Kinh tế số là động lực mới phát triển nhanh, bền vững

09:55 15/11/2020

Kinh tế số được xem là động lực, là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đến năm 2025, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP. Doanh nghiệp là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn...

Tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển kinh tế số là hướng đi mà Việt Nam có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế số hóa mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển đổi mang tính chiến lược sau COVID-19

Ảnh hưởng của COVID-19 đã dẫn đến những thay đổi lớn trong toàn khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội lớn dành cho sự phát triển kinh tế số tại các quốc gia Đông Nam Á.

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỉ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Hà Nội và TPHCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Tổng giá trị giao dịch trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 5 tỉ USD trong năm 2019, cao gấp 12,5 lần mức 0,4 tỉ USD của năm 2015 và sẽ tăng tới 23 tỉ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 49%. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến cũng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nề kinh tế số Việt Nam.

Theo Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), kinh tế số dựa trên công nghệ thông tin kết nối, công nghệ thông minh cho phép các hoạt động kinh tế hiện đại trở nên linh hoạt, năng động, sáng tạo hơn trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng năng suất, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế. Vì vậy, kinh tế số đang mang lại cả cơ hội và thách thức cho tăng trưởng toàn cầu. Giai đoạn 2020-2025, có 6 nền kinh tế số lớn trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục phát triển mạnh, trong đó Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực. Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu, kinh tế số của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới.

Thực tế, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế số. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, kinh tế số của Việt Nam đang có những rào cản lớn, như hạ tầng cho kinh tế số phát triển chưa đồng bộ, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp, hạ tầng kết nối số và năng lực kết nối vẫn còn hạn chế. Hệ thống thể chế chưa tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế số. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số. Năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp số còn yếu, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chưa đồng bộ, hoạt động kém hiệu quả.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52 ban hành ngày 29/7/2019 về một số chủ trương chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà phát triển kinh tế số là một vấn đề cốt lõi. Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào nền kinh tế số, để phát triển chính doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển chung.

“Hiện nay chúng ta còn thói quen sử dụng phương thức kinh tế cũ, phương thức trao đổi cũ, phương thức quản lý cũ, đòi hỏi phải chuyển đổi quản lý theo số. Chúng ta có đầy đủ cơ chế rồi, vấn đề là làm đi và khi làm vướng cái gì thì nói rõ” – TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

Thực tế, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế số. Việt Nam vừa khống chế được đại dịch vừa ứng dụng, phát triển phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường học. Hiện nay, phổ biến nhất trong các doanh nghiệp là số hoá trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường; theo dõi phản hồi và quay trở lại điều chỉnh sản xuất khi cần thiết.

Cùng với đó, thương mại điện tử, giao dịch kinh tế không tiền mặt ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Còn theo TS. Trần Đình Thiên nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng: “Kinh tế số phát triển dẫn đến con người thất nghiệp, theo thống kê có tới 35% người thất nghiệp do quá trình phát triển kinh tế số. Trong quá trình phát triển kinh tế số luôn lấy con người là trung tâm và không để ai tụt lại phía sau”.

Theo TS Thiên phát triển kinh tế số tại Việt Nam cũng sẽ tạo nên những việc làm mới. Do vậy, cần chuẩn bị năng lực cho con người với các việc làm tương lai. Ông cho rằng việc chuyển từ kinh tế này qua nền kinh tế khác không thể tránh khỏi đau đớn. Điều quan trọng là phải cố gắng bảo đảm không ai bị thiệt thòi, không ai tụt lại phía sau, mọi người đều có cơ hội đi trước.

Cần phải có chính sách để phát triển kinh tế số

Nền kinh tế số hiện có trị giá hơn 3.000 tỷ USD và sử dụng xấp xỉ 10% năng lượng điện của toàn thế giới. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần và mọi quy mô đang gia tăng sự phụ thuộc vào nền tảng internet an toàn, ổn định và đáng tin cậy, giúp họ thực hiện những hoạt động vận hành hàng ngày.

Nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), đến giao thông vận tải (Uber, Grab, goViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppe)... Đã xuất hiện những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào, hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu chiếc xe nào, hãng khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu phòng khách sạn nào... đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới, thời đại của kinh tế số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia thì Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ. Bởi vậy tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển kinh tế số là hướng đi mà Việt Nam có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế số hóa mạnh mẽ hơn nữa.

TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ. để tận dụng tốt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế số đang tiếp tục được hoàn thiện. Theo bà Minh, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Đến thời điểm này, Dự thảo Chiến lược CMCN 4.0 đã được Bộ KH&ĐT hoàn thiện trình Chính phủ. Bà Minh kỳ vọng Chiến lược sẽ được ban hành sớm nhằm tạo nền tảng thể chế thúc đẩy phát triển KTS trong tương lai. Dự thảo Đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2015, định hướng đến năm 2030 đang được xây dựng xác định kinh tế số là động lực, là nền tảng tạo bước đột phá phát triển kinh tế giai đoạn sắp tới.

 “Cơ sở pháp lý về kinh tế số ngày càng hoàn thiện sẽ là nền tảng vững chắc để DN Việt Nam tăng sức chống chịu trước các rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Minh nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, có hay không có chính sách nhà nước thì kinh tế số vẫn phát triển. Phát triển kinh tế số phải đi từ hạ tầng số, việc đầu tiên phải thu thập lưu trữ thông tin số và sau cùng là khai thác. Ông nhận định việc tổ chức thu thập và lưu trữ dữ liệu là vai trò của nhà nước. Vấn đề của kinh tế số ở Việt Nam là dữ liệu bị phân tán và không có sự kết nối.

Để phát triển kinh tế số được chắc chắn, hành lang pháp lý của các cơ quan phải song hàng cùng quá trình chuyển đổi số. Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết Bộ TT&TT đã xác định 3 trụ cột chính chuyển đổi số là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ông cũng cho biết Chính phủ dành 1% chi ngân sách địa phương cho phát triển Chính phủ số. Chính phủ số sẽ là cú hích và nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex, chia sẻđối với doanh nghiệp kinh tế số cực kỳ quan trọng và có tác động rõ ràng. Ông chia sẻ Becamex chuyển đổi số từ 2016, thời gian xử lý công việc số hóa giúp năng suất tăng 600-700%, chi phí giảm 50-60%. Chuyển đổi số mang lại hiệu quả rất nhanh cho doanh nghiệp. “Tuy nhiên doanh nghiệp không thể làm một mình được mà cần có sự hỗ trợ của địa phương như phát triển thành phố thông minh, từ đó doanh nghiệp cũng được hấp thụ sự phát triển chung” - ông Long cho biết.

Thu Giang