Kiện Khê (Hà Nam): Sự tàn sát thiên nhiên môi trường đẫm mồ hôi, tràn nước mắt

16:39 25/02/2022

Ai đó đã đến Thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) trước những năm 2005 thì không thể quên được một vùng quê Đồng bằng Bắc bộ yên bình, núi non hùng vĩ. Con người sống dựa vào thiên nhiên, môi trường xanh sạch với cánh đồng lúa ngút ngàn tầm mắt, những dãy núi đá vôi trùng điệp, đa dạng hệ sinh thái…

Cuối năm 2021, phóng viên có dịp trở lại Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Là miền quê vùng chiêm trũng nhưng nơi đây chẳng hề có vẻ yên bình mà trái lại, chúng tôi chứng kiến sự ngột ngạt, môi trường ô nhiễm, mờ mịt bụi. Gần như suốt ngày đêm, từng đoàn xe quá khổ quá tải chất đầy đá các loại, nối đuôi nhau quần thảo những con đường. Hàng chục quả núi bị nổ mìn tàn phá, tài nguyên bị tận thu, khai thác đến cạn kiệt.

Khu vực này của huyện Thanh Liêm là vùng đất tiếp giáp với huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), xưa kia cũng có vẻ đẹp “Vịnh Hạ Long cạn” với trùng điệp những ngọn núi đá vôi, ngút ngàn cây xanh. Thế nhưng, đến nay vùng “Vịnh Hạ Long cạn” này đã bị tàn phá nham nhở, vào những ngày khô ráo, bụi đá bao phủ mờ đặc cả một vùng rộng lớn! Những quả núi được khai thác tài nguyên đến cạn kiệt mà khi nhìn vào chúng ta sẽ tưởng tượng đến sự chảy máu của những vết thương trên cơ thể sống. 

Nổ mìn như thời chiến tranh

Tiểu khu Thanh Lâm thuộc thị trấn Kiện Khê chỉ cách trung tâm thị trấn khoảng hơn 1km. Tại đây, các doanh nghiệp khai thác tài nguyên làm vật liệu xây dựng sản xuất suốt ngày đêm, tiếng mìn nổ ì ùng như thời chiến tranh. Cả một không gian rộng lớn thường xuyên bị bụi đá như một lớp sương mù phủ mờ. Được biết, những năm qua UBND tỉnh Hà Nam đã cấp phép khai thác tài nguyên cho nhiều doanh nghiệp. Hàng loạt quả núi đồ sộ đã bị các những doanh nghiệp khai thác, san bằng!

Một trong nhiều doanh nghiệp đang hàng ngày

Một trong nhiều doanh nghiệp đang hàng ngày "góp sức" làm biến mất quần thể núi đá vôi tại Thị trấn Kiện Khê.

Những dãy núi bị đào khoét, khai thác nham nhở. Phía trên đỉnh chưa bị khai thác thì cây xanh cũng đang chết dần chết mòn vì bụi đá phủ dày. Hình ảnh chụp từ trên cao xuống cho thấy cảnh tượng “hùng vĩ” của một đại công trường khai thác thường xuyên và gấp rút. Sau mỗi loạt mìn nổ, “vết thương” ở những quả núi lại bị khoét sâu, đá ào ào rơi xuống, cây cối đổ rạp và bụi tung mù trời. Vẻ đẹp hùng vĩ của “Vịnh Hạ Long cạn” lại thêm một lần bị tàn phá không thương tiếc, dần dần biến mất.

Sau nhiều năm bị các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại thị trấn Kiện Khê chăm chỉ nổ mìn, vẻ đẹp hùng vĩ của vùng núi đá vôi rậm rạp cây xanh đã bị hủy diệt hoàn toàn. Hệ sinh thái xanh tại những dãy núi từng nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây gần như biến mất. Hình như các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã không lường hết những tác động nguy hại đến môi trường từ việc nổ mìn khai thác tài nguyên rầm rộ diễn ra nhiều năm qua. Phải chăng những đánh giá tác động môi trường, giấy phép khai thác khoáng sản… của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Nam vẫn chưa nhìn nhận được thấu đáo khi cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở thị trấn Kiện Khê.

Quá trình khai thác tận thu nhiều năm qua khiến vùng núi xanh trùng điệp nay trở thành nham nhở, hoang phế

Quá trình khai thác tận thu nhiều năm qua khiến vùng núi xanh trùng điệp nay trở thành nham nhở, hoang phế.

Qua tìm hiểu, ghi nhận của phóng viên tại thị trấn Kiện Khê và những vùng phụ cận thì số người có thu nhập nhờ vào các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không lớn. Ngược lại, cả một vùng rộng lớn người dân bị hành hạ bởi tiếng ồn, bụi đá, ô nhiễm môi trường. Đáng nói hơn nữa là diện tích sản xuất nông lâm nghiệp bị thu hẹp, bụi phủ quanh năm khiến cây trồng bị “bức tử”, chẳng thể phát triển. Diện tích đất xung quanh những khu mà doanh nghiệp khai thác khoáng sản hầu như không thể canh tác được do ảnh hưởng từ quá trình khai thác vận chuyển đất đá. Một người dân sống lâu năm tại đây chia sẻ với phóng viên: “Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Kiện Khê được hưởng lợi rất lớn nhưng hệ lụy đến đời sống, môi trường, công việc của người dân nơi đây là khôn lường. Chính quyền nên có cái nhìn sâu sắc, tính toán lâu dài để đem lại cuộc sống bền vững cho người dân. Chứ đối xử với thiên nhiên như thế này chắc ở Việt Nam cũng ít nơi nào làm!”.

Hệ quả khôn lường khi thiên nhiên bị tàn phá

Chia sẻ từ nhiều “phu làm đá” tại đây cho hay, họ vẫn chật vật với cảnh… ráo mồ hôi là hết tiền. Nghề khai thác đá có tỷ lệ rủi ro rất cao, hay xảy ra tai nạn lao động trong khi làm việc. Ảnh hưởng của bụi, tiếng ồn, công việc hàng ngày nặng nhọc khiến rất nhiều người bị mắc các bệnh liên quan đến thính giác, đường hô hấp... là không thể tránh khỏi. Tuổi làm việc của công nhân lao động trực tiếp khai thác đá cũng chỉ từ độ tuổi thanh niên đến trung niên sau đó sức khỏe suy giảm, họ sẽ không làm tiếp tục những công việc nặng nhọc, bắt buộc phải chuyển sang vị trí hoặc công việc khác. Vì vậy cuộc sống của họ rất bấp bênh, thu nhập chỉ đủ chi trả cuộc sống thường nhật. Khi chứng kiến hình ảnh người công nhân khai thác đá vất vả, mặt mũi phủ lớp bụi, quần áo đẫm mồ hôi, lấm lem… không thể không liên tưởng về một tiền đồ nhà “chị Dậu” trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Công việc làm công nhân mỏ đá để đổi lấy miếng cơm manh áo quả là nghiệt ngã.

Còn đâu màu xanh cây lá, sức sống mạnh mẽ như cây hoang, có dại cũng bị chết mòn vì bụi đá phủ dày

Còn đâu màu xanh cây lá, sức sống mạnh mẽ như cây hoang, có dại cũng bị chết mòn vì bụi đá phủ dày.

Mồ hôi của công nhân khai thác đá ở Kiện Khê cùng nước mắt của người dân nơi đây đã tồn tại nhiều năm. Nước mắt của người dân nơi đúng cả theo nghĩa bóng và nghĩa đen. Nước mắt vì khói bụi, ô nhiễm môi trường, đường sá xuống cấp khi phải ra khỏi nhà, cùng với những giọt nước mắt trong sâu thẳm vì chứng kiến một vùng quê thanh bình, thiên nhiên hùng vĩ gắn bó lâu dài bị ‘ngược đãi’. Tiếng nói khẩn thiết của người dân về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trong cuộc sống, cùng những hệ lụy trong khai thác tài nguyên phải chăng đã bị quyền lợi của doanh nghiệp, những lợi ích trước mắt trà đạp. Những thế hệ mai sau của mảnh đất này khi hỏi về những quả núi cánh rừng đẹp như tranh thủy mặc thì khi đó chúng ta sẽ trả lời ra sao? Khi tài nguyên bị khai thác đến cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, hệ sinh thái bị tàn phá thì con cháu người dân Kiện Khê sau này sẽ sống ra sao!? Câu hỏi này cơ quan báo chí cũng như người dân dành cho các cơ quan chức năng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Nam xem xét thấu đáo và trả lời!

Con đường để phát triển kinh tế hùng mạnh của mỗi quốc gia trên thế giới chắc chắn không phải là từ khai thác, bán khoáng sản thô mà kiếm tiền. Mà phải làm sao dựa vào thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên môi trường, hệ sinh thái để khai thác những giá trị vững bền phát triển kinh tế. Cũng những quả núi đá vôi với hệ sinh thái đa dạng mà ngày 23 tháng 6 năm 2014, tại cuộc họp của Ủy ban di sản Thế giới UNESCO diễn ra tại Doha, Qatar đã công bố, khu quần thể Tràng An (Ninh Bình) của Việt Nam đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Còn những núi đá vôi ở thị trấn Kiện Khê- Hà Nam thì sao? Điều đó là minh chứng rõ nét cho cách tư duy, phương pháp thực hiện là khác nhau của chính quyền địa phương, một bên đem lại hiệu quả bền vững, còn bên kia đem lại hiệu quả kinh tế trước mắt cùng những giá trị kém cỏi cho tương lai.

Doanhnghiephoinhap.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Khải Hoàn