Kiên Giang: Nông dân vẫn xuống giống sớm vụ Hè Thu trong tình hình khô hạn

08:49 23/03/2021

Ngày 22/3, thông tin từ UBND tỉnh Kiên Giang cho hay hiện nhiều nông dân đã xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu 2021 trong tình hình khô hạn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo nên hạn chế sản xuất lúa vụ Hè Thu ở những vùng thường xuyên chịu hạn hán và xâm nhập mặn, vì nông dân có thể trắng tay bất cứ lúc nào. Bên cạnh nguy cơ thiếu nước tưới do ảnh hưởng khô hạn, nước mặn xâm nhập đồng ruộng thì rơm rạ sau thu hoạch vụ lúa trước đó không đảm bảo phân hủy, dễ gây ngộ độc hữu cơ, sâu, bệnh có khả năng phát sinh gây hại các trà lúa. Do đó, chỉ có thể trồng tập trung ở các vùng có đê bao khép kín thuộc khu vực đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp hay Long An để bảo đảm năng suất cao và bán được giá tốt.

Hiện đã có trên 11.000 ha xuống giống, chủ yếu tập trung ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, hiện lúa đang ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang dự báo, diện tích gieo sạ sớm sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những ngày tới. Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, cho biết, trong năm 2021, các xã thuộc huyện U Minh Thượng tiếp tục gieo sạ lúa vụ Hè Thu nhưng chỉ có hơn 589 ha. Thế nhưng, trong lúc nông dân đang hứng khởi thu hoạch vì giá lúa đang ở mức cao nhất từ trước đến nay thì khoảng 150 ha lúa không thể "đứng vững" vì bị nhiễm mặn, ước thiệt hại từ 30%-70%. 

Nông dân
Nông dân xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu 2021 trong tình hình khô hạn.

Được biết, nguyên nhân nông dân xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu 2021 là do giá lúa trên thị trường đang ở mức khá cao, lợi nhuận sản xuất cũng khá cao. Cụ thể, tùy theo loại và chất lượng, lúa thường (tươi) có giá 6.300-6.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao (tươi) có giá 6.600-7.000 đồng/kg. Do đó, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nông dân vừa thu hoạch xong lúa Đông Xuân là tiến hành làm đất ngay để gieo sạ lúa vụ tiếp theo. "Do áp lực phải bỏ đất trống gần 6 tháng nên bà con cũng không cam tâm. Hơn nữa, với giá lúa đang đứng ở mức cao so với từ trước đến nay nên nhiều người làm liều để hy vọng kiếm thêm thu nhập mà bất chấp các khuyến cáo của ngành chức năng", ông Trung giải thích.

Trần Hà