Kinh nghiệm hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ với nước ngoài

00:00 12/10/2020

Việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ với nước ngoài mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường kinh tế toàn cầu. Để thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, bên cạnh chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần có định hướng và quy trình cụ thể, từ đó khai thác hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế của các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tập đoàn đa quốc gia.

 

Trong quá trình đổi mới và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ từ trong nước, việc mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ với nước ngoài đóng vai trò thiết yếu đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Một mặt, việc hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới thông qua việc đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, việc mở rộng hợp tác quốc tế sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu về doanh nghiệp và sản phẩm, từ đó thu hút nhiều nguồn đầu tư lớn từ quốc tế.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ nhờ tranh thủ được sự hỗ trợ của bạn bè và các đối tác trên thế giới. Đến nay, hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ đã được đẩy mạnh cả về qui mô, hình thức và nội dung. Tuy nhiên, vấn đề hợp tác với nước ngoài vẫn còn là một vấn đề lạ lẫm và khó tiếp cận đối với nhiều doanh nghiệp Việt.

Nhằm hỗ trợ và định hướng các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, quy trình dưới đây là cần thiết trong việc tạo lập những nền tảng đầu tiên để cộng đồng doanh nghiệp trong nước vươn ra ngoài thế giới.

1. Xác định được phương hướng phát triển

Việc có một phương hướng phát triển rõ ràng không những giúp các doanh nghiệp duy trì sự ổn định trong các hoạt động kinh doanh và sản xuất mà còn tránh được việc bị giảm thị phần và tụt lùi lại phía sau. Muốn phát triển, doanh nghiệp không nên dừng lại ở việc khai thác các cơ hội hoặc các công nghệ vốn có mà phải tìm ra được định hướng khoa học và công nghệ cho riêng mình.

Ngày nay, từ khóa “đổi mới sáng tạo” được nhắc đến trên mọi diễn đàn về doanh nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chính là nhân vật được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước xác định là trung tâm để đưa nền kinh tế nước ta lên nền kinh tế tri thức bền vững và có khả cạnh tranh quốc tế.

Doanh nghiệp nếu không đổi mới sáng tạo, không có định hướng phát triển khoa học và công nghệ rõ ràng để nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ bị chèn ép, khó vươn lên. Từ khía cạnh tầm nhìn quốc gia, nếu không có những doanh nghiệp mang tư duy đổi mới sáng tạo, thì doanh nghiệp nước ngoài, sản phẩm nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Công ty TNHH tư vấn y dược quốc tế (IMC) với dự án nghiên cứu khoa học công nghệ, thành công làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzyme và protein

2. Thường xuyên cập nhật những công nghệ mới nhất

“Đi tắt, đón đầu” là chiến lược hiệu quả nhất giúp các doanh nghiệp bắt kịp thế giới trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải cập nhật những công nghệ, những thành quả khoa học mới nhất trên thế giới để có sự đầu tư thích hợp cho các nguồn lực cần thiết. Việc cập nhật này cũng giúp nâng cao năng lực thích ứng của các nguồn lực khi được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

3. Xây dựng đội ngũ nghiên cứu khoa học nòng cốt

Để có thể hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ với nước ngoài, trước hết doanh nghiệp cần phải xây dựng một đội ngũ chuyên viên nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao. Đây sẽ là nguồn nhân lực cốt lõi trong quá trình hợp tác với nước ngoài.

Bộ phận này sẽ tiến hành nghiên cứu và tìm ra các giải pháp công nghệ tốt nhất cho doanh nghiệp, cũng như đảm bảo những quá trình nghiên cứu đi đúng mục đích, mục tiêu cũng như “mang về” được những kiến thức, kinh nghiệm quý báu từ quá trình hợp tác đó.

Có thể mời các chuyên gia nước ngoài về đào tạo hoặc cử đội ngũ này sang học tập tại các nơi đào tạo bên nước ngoài. Để có thể hợp tác cùng nước ngoài trong việc nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư về ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên.

Điển hình có thể kể đến Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco vừa sản xuất 1,5 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm A/H5N1 (Navet – Fluvac 2) ở quy mô công nghiệp từ nhóm nghiên cứu của chính công ty là Trung tâm Nghiên cứu Navetco. Đơn vị cũng đang hợp tác nghiên cứu với Viện Công nghệ sinh học và các chuyên gia quốc tế nghiên cứu tạo giống gốc nhằm chủ động về công nghệ di truyền ngược (reverse genetics) tạo chủng vắc-xin mới với các biến chủng mới xảy ra tại Việt Nam.

Nhóm nhà nghiên cứu tại Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco vừa sản xuất 1,5 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm A/H5N1 (Navet - Fluvac 2) ở quy mô công nghiệp

4. Chuyển giao công nghệ đồng thời hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài

Chuyển giao công nghệ là một trong những yếu tố then chốt của việc hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ giữa doanh nghiệp và nước ngoài. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần phải có sự chủ động tìm kiếm và tiếp cận với công nghệ tiên tiến của các nước khác trên thế giới. Điều này sẽ nâng cao trình độ của công nghệ sản xuất trong nước. Với nền tảng là đội ngũ nhân viên có chuyên môn và tay nghề cao, doanh nghiệp chắc chắn sẽ có những bước đi thuận lợi trong quá trình hợp tác này.

Hiện tại, Chính phủ đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ nước ngoài nhằm tìm kiếm, đánh giá, tư vấn và chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới của các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án này, phù hợp với tính cấp thiết của đề tài và khả năng ứng dụng của công nghệ mà đơn vị đề xuất.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã hợp tác và chuyển giao công nghệ thành công từ các doanh nghiệp, trường Đại học, trung tâm nghiên cứu của nước ngoài. Điển hình như trong lĩnh vực Bất động sản, hiện nay những cái tên hàng đầu như Novaland và Vingroup đều không phải là những doanh nghiệp đi theo quy trình khép kín. Các doanh nghiệp này đều có sự ký kết và hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong thiết kế và thi công để cho ra những công trình có chất lượng cao nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng đầu tư một số tiền lớn để mời các chuyên gia hàng đầu về làm cố vấn.

5. Liên hệ các chương trình hỗ trợ hợp tác song phương và đa phương về công nghệ

Ngày 16/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học công nghệ đến năm 2020”. Theo đó, chương trình này có mục tiêu nâng cao khả năng tiếp thu, phối hợp và làm chủ các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra công nghệ mới; góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, từng bước nâng cao giá trị và dịch vụ và chất lượng sản phẩm.

Khi tham gia chương trình này, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí từ các quỹ khoa học và công nghệ và ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ. Ngoài ra còn có nguồn vốn tài trợ, hợp tác nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dành cho việc phục vụ nghiên cứu và đào tạo từ nước ngoài. Các nguồn vốn hợp pháp trên sẽ giúp cho doanh nghiệp mở rộng cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ với nước ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ quảng bá và giới thiệu các chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ mà các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế và khu vực đã và sẽ triển khai, cũng như được tuyên truyền, phổ biến các kết quả hợp tác nghiên cứu đã đạt được, mở rộng thị trường doanh nghiệp.

Đồng thời, tham gia chương trình cũng sẽ mang lại lợi thế cũng như uy tín để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm, khai thác các nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế khác của các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tuyết Mai