Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công

22:30 24/11/2021

Trong khuôn khổ thực hiện tổng kết Báo cáo đánh giá chi tiêu công 2014, Bộ Tài chính đã có đánh giá kết quả thực hiện quản lý nợ công và rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2016-2020, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.

Theo Bộ Tài chính, công tác vay, trả nợ công 5 năm (2016-2020) được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi sau những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, vào năm cuối giai đoạn, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng, làm cho kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, dự báo hậu quả có thể kéo dài nhiều năm. Việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia. NSNN được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn. Đầu giai đoạn này, Việt Nam về cơ bản đã theo đuổi thành công chính sách củng cố tài khóa, kiểm soát tốt hơn tình hình nợ công, nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh, nhờ đó giảm áp lực nợ công so với GDP và tạo dư địa đáng kể trong việc huy động thêm nguồn lực cho đầu tư công trên nền tảng vững chắc hơn.

Hình minh họa
Hình minh họa.

Ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ huy động 1.812 nghìn tỷ đồng vốn vay, đạt 82,7% kế hoạch, bình quân khoảng 362 nghìn tỷ đồng/năm, giảm 3,5% so với giai đoạn 2011-2015, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Về cơ cấu nợ Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã ký kết 116 hiệp định vay với tổng trị giá gần 13 tỷ USD, trong đó tập trung vào vay từ Ngân hàng thế giới (WB) (chiếm khoảng 34,3%), vay từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) (khoảng 29,4%), vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) (khoảng 17,3%). Trị giá ký kết chỉ bằng khoảng 49% giai đoạn 2011-2015. Về lãi suất, các khoản ký kết mới có lãi suất dưới 3% vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Với việc theo đuổi chiến lược huy động vốn chủ yếu từ nguồn trong nước, tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 39,1% năm 2011 lên 60,1% năm 2016 và 64,8% tổng dư nợ của Chính phủ cuối năm 2020. Rủi ro tỷ giá đã giảm xuống với việc các khoản vay bằng đồng Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng cao (từ 55% tổng dư nợ Chính phủ vào cuối năm 2015 lên 63,4% vào cuối năm 2020).

Về dư nợ được Chính phủ bảo lãnh, trong giai đoạn 2016-2020, hai ngân hàng chính sách phát hành được 138,9 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% so với nghĩa vụ trả nợ gốc và giảm 37,3% so với giai đoạn 2011-2015. Đối với bảo lãnh Chính phủ cho các DN vay trong và ngoài nước, trong 5 năm qua, Chính phủ không cấp bảo lãnh cho các khoản vay trong nước và chỉ cấp bảo lãnh cho 3 dự án vay nước ngoài thông qua 5 khoản vay cho ngành điện. So với giai đoạn 2011-2015, tổng trị giá Chính phủ cấp bảo lãnh giai đoạn 2016-2020 đã giảm hơn 8,1 lần. Nhìn chung, các DN và ngân hàng chính sách đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản vay hoặc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo cam kết với các chủ nợ. Song song với việc trả nợ đến hạn, tái cơ cấu nợ chủ động thông qua trả nợ trước hạn cũng được thực hiện.

Đánh giá kết quả đạt được, ông Võ Hữu Hiển cho hay, các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2016-2020, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và bồi đắp dư địa chính sách tài khóa. Theo đó, nợ công từ mức 63,7% GDP của năm 2016 đã giảm xuống mức 55,9% GDP vào năm 2020. Cùng với đó, Việt Nam đã huy động được khối lượng vốn lớn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm. Đồng thời, thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo nghĩa vụ nợ theo cam kết với chủ nợ, đảm bảo uy tín của quốc gia.

Ông Võ Hữu Hiển cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016-2020, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vay về cho vay lại có nhiều cải thiện; khuôn khổ pháp lý, chính sách về quản lý nợ công được hoàn thiện. Việc huy động vốn dưới hình thức trái phiếu đã góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường TPCP, gắn công tác phát hành TPCP với tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ. Cùng với đó, việc kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công đã góp phần củng cố và tạo dư địa cho chính sách tài khóa, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Theo TCHQ