Kinh tế Eurozone giảm 6,8% trong năm 2020

09:28 04/02/2021

Kinh tế khu vực đồng euro đang ảm đạm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, do số người nhiễm Covid-19 cao, các hoạt động bị hạn chế và việc triển khai vaccine chậm chạp khiến sự phục hồi bị trì hoãn

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 2/2, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm 6,8% năm 2020, ít hơn so với dự báo giảm 7,8% của Ủy ban châu Âu được đưa ra hồi tháng 11/2020.

Kinh tế khu vực đồng euro đang ảm đạm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, do số người nhiễm Covid-19 cao, các hoạt động bị hạn chế và việc triển khai vaccine chậm chạp khiến sự phục hồi bị trì hoãn. Dữ liệu hôm 2/2 cũng cho thấy khoảng cách kinh tế giữa Eurozone với Mỹ và Trung Quốc có khả năng tăng trong năm nay, do Mỹ đang tiêm vaccine nhanh hơn châu Âu và Trung Quốc hầu như không có nhiều ca nhiễm mới.

Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone đã giảm 6,8% trong năm 2020
Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone đã giảm 6,8% trong năm 2020.

Các chỉ số ban đầu cho thấy 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro sẽ phải đối mặt với viễn cảnh một cuộc suy thoái mới sau khi đợt phục hồi vào mùa Hè năm ngoái bị gián đoạn bởi làn sóng thứ hai của Đại dịch COVID-19. Điều này là do việc triển khai chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu bị chậm trễ và các hạn chế liên quan đến dịch.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã tìm cách cân bằng giữa việc cứu người và hỗ trợ các doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, họ theo đuổi các biện pháp hạn chế hà khắc hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, số người chết ở châu Âu đang gần bằng của Mỹ, trong khi hoạt động kinh tế của khu vực này - vốn đã tụt hậu so với Mỹ trước đại dịch - giờ kém hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến khác.

Hiện nay, việc triển khai vaccine chậm chạp, và mối đe dọa về các biến chủng mới của virus có thể trì hoãn thêm việc phục hồi. Theo OurWorldInData, các nước EU mới tiêm vaccine cho chưa đầy 3% dân số, so với 9% ở Mỹ và 14% ở Anh.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán khu vực đồng euro sẽ tái suy thoái trong những tháng tới. "Eurozone sẽ là nền kinh tế lớn cuối cùng trở lại mức tiền đại dịch và GDP sẽ tiếp tục giảm đáng kể trong ít nhất hai năm tới", Erik Nielsen - kinh tế trưởng của UniCredit nhận định.

IMF dự kiến quy mô nền kinh tế eurozone năm nay sẽ thấp hơn 3,3% so với đầu năm 2020. Trong khi đó, GDP Mỹ sẽ cao hơn 1,5%.

Ngân hàng Berenberg ước tính theo tốc độ hiện tại, Anh sẽ tiêm ít nhất một liều vaccine cho 60% dân số vào tháng 6. Mỹ có thể đạt tỷ lệ này vào tháng 10. Trong khi đó, Pháp và Tây Ban Nha sẽ không đạt đến ngưỡng này cho đến mùa hè năm 2022. Còn Đức và Italy sẽ phải chờ đến năm 2023.

Otto Lindner, CEO Lindner Hotels - một công ty gia đình tại Đức, đã ghi nhận 90% nhân viên quay lại làm việc trong tháng 11/2020. Năm ngoái, doanh thu của công ty đã giảm khoảng 2/3. "Vụ phong tỏa thứ hai nghiêm hơn nhiều so với lần đầu. Thật tuyệt vọng", ông Lindner nói.

Ryanair Holdings, hãng vận tải lớn nhất châu Âu, hôm 1/2 đã hạ mức dự báo tổng lượng hành khách cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 xuống 9 triệu. Hiện hãng dự kiến chỉ có 26 - 30 triệu khách hàng. Đối với năm tài chính 2022, con số này sẽ vào khoảng 80 - 120 triệu hành khách, ít hơn khoảng 70 triệu hành khách so với trước đại dịch.

"Bước tăng trưởng này có thể chậm hơn kỳ vọng, nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ tăng lên đáng kể khi vaccine được tung ra", Giám đốc Tài chính Neil Sorahan nói.

Tại Italy, ông Massimo Carboniero có một số đơn đặt hàng sản xuất máy ép công nghiệp, nhưng vẫn lo lắng nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài. "Chúng tôi đang nhận đơn hàng từ khách hàng cũ, nhưng khó có thêm khách mới, khi không ai đi du lịch và không có hội chợ thương mại", ông nói.

Roberto Sciacchitano làm việc gần Milan cho một công ty sản xuất các bộ phận cho ngành hàng không vũ trụ và các lĩnh vực khác. Năm ngoái, nhà máy của ông đóng cửa 2 tháng. Khi quay lại làm việc, ông vẫn lo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trước khi đại dịch hoàn toàn được kiểm soát. "Chúng tôi phụ thuộc vào những gì xảy ra bên ngoài nhà máy", ông cho biết.

Các nhà kinh tế cho biết, đến khi châu Âu hoàn toàn thoát khỏi tình trạng đóng cửa, nhiều doanh nghiệp có khả năng rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh. Michael Kaefer cho biết doanh thu công ty dịch vụ ăn uống của gia đình có tên Feinkost Kaefer đã sụt giảm khoảng 80% năm ngoái.

Michael đang tìm kiếm việc kinh doanh mới. Gần đây, anh ký hợp đồng mở cửa hàng thực phẩm cao cấp và cung cấp dịch vụ ăn uống cho ngành hàng không. Anh kỳ vọng ngành hàng không sẽ phục hồi, nhưng có thể không mạnh. "Chúng ta sẽ gặp khủng hoảng kinh tế sau khi virus biến mất. Các công ty và doanh nghiệp tư nhân sẽ còn ít tiền hơn", Kaefer nói.

Kết quả thống kê của năm 2020 mặc dù vẫn là một trong những con số tồi tệ nhất trong lịch sử nhưng tốt hơn dự kiến. Điều này phần lớn nhờ vào sự khả quan của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức. Kinh tế Đức giảm 5% trong năm 2020 và kinh tế Pháp giảm 8,3%, thay vì giảm đến hai chữ số như lo ngại ban đầu.

Eurostat cho biết nền kinh tế của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nói chung giảm 6,4% trong năm 2020 và giảm 0,5% riêng trong quý 4.

Các khoản hỗ trợ đầu tiên từ quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (823 tỷ USD) của EU sẽ phải chờ đến giữa năm mới được cấp cho các nước.

Nền kinh tế châu Âu chủ yếu được cầm cự bằng chương trình kích thích chưa từng có của Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho phép các nước ở Eurozone vay với lãi suất thấp từ các thị trường để thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Lyly