Kinh tế ban đêm - ‘gà đẻ trứng vàng’ của bất động sản nghỉ dưỡng

00:00 12/10/2020

Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng thì việc phát triển kinh tế ban đêm sẽ là một động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Khi biết quản lý tốt thì kinh tế ban đêm chính là “gà đẻ trứng vàng” cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Với chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu khách trong nước, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 80 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm, nhu cầu về bất động sản du lịch sẽ còn nhiều dư địa để phát triển.

Tiềm năng thị trường lớn

Trên thực tế, hậu Covid-19, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng đang phân hóa, trong đó có cả cơ hội và khó khăn, thách thức.

TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để có thể phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong tương lai, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là sự kiên định trong lựa chọn sản phẩm theo từng giai đoạn để phát triển.

Theo ông Chung, các giai đoạn trước, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là các khách sạn, các resort quy mô nhỏ. Địa bàn triển khai nổi bật nhất là Mũi Né - Phan Thiết. Giai đoạn tiếp theo là các resort nghỉ dưỡng quy mô lớn hơn tại các khu vực Mỹ Khê (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam). Ngoài ra, có giai đoạn phát triển các chuỗi resort ở Khánh Hòa.

Giai đoạn hiện nay, ông Chung nhìn nhận, nên phát triển bất động sản nghỉ dưỡng thành một địa bàn có các tổ hợp du lịch lớn. Để phát triển được đòi hỏi có dư địa hạ tầng, thì Vân Đồn (Quảng Ninh) hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí này.

Lý do mà TS. Trần Kim Chung đưa ra là mới đây Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế đến năm 2040. Trong đó, đến năm 2030, quy hoạch 900 - 950ha đất du lịch (trong đó có 150 - 180ha đất dịch vụ lưu trú); đến năm 2040, quy hoạch 2.700 - 2.800ha đất du lịch dịch vụ (trong đó có 600 - 650ha đất lưu trú).

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông của Vân Đồn khá hoàn chỉnh từ sân bay, đường cao tốc, đường biển…, có danh lam thắng cảnh “tuyệt sắc giai nhân”.

Đáng chú ý, hậu Covid-19, triển vọng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Vân Đồn và Phú Quốc có rất nhiều yếu tố làm bệ đỡ. Đó là Việt Nam đã đối phó thành công với Covid-19. Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hiệp định thương mại và đầu tư thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Hơn nữa, Việt Nam là một điểm đến của đầu tư trong bối cảnh các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc…

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và tăng giá. Nguyên nhân là bởi sự phát triển nhanh và bền vững của Quảng Ninh, cũng như Vân Đồn chính thức được quy hoạch dài hạn thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực.

9-6-KK-Van-Don-5000-1591693766.jpg

Kinh tế ban đêm sẽ là một trong những động lực phát triển bất động sản nghỉ dưỡng (Ảnh: TL)

Động lực phát triển bất động sản nghỉ dưỡng

Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở Vân Đồn, theo ông Nghĩa, các quyết định đầu tư cần bám sát quy hoạch tổng thể của Vân Đồn. Bên cạnh đó, nên đầu tư vào những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại, quy mô lớn, dựa trên nền tảng du lịch và trải nghiệm. Đồng thời, cần quan tâm tới tính thanh khoản và cơ hội sinh lời của bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực này.

Một điểm có thể thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn phát triển đó là phát triển kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, thách thức phát triển kinh tế ban đêm vẫn còn tồn tại, như nhận thức về kinh tế ban đêm còn nhiều sai lệch, phiến diện, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu các hoạt động văn hoá gắn với du lịch như festival, âm nhạc, nghệ thuật…

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi nước ngoài về chính sách phát triển kinh tế ban đêm. Đó là khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm; trợ cấp bằng tiền mặt cho các hộ kinh doanh từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; các dịch vụ giao thông công cộng được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm.

Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhìn nhận, kinh tế ban đêm có vai trò quan trọng, nếu làm tốt có thể đóng góp 5 - 8% GDP. Kinh tế ban đêm còn giúp cho phát triển kinh tế bền vững, trong đó du lịch là mũi nhọn. Ngoài ra, kinh tế ban đêm thúc đẩy đổi mới sáng tạo tạo ra các dịch vụ mới và thu hút đầu tư hấp dẫn.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm. Đây không chỉ là định hướng chung mà là xu hướng phát triển đúng đắn và cần được khai thác càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đây là một mảng kinh tế dễ xảy ra tiêu cực hơn, như đánh bạc, an ninh trật tự…

Do vậy, theo Luật sư Trương Thanh Đức, cần tăng cường quản lý, giám sát để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái. Theo đó, có thể khoanh vùng, dành một khu phố, một khu vực cho phố đi bộ, làm phố vui chơi, ăn uống… là hoàn toàn hợp lý.

“Nên khuyến khích để phát triển nhanh và nếu vướng luật thì sớm sửa luật. Đặc biệt trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn do hệ quả của dịch bệnh thì càng phải kích cầu, phát triển và nên ban hành sớm các quy định phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Minh Sơn