, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về năng suất và tiến tới giới hạn về năng suất. Tính trung bình, năng suất lao động trong các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển chưa bằng 1/5 mức ở các nền kinh tế tiên kiến và kinh nghiệm quốc tế. Điều đó chỉ ra rằng, chỉ những nền kinh tế với những đặc điểm như chất lượng thể chế hoặc trình độ học vấn cao mới có thể tiếp cận được giới hạn này.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhìn nhận, các cơ hội đang dần xuất hiện, nhưng vấn đề của Việt Nam là phải tận dụng tốt. Nếu không có đại dịch COVID-19 sẽ không có sự chuyển dịch nhanh. "Tôi lạc quan vì nhìn vào lịch sử của Việt Nam, các bạn đã làm được nhiều việc tuyệt vời", ông nói.

Chuyên gia kinh tế trưởng WB cho rằng, doanh nghiệp FDI sẽ là chất xúc tác để Việt Nam thực hiện mong muốn của mình. Tuy vậy, Chính phủ phải thể hiện vai trò để kích hoạt chất xúc tác này. Nếu muốn các công ty đa quốc gia mang lại lợi ích thì Việt Nam phải có cơ chế để họ phát triển. Việt Nam hoàn toàn có thể đối thoại để hai bên "cùng thắng".

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Việt Nam đã đạt thành tựu đáng ghi nhận trong kiểm soát dịch COVID-19, vì vậy chúng ta đang đứng trước cơ hội mới về thương mại, đầu tư, chuyển đổi số... nhằm nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội thúc ép để Việt Nam cải cách nhanh, thiết thực và hiệu quả hơn. Bên cạnh cải cách, Việt Nam cũng phải cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế, thực hiện trên từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

TS. Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Chính sách định hướng phát triển để phục hồi nền kinh tế cho những năm sau phải đồng bộ, bài bản, dài hạn, với 2 nhiệm vụ. Nhiệm vụ đầu tiên là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ tốc độ tăng trưởng GDP tối đa có thể. Đồng thời, chính sách còn phải tính đến việc thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Chỉ khi Việt Nam tận dụng được cơ hội mới thì nền kinh tế mới phục hồi và tăng trưởng nhanh được. 

TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Tăng trưởng dương năm 2020 sẽ là thành công đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề ngắn hạn và không nên được xem là mục tiêu chính. Việc phục hồi, phát triển dài hạn sau hậu dịch COVID-19 mới là quan trọng. Muốn làm tốt, chúng ta cần nhìn nhận đúng các xu thế trong tương lai cho giai đoạn 5-10-20 năm tới.

Lê Thúy