Kiên Giang: Thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

10:47 20/07/2021

6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Kiên Giang đã được công nhận thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số 90/116 xã nông thôn mới. Đến nay, tỉnh đã có 3 huyện nông thôn mới là Tân Hiệp, Giồng Riềng và Gò Quao. Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung triển khai nguồn vốn đã được phân bổ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường, trạm y tế.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kiên Giang thực hiện mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, vận động nhân dân thực hiện các công trình thắp sáng đường quê, làm hàng rào, cột cờ, hố rác, nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường trong sinh hoạt đời sống, sản xuất. Trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới năm 2021, tỉnh đầu tư xây dựng 440 km đường giao thông nông thôn, gồm xây dựng mới 240 km, nâng cấp và mở rộng 200 km với kinh phí khoảng 440 tỷ đồng, nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh cứng hóa khoảng 6.370 km, đạt hơn 66%. Đầu tư điện nông thôn 13 công trình trên địa bàn gồm: Cải tạo đường dây trung thế 22,8 km và đường dây hạ thế 200 km, tổng dung lượng trạm biến áp cải tạo 19.440 kVA, tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng, phục vụ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Mặt khác, đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, toàn tỉnh hiện có 54 trạm cấp nước và 2 hồ chứa nước Dương Đông (Phú Quốc), An Sơn (Kiên Hải) cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 71.538 hộ dân, đạt tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh hơn 98%, trong đó nước sạch 61%. Ngoài ra, tỉnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án vệ sinh môi trường nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sống cho người dân.

Kiên Giang
Kiên Giang tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là ngành chức năng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển hợp tác xã, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, tỉnh có 433 hợp tác xã nông nghiệp với các hình thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với hơn 32.250 thành viên, tổng diện tích sản xuất khoảng 54.100 ha. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong 6 tháng đầu năm tỉnh có 30/48 sản phẩm đăng ký ban đầu đạt chuẩn OCOP 3 - 5 sao. Tỉnh dự kiến nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 hơn 456 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương phân bổ, ngân sách tỉnh và huy động những nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, tỉnh phấn đấu 6 tháng cuối năm 2021, công nhận thêm ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Kiên Bình và Bình Trị của huyện Kiên Lương, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh trình Trung ương thẩm định, công nhận 2 huyện Vĩnh Thuận và Kiên Lương đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Hà Tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tỉnh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 99%, nước sạch đạt 62%, giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% so với năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90%... Tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các xã, huyện đã đạt chuẩn và triển khai thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn. Cùng với đó, các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện nguồn vốn đã được phân bổ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng năm 2021, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình về giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, điện, trường học, trạm y tế, môi trường… Tiếp đến, từ nguồn vốn sự nghiệp, các địa phương đầu tư cho các mô hình kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phù hợp với địa phương mang lại hiệu quả, có tính nhân rộng gắn với với chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình OCOP và phát triển nghề truyền thống, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh lũy kế có 116/116 xã đạt chuẩn NTM; ít nhất 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 10 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có một huyện trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao (Tân Hiệp đạt chuẩn NTM nâng cao). Trong thời gian tới, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc BCĐ các cấp; làm tốt công tác, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình xây dựng NTM. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “chung sức xây dựng NTM”; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM. Đa dạng các nguồn vốn huy động xây dựng NTM. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Chương trình. Giao nhiệm vụ cho văn phòng Điều phối NTM tỉnh: Là cơ quan thường trực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo NTM của tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai toàn diện các nội dung Chương trình trong giai đoạn 2021-2025. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh xây dựng hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chương trình; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng NTM; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ xây dựng NTM theo kế hoạch hàng năm. Hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện các nội dung Chương trình theo kế hoạch. Hàng quý, hàng năm tổng hợp tiến độ, kết quả xây dựng NTM và tham mưu xây dựng các báo cáo sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố tổng hợp, đề xuất kế hoạch vốn 5 năm và hàng năm để triển khai thực hiện Chương trình, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua.

Trần Hà