Kinh nghiệm quốc tế về cơ chế tài chính của ngân hàng trung ương một số nước

14:14 04/11/2020

NHTW là một định chế tài chính đặc biệt, có vai trò đặc biệt đối với nền kinh tế của các quốc gia. Với chức năng điều hành chính sách tiền tệ và là ngân hàng của các ngân hàng, tài chính của NHTW đều có các đặc điểm chung nhất định và đây cũng là các yêu cầu bắt buộc để một NHTW tồn tại và thực hiện các chức năng của nó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

NHTW là ngân hàng phát hành tiền của một quốc gia, là ngân hàng của các ngân hàng trong nền kinh tế. Ngoài ra, ở một số nước, NHTW còn là bộ máy tài chính tổng hợp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, là cơ quan quản lý và kiểm soát lĩnh vực tiền tệ ngân hàng trong phạm vi toàn quốc. Đến nay, trên thế giới đã biết đến ba mô hình NHTW: (1) NHTW độc lập với Chính phủ; (2) NHTW là một cơ quan thuộc Chính phủ; (3) NHTW thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, hai mô hình đầu tiên là phổ biến hơn cả.

Chẳng hạn Ngân hàng Hàn Quốc (Bank of Korea - BoK) là NHTW và là cơ quan trực thuộc Chính phủ Hàn Quốc. Cơ chế tài chính của BoK được vận dụng dựa trên Luật Ngân hàng Hàn Quốc, 2012 (Bank of Korea Act) và Luật Quản lý tài chính quốc gia năm 2011 (National Finance Act).Cơ chế quản lý tài chính của các NHTW chủ yếu được quy định trên các cơ sở pháp lý sau: (i) Luật NHTW quốc gia với các điều khoản về: địa vị pháp lý, nhiệm vụ chức năng của NHTW; mối quan hệ về mặt tài chính với Chính phủ; các khoản thu và các khoản chi của NHTW; (ii) Luật Ngân sách quốc gia (hay Luật Tài chính công) với các điều khoản về lập dự toán của NHTW; các khoản thu chi tài chính của NHTW và mối quan hệ tài chính với ngân sách chính phủ; (iii) Văn bản chuyên biệt quy định cụ thể về chế độ tài chính của NHTW.

Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan – BoJ) đóng vai trò là NHTW của Nhật Bản. BoJ áp dụng mô hình NHTW ít phổ biến nhất là NHTW trực thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên từ năm 1997, khi Luật Ngân hàng Nhật Bản số 89 ra đời đã khẳng định sự độc lập của BoJ qua một số quy định. Cơ chế tài chính của BoJ cũng được thực hiện dựa trên Luật Tài chính công (Public Finance Law) được ban hành vào năm 1997. Thu nhập và chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhật Bản xuất phát từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này…

Về cơ chế phân phối lợi nhuận, kết quả nghiên cứu của BIS (2013) đối với 16 NHTW (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, New Zealand, Anh, Ireland, ECB, CH Séc, Mỹ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Chile, Mexico, Đức, Hà Lan, Nam Phi) cho thấy, hơn một nửa các NHTW trong số nghiên cứu đặt ra mục tiêu về vốn, tuy nhiên các mục tiêu này thường chỉ là duy trì Quỹ Dự trữ chung không âm: nếu quỹ này âm, thặng dư sẽ được trích nhiều hơn vào quỹ so với bình thường (như trường hợp NHTW Mexico). Một vài trường hợp là thực hiện mục tiêu xây dựng vốn thành lập (foundation capital) như Chile - giữ lại tất cả thặng dư nhằm duy trì ổn định nguồn vốn này. Fed cũng có mục tiêu xây dựng vốn dựa trên tài sản của cổ đông.

Chỉ có rất ít trường hợp đặt ra mục tiêu cho tổng vốn chủ sở hữu (total equity) hoặc cụ thể thành phần phân bổ là bao nhiêu. Thụy Sĩ là trường hợp này, khi thặng dư chuyển vào tài khoản dự trữ do Hội đồng NHTW đưa ra công thức quyết định, dựa vào tỷ lệ tăng trưởng bình quân của GDP danh nghĩa. Mức độ phân bổ thường vào khoảng 15-30% tài sản của NHTW theo công thức này…

Có thể thấy, NHTW là một định chế tài chính đặc biệt, có vai trò đặc biệt đối với nền kinh tế của các quốc gia. Với chức năng điều hành chính sách tiền tệ và là ngân hàng của các ngân hàng, tài chính của NHTW đều có các đặc điểm chung nhất định và đây cũng là các yêu cầu bắt buộc để một NHTW tồn tại và thực hiện các chức năng của nó.

Theo đó, bất kể ở mô hình NHTW trực thuộc hay không trực thuộc Chính phủ thì tài chính của NHTW có sự độc lập tương đối với ngân sách của Chính phủ so với các đơn vị trực thuộc Chính phủ khác; có nguồn vốn và tài sản riêng để chủ động, linh hoạt trong thực hiện các chức năng của NHTW.

NHTW có nguồn vốn, quỹ tích luỹ đủ lớn để đảm bảo sự can thiệp vào thị trường tiền tệ và thực hiện vai trò người cứu cánh cuối cùng đối với hệ thống các TCTD. Khi thực hiện các hoạt động điều hành thị trường tiền tệ và quản lý hoạt động của hệ thống TCTD, các NHTW phát sinh các khoản thu nhập và chi phí. Thông thường các khoản thu nhập của NHTW đủ lớn để bù đắp các chi phí phát sinh trong hoạt động của NHTW. Do vậy, các NHTW không sử dụng trực tiếp kinh phí từ ngân sách của Chính phủ.

Các khoản lợi nhuận hàng năm của NHTW thường được phân bổ theo các tỷ lệ khác nhau để giữ lại NHTW và một phần nộp về ngân sách của Chính phủ. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định, vững chắc về tài chính cho NHTW, NHTW các nước thường chú trọng vào tỷ lệ % lợi nhuận hàng năm để lại NHTW nhằm đạt được mức vốn, quỹ nhất định cho NHTW.

Về nguyên tắc, hoạt động của NHTW cũng có thể phát sinh lỗ; do vậy, Luật NHTW các nước đều quy định rõ cơ chế và nguồn xử lý tài chính cho NHTW khi năm tài chính phát sinh chi phí lớn hơn thu nhập. Cơ chế xử lý lỗ của các NHTW có thể khác nhau (bù đắp từ nguồn dự trữ của NHTW hoặc cấp bù từ ngân sách của Chính phủ) nhưng phải đảm bảo có cơ chế minh bạch và đủ nguồn để xử lý được khoản lỗ này.

Mặc dù hoạt động của NHTW tương đối ít rủi ro hơn hoạt động của ngân hàng thương mại nhưng thực tế vẫn phát sinh các rủi ro và tổn thất trong từng hoạt động. Do vậy, tất cả các NHTW đều thực hiện đánh giá mức độ rủi ro, trích lập dự phòng theo chuẩn mực kế toán quốc tế.

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng nói chung và các yêu cầu về vai trò, vị thế của NHNN trong thời kỳ mới, yêu cầu về hoạt động của NHNN với vai trò là Bộ chuyên ngành quản lý nhà nước ngành Ngân hàng, đồng thời là NHTW của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về cơ chế tài chính của NHTW một số nước là cần thiết để học hỏi, nghiên cứu các mô hình, giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với NHNN để NHNN hoàn thành nhiệm vụ của một NHTW, đồng thời phát huy được vai trò của một bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.

Lê Thị Mai Hương - Vụ Tài chính ngân hàng - Bộ Tài chính