Kinh tế 8 tháng: Đà phục hồi chững lại

00:00 12/10/2020

Dịch Covid-19 quay trở lại vào cuối tháng 7 đã gây cản trở sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các động lực tăng trưởng tại thị trường nội địa, vừa bắt đầu phục hồi sau 3 tháng kinh tế khởi sắc, đã hụt hơi đáng kể trong tháng 8.

Động lực trong nước giảm tốc

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm cuối tuần qua cho thấy, đà phục hồi của sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2020 đã chững lại, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn; trong khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số địa phương trên cả nước càng chất thêm khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Hệ quả là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái là 9,5%; và cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giải ngân đầu tư công đã khởi sắc hơn

Do sự bùng phát trở lại của dịch tại thị trường nội địa, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 cũng có xu hướng giảm, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%. Điểm tích cực là mức giảm đang tiếp tục thu hẹp dần.

Hoạt động vận tải trong tháng 8 chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 với mức giảm 19,3% lượng hành khách vận chuyển và giảm 3,4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 29,3% và vận chuyển hàng hóa giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019 do nước ta tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế 8 tháng chính là tình hình đăng ký DN. Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý cộng đồng DN. Số DN thành lập mới trong tháng 8 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 20,7%. Tính chung 8 tháng năm 2020, số DN đăng ký thành lập mới giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, song mức giảm đang tiếp tục thu hẹp; trong khi vốn đăng ký bình quân tăng 8,7%. Bên cạnh đó số DN quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Một điểm nhấn nữa chính là hoạt động giải ngân vốn đầu tư công. Với quyết tâm vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Nhiều biến số trong 4 tháng cuối năm

Nhìn chung, khu vực trong nước dù bị giảm tốc do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, song vẫn đang là những trụ cột chủ yếu để giữ đà cho tăng trưởng 8 tháng đầu năm trong bối cảnh các thị trường bên ngoài vẫn tiếp tục khó khăn.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu, với kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 8 tháng đều tăng lần lượt 15,3% và 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 1,6%, nhập khẩu giảm 2,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,5 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 8 tháng cũng giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là mức giảm của 8 tháng đang tăng cao hơn so với 7 tháng.

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho rằng, mặc dù diễn biến của dịch Covid-19 còn là ẩn số và đã ảnh hưởng tiêu cực trở lại đến kinh tế Việt Nam trong tháng 8 vừa qua, song có thể nhận định rằng kinh tế năm 2020 vẫn sẽ tăng trưởng dương. Ông Cường phân tích, Việt Nam có khoảng 40% dân số là lao động nông nghiệp, đồng thời sản xuất công nghiệp cũng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Cơ cấu này khác với các nước có ngành dịch vụ chiếm vai trò cực kỳ quan trọng, nên khi dịch bùng phát, dịch vụ đóng cửa là nền kinh tế cũng gần như đổ gục.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để nền kinh tế tăng trưởng bứt tốc trong các tháng còn lại của năm 2020 sẽ là nhiệm vụ không đơn giản. Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, bối cảnh thế giới trong các tháng tới chắc chắn sẽ có nhiều điều bất định. Đặc biệt từ cuối quý III, nửa đầu quý IV, quan hệ giữa Mỹ - Trung sẽ rất căng thẳng. Kéo theo đó, các yếu tố liên quan đến xuất nhập khẩu, đối tác thương mại, chuỗi sản xuất… chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, không chỉ diễn biến của dịch Covid-19, mà cả tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung cũng sẽ là những biến số ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Ngọc Khanh