Kiên Giang: Chú trọng khai thác, thúc đẩy nghề nuôi biển

12:24 08/11/2021

Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang có 7.500 lồng nuôi biển, trong đó nuôi cá lồng truyền thống 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 1.900 lồng, nuôi thủy sản khác 900 lồng. Diện tích mặt nước nuôi lồng 7.000 ha (nuôi trai ngọc 100 ha), nuôi nhuyễn thể 24.000 ha. Sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn, trong đó nuôi lồng bè 29.870 tấn, nuôi nhuyễn thể 83.660 tấn và ngọc trai 260.000 viên. Giá trị sản xuất đạt 7.546 tỷ đồng, thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển 18.510 người.

Kiên Giang chú trọng khai thác, thúc đẩy nghề nuôi biển
Kiên Giang chú trọng khai thác, thúc đẩy nghề nuôi biển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh phân vùng nuôi biển đối với vùng hải đảo bao gồm: Thành phố Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải và các xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên), Sơn Hải và Hòn Nghệ (Kiên Lương). Vùng này phát triển nuôi cá lồng bè như: Cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng, cá chẽm… và nuôi thủy sản khác như: Tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, trai ngọc… Vùng ven biển bao gồm: Thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh và An Biên, phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể như: Sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, hàu…Phát triển nuôi biển thành lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Chuyển đổi các mô hình nuôi biển quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần chú trọng các hình thức liên kết, hợp tác giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trong phát triển nuôi biển; đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, tỉnh Kiên Giang còn khai thác tiềm năng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả mặt nước nuôi biển nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng quy mô, năng suất, sản lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển, hải đảo, giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ, ảnh hưởng môi trường sinh thái, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, mặt nước nuôi biển, cơ chế chính sách để đẩy mạnh sản xuất thu hút các nhà đầu tư vào nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, các chính sách tín dụng ưu tiên, ưu đãi, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất

Trong tháng 10/2021, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của tỉnh Kiên Giang ước tính đạt 28.649 tấn, tăng 25,36% so với tháng trước, tăng 6,92% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng tăng so với tháng trước chủ yếu là do tăng sản lượng cá các loại và thủy sản khác. Tính chung 10 tháng, ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch 230.815 tấn, đạt 79,87% kế hoạch năm, tăng 1,62% (tăng 3.673 tấn) so cùng kỳ năm trước.

Trần Hà