Kinh tế Mỹ: Chưa thoát suy thoái, nhưng đang khởi sắc

00:00 12/10/2020

Bình luận về triển vọng kinh tế Mỹ năm 2020, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, tuy nhiên có thể mất một khoảng thời gian mà có thể kéo dài đến năm 2021.

Ảnh minh họa

Những số liệu thống kê gần đây cho thấy nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng đã kéo dài 2 tháng nay, với tình hình sản xuất đình trệ, tiêu dùng giảm sút và thất nghiệp gia tăng. Cụ thể, số liệu về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Nikkei Markit thống kê cho thấy hoạt động sản xuất đã có tháng thứ 3 liên tiếp rơi vào tình trạng thu hẹp (dưới 50 điểm). Trong khi đó, khu vực tiêu dùng vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến người dân tiếp tục ở nhà và hạn chế mua sắm với chỉ số tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa rơi vào tình trạng suy giảm liên tục trong 2 tháng vừa qua.

Diễn biến kém tích cực hơn cả được ghi nhận trên thị trường lao động. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử là 14,7% trong tháng 4 do diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19 đã khiến hàng triệu người lao động Mỹ mất việc. Diễn biến này cũng được phản ánh qua chỉ số việc làm được tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp có tháng giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm 20,5 triệu người – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2011.

Tuy nhiên, đã có những tín hiệu cho thấy nền kinh tế không còn tệ hơn mà thậm chí có thể được cải thiện. Các số liệu thống kê về chi tiêu cho khách sạn, nhà hàng, hàng không và các ngành công nghiệp khác bị tổn thương bởi giãn cách xã hội vẫn còn thấp, nhưng dường như đang vực dậy. Cụ thể, số lượng khách du lịch đi qua các trạm kiểm tra an ninh của Cơ quan An ninh Giao thông là 87.534 vào ngày 14/4, thấp hơn 96% so với cùng 2019. Nhưng vào ngày 24/5, con số đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt 267.451, dù vẫn giảm 87% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dữ liệu từ công ty đặt chỗ nhà hàng trực tuyến Open Table cho thấy thực khách đang bắt đầu quay trở lại.Với những diễn biến như vậy, các dự báo hiện cho rằng, tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm 6-7% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai chữ số còn duy trì một thời gian.

Theo Gregory Daco, nhà kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, cho rằng với các chỉ số tăng trưởng trên cho thấy người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại. Đồng tình với nhận định trên, nhà kinh tế trưởng về thị trường Mỹ tại S&P Global Ratings nhận xét dường như nền kinh tế Mỹ đã chạm đáy, vượt qua làn sóng của đại dịch và bắt đầu tiến trình phục hồi trở lại.

Cùng với những tín hiệu phục hồi của tiêu dùng thì hoạt động sản xuất cũng đang quay trở lại. Chỉ số PMI tổng hợp mặc dù vẫn ở ngưỡng thu hẹp nhưng đã tăng từ mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là 27 điểm của tháng 4 lên 36 điểm trong tháng 5. Khu vực vận tải cũng cho thấy sự tăng trưởng khi Truckstop.com – một công ty chuyên đo lường nhu cầu trong thị trường vận tải, cho biết chỉ số hàng tuần của họ được cải thiện trong 4 tuần liên tiếp và nhu cầu tăng 27% trong tuần kết thúc vào ngày 18/5.

Đầu tháng 4 đánh dấu đáy suy giảm của thị trường bất động sản mùa dịch, theo dữ liệu từ Display Time, một nhà cung cấp phần mềm bất động sản. Khi các thành phố trên khắp nước Mỹ đóng cửa, nhu cầu của người mua đã giảm gần 50% vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, đến giữa tháng này, thị trường đã phục hồi, tăng 27% tính đến 24/5. Trong khi đó, dữ liệu của Hiệp hội Ngân hàng thế chấp cho thấy sự phục hồi gần đây trong các đơn xin vay mua nhà.

Một tín hiệu tích cực khác đến từ khu vực sản xuất ôtô khi các nhà sản xuất ôtô đã nối lại hoạt động tại hầu hết nhà máy tuần trước, dù phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều bang như Florida, Georgia và Ohio đã dần mở cửa lại hoạt động kinh doanh. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, khi họ sẵn lòng đến các nhà hàng và cửa hàng.

Những dấu hiệu hy vọng này còn đến cùng lúc với quyết định tăng chi tiêu khẩn cấp từ Quốc hội, số ca mắc Covid-19 mới giảm và việc dần mở lại hoạt động tại tất cả 50 bang.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế hiện nay vẫn không chắc chắn khi tác động của viện trợ chính phủ như trợ cấp thất nghiệp có thể giảm bớt trong những tháng tới. Theo đó, các quan chức Fed cảnh báo tình hình có thể xấu đi một lần nữa nếu đợt bùng phát thứ hai xuất hiện khi nhiều người Mỹ ra khỏi nhà và trở lại cuộc sống bình thường hơn. Nhìn chung, việc phục hồi sẽ phụ thuộc vào việc mở cửa trở lại nhanh như thế nào, liệu người tiêu dùng có cảm thấy thoải mái khi mạo hiểm hay không và liệu một đợt virus thứ hai có tấn công hay không.

Bình luận về triển vọng kinh tế Mỹ năm 2020, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, tuy nhiên có thể mất một khoảng thời gian mà có thể kéo dài đến năm 2021. Ngoài ra, ông Powell cũng nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi một cách ổn định trong nửa cuối năm nay nếu không có đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai. Tuy nhiên, để có thể phục hồi hoàn toàn thì phải chờ tới khi có vaccine.

Thái Hồng