Kiên Giang: Triển khai sẵn sàng ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều

17:18 23/07/2021

Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa triển khai một số biện pháp nhằm sẵn sàng ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão 2021.

Năm 2020, hàng trăm căn nhà bị sập và tốc mái trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Năm 2020, hàng trăm căn nhà bị sập và tốc mái trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tốt với các địa phương để triển khai công tác bảo vệ sản xuất về cây trồng, vật nuôi, thú y; vận hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây. Chỉ đạo kiểm tra, chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống lũ cho sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông 2021, nhất là ở khu vực tập trung thoát lũ thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, những vùng đê bao xung yếu, chưa đảm bảo; đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các công trình thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Phối hợp các địa phương trong vùng lũ đánh giá khả năng đảm bảo an toàn của các tuyến bờ bao; triển khai sớm việc tu bổ, gia cố bờ bao bảo đảm bảo vệ an toàn cho sản xuất, đề phòng lũ lớn và chủ động huy động nguồn lực để ứng phó kịp thời. Tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục; đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sửa chữa giai đoạn 2 hồ chứa nước Dương Đông, thành phố Phú Quốc (dự kiến tháng 08/2022 hoàn thành đưa vào sử dụng); đồng thời, kiểm tra giai đoạn sửa chữa, đánh giá hiện trạng công trình trong tháng 9/2021 và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là việc chuẩn bị trên thực tế theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị theo phương án được duyệt; trong đó, lưu ý rà soát có phương án phù hợp với diễn biến, yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp đối với tình huống xuất hiện lũ lớn, lũ vượt tần suất thiết kế. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải sẵn sàng phương án sơ tán, đảm bảo an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ở bãi sông khi xảy ra lũ lớn; xác định phương án di dân khẩn cấp trong trường hợp xảy ra lũ lớn vượt tần suất thiết kế (vượt khả năng đảm bảo chống lũ của hệ thống đê). Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, tổ chức giải tỏa, thanh thải các bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng trái phép ở bãi sông, lòng dẫn để đảm bảo không gian thoát lũ, chứa lũ. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông thủy, khai thông dòng chảy trước mùa mưa lũ, kiểm soát an toàn giao thông ở các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc khi có sự cố thiên tai do lũ. Phối hợp với lực lượng Công an, các địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm, nhất là đối với các bến phà, đò ngang sông. Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra sửa chữa cơ sở trường, lớp trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh trong khu vực vùng lũ. Phối hợp các cơ quan, đoàn thể triển khai các điểm giữ trẻ khi có tình huống lũ lớn xảy ra. Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng mới, nâng cấp, kiên cố hóa trường, lớp vùng ngập lũ, vùng ven biển.

Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Báo Kiên Giang phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Khí tượng - Thủy văn Kiên Giang trong việc đưa thông tin chính xác, kịp thời về tình hình diễn biến mưa lũ và các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền đến các ngành, địa phương và nhân dân biết để triển khai các biện pháp phòng, chống, đối phó kịp thời, có hiệu quả. Đưa tin phản ánh kết quả công tác phòng, chống thiên tai ở các ngành, địa phương. Chi cục Thủy lợi (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh) thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, chế độ báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình lũ đê chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả công tác hộ đê, ứng phó với lũ lớn xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các lực lượng thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê, hồ chứa nước. Đảm bảo thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời khi có cố xảy ra về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Thủy lợi). Kiểm tra, gia cố đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ đối với các bờ cụm, tuyến dân cư. Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất lúa vụ Hè Thu, Thu Đông, vườn cây, rau màu, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn trong mùa lũ, nhất là những vùng trũng, thấp thường bị ngập úng cục bộ. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về nguy cơ xảy ra lũ lớn đến chính quyền và người dân, tránh tư tưởng lơ là, chủ quan.

Trần Hà

Tags: