Kinh doanh phim điện ảnh: Khốn đốn vì dịch bệnh

00:00 12/10/2020

Ngành sản xuất phim cũng như ngành kinh doanh chiếu phim trên toàn thế giới đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh covid-19. Các cường quốc về điện ảnh như Mỹ, Trung Quốc mất hàng tỷ đô la doanh thu phòng chiếu từ đầu năm tới nay, cùng với đó nền công nghiệp sản xuất phim bị đình trệ không biết đến khi nào mới hồi phục. Kinh doanh điện ảnh trong nước cũng không nằm ngoài xu thế đó. Vốn lao đao khi làn sóng dịch bệnh thứ nhất diễn ra, chưa kịp hoàn hồn thì điện ảnh lại gặp phải làn sóng dịch bệnh thứ 2 từ giữa tháng 7 tới nay khiến cho tình hình càng trở nên ảm đạm.

Điện ảnh thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid 19.

Sản xuất phim đình trệ

Dịch bệnh đã lây lan trên toàn cầu hơn nửa năm, càn quét nền kinh tế thế giới, trong đó có ngành sản xuất phim. Ngay từ đầu mùa dịch, các hãng lớn như Disney, Univesal, Warner Bros đã ra thông cáo ngừng sản xuất các dự án phim trong năm của mình. Cụ thể, Disney ngừng sản xuất một loạt phim như “The Little Mermaid”, “Sang-chi and Legend of the Ten Rings”, “Home Alone”, “The Last Duel”, “Nightmare Alley”, “Peter Pan&Wendy”, “Shrunk”, “Marvel Loki”, “Wanda Vision” và “The Falcon and the Winter Soldier”. Univesal thông báo ngừng sản xuất bộ phim đang được hàng triệu khán giả chờ đón“Jurassic World: Dominion”.Warnner Bros cũng nhanh chóng tạm dừng sản xuất phim bom tấn Batman ngay sau khi thông tin 2 diễn viên chính là Tom Hank và Rita Wilson dương tính với virut corona. Cho đến thời điểm này, mặc dù các diễn viên đã âm tính trở lại với virut corona, nhưng hãng vẫn chưa có kế hoạch quay trở lại sản xuất tiếp dự án. Tại Trung Quốc- một thị trường khổng lồ về phim ảnh, trường quay Hoành Điếm là trường quay lớn nhất của nước này đã đóng cửa, đồng nghĩa với hàng chục bộ phim truyền hình cũng như điện ảnh đang quay tại đây phải hoãn sản xuất. 

Các cơ quan chức năng cho hay, vì dịch bệnh covid, số lượng phim sản xuất năm nay ở Trung Quốc sẽ giảm gần một nửa so với trung bình hàng năm. Nền điện ảnh gần gũi với Việt Nam là Hàn Quốc cũng lao đao không kém. Chỉ trong Tháng 8, nhiều dự án phim xứ Kim chi phải ngậm ngùi thông tin dừng sản xuất vì lo ngại có nhiều nghệ sĩ, nhân công làm việc trong ngành điện ảnh có kết quả dương tính với virut Corona.

Điện ảnh Việt Nam một năm sản xuất không nhiều phim, vốn là một nền điện ảnh còn non trẻ và còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình trở nên khó khăn hơn trong dại dịch. Các dự án phim“Kiều”, “Bằng chứng vô hình” (Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), “Tà Năng Phan Dũng” (Đạo diễn Trần Hữu Tấn), “Số đỏ” (Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, “Nữ danh ca” (Đạo diễn Đức Thịnh)…cũng đã phải lùi lịch sản xuất ngay từ khi đại dịch ảnh hưởng đến đời sống trong nước, và cho đến nay, mới có vài nhà sản xuất chuẩn bị rục rịch trở lại. 

Diễn viên Tom Hank bị nhiễm Covid 19 phải dừng kế hoạch làm phim.

Mỗi một dự án phim ngừng sản xuất kéo theo rất nhiều hệ lụy. Giống như cả một cỗ máy đang chạy đều đặn bất ngờ dừng lại. Các nghệ sĩ phải tạm dừng công việc, hàng trăm, hàng ngàn người lao động phục vụ trong ngành công nghiệp điện ảnh bị ảnh hưởng. Không có lương đồng nghĩa với giảm hoặc không có thu nhập, không thể đảm bảo được cuộc sống. Nhà sản xuất thì phải chịu nhiều thiệt hại to lớn . Một số bộ phim đã được đầu tư chỉn chu vào các khâu từ kịch bản, diễn viên, đạo diễn, hậu kỳ, PR, vì dịch bệnh phải đột ngột thay đổi kế hoạch sẽ dẫn đến vô vàn xáo trộn. Nhà sản xuất phim Kiều cho hay: “Rất nhiều thứ sẽ gần như phải đầu tư lại khi dịch bệnh qua đi, nhà sản xuất quay lại với dự án của mình. Những gì đã đầu tư trước đó gần như phải bỏ đi, về tiền mà nói là rất thiệt hại”. 

Việc dừng các dự án làm phim, không hẳn chỉ là lo ngại vấn đề người tham gia làm phim không an toàn trong dịch bệnh mà chủ yếu là lo ngại vấn đề phim ra rạp không có người xem, không có doanh thu, dẫn đến khó thu hồi vốn. Các doanh nghiệp làm phim trong nước đa phần là tư nhân, vốn để làm phim còn mỏng, hầu hết làm ăn theo mùa vụ, thậm chí kinh phí làm phim phải đi vay ngân hàng. Do đó bài toán tài chính là hết sức đau đầu. Họ khó có thể trụ vững nếu như không tính toán kỹ lưỡng về độ rủi ro. Việc dừng sản xuất phim là một lựa chọn tất yếu, khi mà chưa ai có thể lường trước dịch bệnh sẽ còn phức tạp ở mức độ nào trong tương lai gần. 

Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khuyến cáo, với tình hình sản xuất phim ảm đạm của năm nay, điện ảnh Việt sẽ có rất ít phim trong thời gian tới. Khi đại dịch qua đi, nhiều khả năng khán giả sẽ ồ ạt quay trở lại các rạp chiếu, và với số lượng phim ít ỏi, chúng ta sẽ khó mà có thể “tranh thủ” được lượng khán giả này. Vì vậy, mỗi nhà sản xuất cần có chiến lược thông minh để nắm bắt cơ hội sau đại dịch, trong đó không thể không cần đến chút mạo hiểm, liều lĩnh. Việc đầu tư vào những kịch bản phim mới, âm thầm chuẩn bị các khâu cho những dự án làm phim mới với những đề tài nóng, đang được khán giả quan tâm và hoàn thành ngay sau đại dịch qua đi sẽ có thể mang về những thắng lợi hơn cả mong đợi cho những đơn vị biết nhìn ra cơ hội.

Rạp chiếu vắng khách là câu chuyện ám ảnh các doanh nghiệp chiếu phim trong mùa dịch.

Phòng chiếu đìu hiu

Trung Quốc đã mất 2 tỷ đô la doanh thu phóng vé trong tâm dịch tháng 3 vừa qua. Nước Mỹ cũng chứng kiến doanh thu phòng vé thấp nhất vào cuối tuần kể từ năm 1998 đến nay. Hàn Quốc ghi nhận số người đến phòng vé thấp kỷ lục. Gần như không nền điện ảnh của quốc gia nào đứng vững khi cơn bão covid-19 quét qua. Tại Việt Nam, đất nước dù ít chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid trong khu vực và trên thế giới nhưng tình hình cũng không khả quan hơn. Khi làn sóng dịch bệnh lần 1 qua đi, các rạp chiếu phim hào hứng quay trở lại với các kế hoạch bận rộn từ giai đoạn giữa năm đến giai đoạn phim Tết 2021. Nhiều bộ phim trong nước cũng như ngoài nước hoãn chiếu từ đầu năm đang được xếp lịch chiếu trở lại. Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh thứ 2 đã tiêu tan phần lớn sự hào hứng đó. Nhiều nhà sản xuất đồng loạt rút phim ra khỏi kế hoạch vì lo ngại khán giả không đến rạp. Phim “Ròm” chưa hết mừng vì được cơ quan chức năng cho phép chiếu rạp đã phải dời lịch chiếu chưa biết khi nào quay lại. “Tiệc trăng máu”- phim được dự đoán ăn khách phòng vé cũng lặng lẽ rút lui, hủy lịch chiếu trong Tháng 8. Ngoài ra các phim như “Chồng của người ta”, “Trạng Tí”, “Lật mặt 5” tiếp tục lỡ hẹn khán giả. 

Các rạp chiếu không chỉ ngậm ngùi trước lựa chọn lùi lịch chiếu của phim Việt, mà rất nhiều phim ngoại cũng quay đầu với rạp, chờ đợi khi tình hình dịch bệnh trở nên sáng sủa hơn. Phim The New Mutants” (Dị nhân thế hệ mới) sau 5 lần bị hủy và dời lịch liên tục trên toàn cầu, khi phát hành tại Việt Nam cũng đã dời ngày chiếu đến thời điểm phù hợp. Ngoài ra, các phim được chờ đợi như Greenland” (Thảm họa thiên thạch), Bigfoot Family (Gia đình chân to), Doraemon, The Elfkins - Baking a Difference (Tí hon hậu đậu), Simon’s Got a Gift (Kẻ cắp nhân dạng) cũng rút lịch chiếu ra khỏi kế hoạch của các rạp. Một số phim bom tấn khác như Spider-Man: Far from Home”, “The Quiet Place 2”, “Avatar 2” đổi lịch chiếu sang đầu năm 2021.

Các phòng chiếu không có phim để chiếu, chưa khi nào câu chuyện trong kinh doanh chiếu phim lại trở nên dở khóc dở cười như vậy. Cực chẳng đã, nhiều doanh nghiệp chiếu phim phải tự đóng bớt các phòng chiếu, do không có việc làm. Lotte Cinema tạm ngưng chiếu phim tại các cụm rạp ở Huế, Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Đồng Hới (Quảng Bình), Phủ Lý (Hà Nam), Đồng Nai, Bảo Lộc (Lâm Đồng)…Cinestar ngưng hoạt động các rạp tại Huế, Đà Lạt (Lâm Đồng); Beta ngưng chiếu tạp cụm rạp Biên Hòa (Đồng Nai), Starlight ngừng chiếu cụm rạp tại Quy Nhơn (Bình Định), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Huế, Đà Nẵng, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Cineplex tạm đóng cửa các cụm rạp tại Huế và Cầu Giấy (Hà Nội). “Ông lớn” CGV cũng buộc phải đóng cửa hoàn toàn các cụm rạp ở Đà Nẵng, một số cụm rạp khu vực miền Trung và một số tỉnh như Kon Tum, Đồng Nai, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi. Những phòng chiếu còn tiếp tục hoạt động thì lựa chọn giải pháp chiếu lại những phim bom tấn cũ để phục vụ người yêu điện ảnh. Tuy nhiên, dù rất chu đáo trong công tác phòng dịch, cùng với liên tục đưa ra các gói khuyến mại giảm giá vé, bán vé kèm đồ uống, đồ ăn vặt, nhưng nhiều rạp phim vẫn báo lỗ, doanh thu không đủ để trả các chi phí hoạt động hàng ngày. Hiệp hội chiếu phim cho hay, doanh thu phòng chiếu kể từ khi dịch bùng phát lần 2 đến nay chỉ bằng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay, doanh thu chỉ đạt 35% so với cùng kỳ 2019 và đạt chưa đến 30% so với kế hoạch đề ra. 

Phim bom tấn Mulan có kinh phí sản xuất hơn 200 triệu USD phải tạm dừng phát hành vì dịch bệnh

Nhiều doanh nghiệp chiếu phim trong nước đang ở tình trạng rất cam go về tài chính. Doanh thu không có, thua lỗ kéo dài, mỗi tháng vẫn phải chi tiền tỷ cho các chi phí nuôi nhân viên, thuê mặt bằng, trả nợ ngân hàng…đang là gánh nặng đè lên vai các doanh nghiệp. So với các doanh nghiệp nước ngoài thuộc các tập đoàn lớn như CGV, Lotte, các doanh nghiệp chiếu phim của ta yếu hơn nhiều. Khả năng tài chính của doanh nghiệp nội không đủ mạnh để có thể “sống sót” qua dịch bệnh. Đại diện cụm rạp Cineplex cho biết, doanh thu tuy bằng không, nhưng mỗi tháng đơn vị vẫn phải thuê cả chục tỷ đồng cho các loại chi phí. Cụm rạp Galaxy cũng chi từ 5 đến 10 tỷ để duy trì các rạp chiếu. Cinestar và Beta cũng không sáng sủa gì hơn về khả năng tài chính. 

Hiện nay, các đơn vị chiếu phim trong nước chỉ chiếm 30% thị phần rạp chiếu phim trong toàn quốc, và với việc phải sống trong áp lực tài chính quá lâu, một vài doanh nghiệp đang nghĩ đến phương án xấu nhất là phá sản. Đây là một câu chuyện rất không hay, khi mà các doanh nghiệp nội không đứng vững thì sau đại dịch, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với thế mạnh của mình sẽ càng phình to hơn, chiếm lĩnh áp đảo thị trường chiếu phim trong nước. Khi đó, việc phát hành phim nội sẽ khó khăn trăm bề. Phim nội vốn đã chịu lép vế trước phim ngoại bấy lâu, nay sẽ càng bị o ép nhiều hơn về giờ chiếu, suất chiếu, phải chịu thua thiệt hơn nữa về tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất và đơn vị chiếu phim.

 

Kiều - một phim của điện ảnh Việt dự định ra mắt trong năm 2020.

Khó khăn này của các doanh nghiệp chiếu phim trong nước rất cần đến bàn tay điều tiết của nhà nước, của ngành văn hóa. Mới đây Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét về các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu, các nhà sản xuất và phát hành phim, bằng cách miễn thuế VAT, hoãn thuế thu nhập các nhân để doanh nghiệp có thêm tài chính bù lỗ cho các chi phí cố định vẫn phải duy trì cho các hoạt động của mình. 

Dịch bệnh đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề cho sản xuất và kinh doanh điện ảnh, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những đối sách cần thiết, phù hợp để duy trì các hoạt động của doanh nghiệp. Quan tâm đến điện ảnh ở cấp độ chiến lược, trong những giai đoạn khó khăn nhiều thách thức như hiện nay cũng chính là quan tâm đến việc giữ gìn, nuôi dưỡng, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Hiện nay, các đơn vị chiếu phim trong nước chỉ chiếm 30% thị phần rạp chiếu phim trong toàn quốc, và với việc phải sống trong áp lực tài chính quá lâu, một vài doanh nghiệp đang nghĩ đến phương án xấu nhất là phá sản. Đây là một câu chuyện rất không hay, khi mà các doanh nghiệp nội không đứng vững thì sau đại dịch, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với thế mạnh của mình sẽ càng phình to hơn, chiếm lĩnh áp đảo thị trường chiếu phim trong nước.

 Bình Nguyên