Kinh tế biển giữ vị trí then chốt trong chiến lược phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa

00:00 12/10/2020

Đó là phát biển của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trong Hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại Thanh Hóa ngày 4/7.

Hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại Thanh Hóa 

Tại buổi hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận các kết quả to lớn Thanh Hóa đã đạt được thời gian qua. Mặc dù, so với tiềm năng chỉ là bước đầu nhưng đã cho thấy có những bước khởi sắc rất mạnh mẽ, đã vươn lên đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và nằm trong các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Ông cũng khẳng định: Kinh tế biển là 1 trong năm lĩnh vực hết sức then chốt đối với quá trình phát triển của Thanh Hóa.

Nhận thấy tiềm năng là lợi thế về tài nguyên biển, Thanh Hóa đã và đang nỗ lực để trở thành tỉnh giàu, mạnh về kinh tế biển theo tinh thần chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế then chốt, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng 5 trụ cột phát triển kinh tế biển, gồm: Khai thác, chế biến dầu khí; khai thác, chế biến hải sản; phát triển du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế hàng hải. Đồng thời, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề ra nhiều giải pháp thiết thực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho phát triển, nhất là tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và khu vực các huyện, thành phố ven biển.

Tại hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học cũng nêu bật những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các hướng đi trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển cho biết: Vùng biển Thanh Hoá rộng gấp 1,6 lần diện tích đất liền, là nơi có triển vọng dầu khí và băng cháy liên quan tới bể Sông Hồng thuộc vùng cửa vịnh Bắc bộ và Tây Nam quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò và thẩm lượng trữ lượng đang tiến hành, và đến nay tại bể này mới chỉ có 9 phát hiện khí và dầu với tổng trữ lượng và tiềm năng khoảng 225 triệu m3 quy dầu, trong đó đã khai thác 0,55 tỷ m3 khí.Tiềm năng chưa phát hiện dự báo vào khoảng 845 triệu m3 quy dầu, chủ yếu là khí và tập trung ở ngoài biển.Từ Nam Sầm Sơn đến Quảng Xương có sa khoáng inmenhit (một khoáng vật chứa Titan) hiện đại và chôn vùi, trữ lượng khoảng 73.500 tấn.

Ông nhấn mạnh: Trong kinh tế biển Thanh Hóa tập trung phát triển du lịch biển. Trước hết cần rà soát, điều chỉnh không gian phát triển du lịch ven biển, du lịch đảo hiện nay; chú ý đến thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các dự án đầu tư lớn vào du lịch cao cấpvà hệ thống dịch vụ du lịch hiện đại;nhấn mạnh tiêu chí 4S (Sun, Sea, Sand, Service) trong quảng bá và quy hoạch phát triển du lịch ven biển, đảo của tỉnh.

Xây dựng hệ thống chính sách, cơ chế phối hợp liên ngành (công an, hải quan, cứu hộ, cứu nạn, giao thông, cảng, thủy sản,...) trong phát triển tổng hợp ngành du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch biển, nhấn mạnh đến môi trường du lịch an toàn, văn minh, hấp dẫn và ấn tượng;

Đa dạng hóa các loại hình du lịch (bao gồm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch lặn ngoài đảo,...); bảo vệ môi trường du lịch (bãi biển, nhà hàng, khách sạn) chú ý đặc biệt đến chất thải và rác thải nhựa (sẽ không có du lịch đứng đầu nếu không bảo vệ được môi trường!); xây dựng các khu/địa điểm du lịch không rác thải và giữ gìn cảnh quan biển, đảo và vùng ven biển.

Với các kết quả đạt được và tiềm năng, lợi thế to lớn của tỉnh, mục tiêu phát triển Thanh Hóa không phải chỉ đối với Thanh Hóa mà cho cả vùng và cả nước, không chỉ đối với phát triển kinh tế xã hội mà còn cả quốc phòng an ninh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định cho xây dựng đề án để tiến tới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa tới 2030, tầm nhìn 2045.

Hiền Minh