Kiên Giang: Ứng dụng khoa học công nghệ cao trong phát triển sản xuất nông nghiệp

17:43 24/05/2021

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đời sống xã hội đạt nhiều kết quả, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, giai đoạn 2011 - 2020, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ của tỉnh tập trung trên 5 lĩnh vực: nông nghiệp, y dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, kết quả vượt trội là nghiên cứu khoa học và công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp, đã góp phần phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Đóng góp của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng kinh tế đo bằng chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) thì đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020 hơn 31%, tăng 5,4 % so với giai đoạn 2011 - 2015.

Tỉnh
Tỉnh Kiên Giang chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ cao trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Kiên Giang có diện tích đất nông nghiệp 574,4 ngàn ha, chiếm 16,9% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Diện tích đất trồng lúa 381,5 ngàn ha, diện tích đât lâm nghiệp khoảng 85,6 ngàn ha và diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản khoảng 28,4 ngàn ha. Tỷ trọng đóng góp các mặt hàng nông thuỷ sản chủ lực của tỉnh đối với vùng ĐBSCL cũng như của cả nước luôn duy trì ở mức khá cao. Cây trồng chính trên địa bàn tỉnh là cây lúa, đất trồng lúa chiếm tới 98,7% diện tích đất cây hàng năm và 85,4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tổng diện tích thả nuôi trồng thủy sản đạt 245.882 lượt ha mặt nước thả nuôi, với sản lượng thu hoạch đạt 225.888 tấn và sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 589.535 tấn.

Trong 10 năm qua, tỉnh triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp phát triển thế mạnh của địa phương. Trong đó, phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể địa phương, phát triển các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế biển của tỉnh. Qua đó, ngành chức năng ứng dụng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất vào thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. 

Trong lĩnh vực chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao thì lĩnh vực có thế mạnh và được cả nước biết đến là sản xuất tôm giống. Toàn tỉnh có khoảng 146 cơ sở sản xuất giống, bao gồm 20 cơ sở sản xuất giống tôm sú, 02 công ty sản xuất giống tôm chân trắng, 01 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh, 123 cơ sở sản xuất giống cua biển và 185 cơ sở ương, dưỡng giống thủy sản. 

Quy trình sản xuất tôm giống hầu hết tại các cơ sở sản xuất là quy trình sản xuất hiện đại bằng công nghệ vi sinh không có kháng sinh. Sử dụng các chế phẩm vi sinh được phân lập và lựa chọn từ những chủng vi khuẩn có lợi, có các hoạt tính enzyme kháng khuẩn mạnh nhưng lành tính, không gây hại cho người và vật nuôi, ứng dụng sự cạnh tranh sinh học để quản lý tốt chất thải của vật nuôi, hạn chế vi khuẩn gây hại, làm ổn định chất lượng nước, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho tôm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quy trình này được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá là công nghệ sản xuất tôm giống an toàn và có chất lượng cao. Do đó có thể xem các cơ sở này là cơ sở sản xuất tôm giống công nghệ cao.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1 Trung tâm giống có năng lực nghiên cứu chọn tạo và kinh doanh, có khả năng cung cung ứng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận các loại giống cây trồng vật nuôi như: Trung tâm Giống Nông Lâm Ngư nghiệp Kiên Giang hàng năm lai tạo và cung ứng chọ thị trường hàng trăm tấn lúa giống có khả năng chống chịu chịu phèn mặn cao như giống GKG1, GKG5, GKG9, GKG29, GKG30, GKG,34,… Đây là những giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, cứng cây, năng suất cao, chất lượng gạo ngon và chống chịu mặn tốt.

Mô hình nuôi tôm kết hợp với xen canh trồng lúa không chỉ là mô hình nuôi trồng thủy sản mới của Kiên Giang mà còn được xem là một tiến bộ vượt bật trong lĩnh vực nuôi trông thủy sản của vùng đất bị nhiễm phèn mặn của cả nước tập trung ở các huyện ven biển như huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận. Đa số các hộ nuôi đều có diện tích nuôi trên 1 ha và nuôi đạt hiệu quả, năng suất tôm nuôi bình quân đạt khoảng từ 380-500kg/ha. Nếu so với trước đây khi độc canh cây lúa, thì việc chuyển sang nuôi tôm – lúa đã giúp người dân tăng lợi nhuận lên gấp 2-3 lần. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn triển khai nhiều mô hình nuôi thuỷ sản áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh theo hình thức ao lót bạt đáy – hai giai đoạn, bước đầu đã cho năng suất cao gấp 5,2-12,8 lần so với cách nuôi truyền thống, mô hình này sẽ còn mờ rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Trung Sơn (Kiên Lương); vùng sản xuất lúa sạch và lúa hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Kiên Giang (Hòn Đất) và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Trung Sơn (Kiên Lương), tạo điều kiện cho tỉnh tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh tập trung các giải pháp đột phá nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ sinh học trên nguyên tắc ứng dụng đồng bộ giải pháp khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, cơ giới hóa, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ về kinh phí, xây dựng chương trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Ngành chức năng tiếp tục đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới bằng phương pháp nuôi cấy túi phấn, ứng dụng công nghệ tế bào như phát triển kỹ thuật nuôi cấy hạt phấn để rút ngắn quá trình tạo dòng thuần, kết hợp thanh lọc mặn các dòng lúa ở giai đoạn mô sẹo để chọn ra các dòng tái sinh có khả năng chống chịu mặn cao. Ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu và tối ưu hóa quy trình kỹ thuật nuôi cấy các đối tượng cây trồng như: Cây chuối, hoa lan, hoa kiểng các loại… Nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống năng suất cao, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu đối với các cây trồng chủ lực theo định hướng xuất khẩu như lúa, cây ăn quả… Tập trung nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ tạo giống bố mẹ và kỹ thuật nhân giống một số giống nông nghiệp chủ lực sạch bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các quy trình thâm canh tổng hợp, quản lý sâu bệnh phục vụ sản xuất các đối tượng cây trồng chủ lực tiềm năng của tỉnh. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chức năng thực hiện các dự án, đề tài liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học công nghệ vào sản xuất giống các loài thủy sản trọng tâm như: Tôm càng xanh toàn đực, giống các loại cá biển; nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản năng suất, chất lượng cao theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả.

PV