Kinh tế TP HCM: Cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

12:36 09/12/2021

Theo số liệu thống kê đến tháng 10-2021, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh SHPT đã có 165 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 24.000 tỉ đồng. Số Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 10% tổng số dự án tại SHPT và phát triển rất tốt qua mối liên kết sản xuất với các tập đoàn lớn trong khu như Samsung, Nidec, Jabil...

Sự cần thiết phát triển công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.

Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cơ khí TP HCM (HAME), nguyên Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHPT) cho hay, nhiều năm nay TP HCM theo chiến lược phát triển công nghiệp và hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào 4 lĩnh vực công nghiệp mà thành phố có thế mạnh phát triển. Vì vậy, sự hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là cần thiết. Khu này sẽ giữ vai trò trọng yếu trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi kinh tế thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu, hỗ trợ thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp hướng đến ứng dụng công nghệ cao và sáng tạo công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao "made by Vietnam". Đây không chỉ là khu phục vụ cho DN công nghệ cao, FDI hay tiếp sức cho các khu công nghệ cao mà còn là xương sống cho nền sản xuất hiện đại của thành phố.

Ông Tâm cũng chỉ ra rằng, giá trị gia tăng nội địa trong cơ cấu giá trị sản phẩm chế tạo tại SHTP trong 5 năm gần đây đạt trung bình 20%, dự báo chỉ số này sẽ tăng gấp đôi, gấp ba khi công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh (HCM) và các tỉnh phụ cận vươn tầm lên công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao". Trong khi đó, sau hơn 2 thập kỷ Chính phủ có những chương trình, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, TP HCM tập trung thúc đẩy lĩnh vực này nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng, công nghiệp hỗ trợ vẫn không có đột phá lớn. Vì vậy, TP cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để phát huy lợi thế so sánh nhiều mặt và phù hợp với xu thế. 

Trong 5 năm gần đây, SHPT  đạt  tăng trưởng  20%. Dự báo chỉ số này sẽ tăng gấp đôi, gấp ba khi công nghiệp hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phụ cận vươn tầm lên công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao
Trong 5 năm gần đây, SHPT đạt tăng trưởng 20%. Dự báo chỉ số này sẽ tăng gấp đôi, gấp ba khi công nghiệp hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phụ cận vươn tầm lên công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.. (Ảnh: PV)

Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kizuna JV (một trong những chủ đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư hiệu quả vào khu công nghiệp công nghệ cao), cho rằng nếu đầu tư hiệu quả, phát triển thành công khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần phát triển kinh tế TP HCM bền vững. Để đầu tư hiệu quả và phát triển thành công khu công nghiệp này, thành phố cần xác định các nhóm DN mục tiêu cần thu hút để có kế hoạch đầu tư, chương trình hoạt động phù hợp. Cùng với đó, xác định các ngành sản xuất ưu tiên thu hút đầu tư để từ đó xác định các giá trị, lợi ích vượt trội của mô hình khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao đem lại cho nhóm DN này.

Số liệu của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hiện cả nước chỉ có gần 400 DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đủ chất lượng, đã tham gia chuỗi cung ứng của các công ty FDI và xuất khẩu, trong đó 2/3 tập trung tại TP HCM và Hà Nội. Đa số DN này sản xuất trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, khoảng 1/3 thuộc lĩnh vực nhựa, cao su, hóa chất, chỉ có dưới 10 DN sản xuất linh kiện và sản phẩm công nghệ liên quan đến điện và điện tử. Tuy nhiên, quá trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa tương xứng nên hạn chế sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, dẫn đến các ngành công nghiệp hỗ trợ không có đột phá lớn… 

400 DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đủ chất lượng, đã tham gia chuỗi cung ứng của các công ty FDI và xuất khẩu, trong đó 2/3 tập trung tại TP HCM và Hà Nội.
400 DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đủ chất lượng, đã tham gia chuỗi cung ứng của các công ty FDI và xuất khẩu, trong đó 2/3 tập trung tại TP HCM và Hà Nội.. (Ảnh: PV)

Duy trì chất lượng, tối ưu hóa sản xuất.

Tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021 do Sở Công Thương TP HCM tổ chức trong 2 ngày 24 và 25-11/2021 đã thu hút 22 nhà mua hàng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến sự kiện với mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp trong nước cho hơn 400 chi tiết sản phẩm thuộc các ngành nghề như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp...

Có đến 80% trong số 22 nhà mua hàng đã tìm được nhà cung cấp tiềm năng trong khuôn khổ sự kiện; 82% muốn tiếp tục trao đổi với nhà cung cấp sau sự kiện; 88% mong muốn được tham gia sự kiện kết nối theo chuyên ngành cơ khí, điện tử...; 91% mong muốn được giới thiệu nhà cung ứng mới trong sự kiện tiếp theo. Khách hàng khẳng định, nhu cầu hợp tác với các nhà cung cấp nội địa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với quy mô nhỏ, cung ứng đơn hàng lẻ, trong khi nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia là những đơn hàng sản xuất hàng loạt, yêu cầu về cung ứng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên mua hàng tiếp tục khuyến nghị nhà cung ứng Việt Nam đầu tư nguồn nhân lực tại DN bảo đảm các yêu cầu của sản xuất: duy trì chất lượng ổn định, quản trị tốt chuỗi cung ứng và hướng đến tối ưu hóa trong sản xuất.

TS Trương Thị Chí Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhìn nhận, chủ trương phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại TP HCM mang tính cấp thiết và khả thi cao, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững cho TP HCM trong tương lai.

Theo kế hoạch, giữa tháng 12-2021, UBND TP HCM sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao nhằm khai thác kinh nghiệm thành công của các quốc gia về hình thành mô hình khu công nghiệp này. Qua đó thu thập ý kiến phân tích, đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà đầu tư, DN về hiệu quả thu hút đầu tư, những đề xuất chủ trương, chính sách, định hướng thu hút đầu tư để thành lập đề án phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Quang Đạo