Kịch bản nào cho tăng trưởng

00:00 12/10/2020

Có thể thấy việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng một số chỉ số kinh tế vĩ mô là điều không tránh khỏi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc bàn tới các kịch bản đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch cũng là điều cần thiết trong thời điểm này.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%

Nền kinh tế đang ngấm dần dịch Covid-19, từ sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng và đầu tư đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các dự báo về tốc độ tăng GDP năm 2020 của Việt Nam do các tổ chức quốc tế đưa ra cứ thấp dần đi: dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á là 4,8%, của Ngân hàng Thế giới là 4,9% và của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 2,7%. Dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong nước cũng cho thấy “mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được”.

Chẳng hạn trong kịch bản 1 mà Tổng cục Thống kê vừa đưa ra mới đây, nếu như dịch Covid-19 trong nước được khống chế trong quý II thì tăng trưởng GDP cả năm ở mức trên 5% (giảm 1,47% so với dự báo trong điều kiện bình thường). Còn với kịch bản 2 là dịch kéo dài sang đến quý III, tăng trưởng GDP cả năm vẫn ở mức trên 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1 (giảm 1,77% so với tốc độ dự báo trong điều kiện bình thường).

Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng, trong đó với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP cả năm vào khoảng 4,81- 5,01%. Còn với kịch bản tích cực, GDP cả năm tăng 5,4-5,6%. Tuy nhiên ở kịch bản tiêu cực, GDP cả năm 2020 chỉ tăng 4,07%-4,42%.

Ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn. Theo cơ quan này, nếu được khống chế trong quý II thì tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,32%; còn nếu dịch kéo dài hết đến quý III, dự báo GDP chỉ tăng 5,05%.

Có thể thấy ở mọi dự báo đều cho thấy không thể đạt được mục tiêu GDP tăng 6,8%. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói đến việc phải nghiên cứu và cân nhắc việc có hay không đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, đã đến lúc cần phải đề xuất Quốc hội cho điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

Các chỉ tiêu vĩ mô cũng cần điều chỉnh

Do tăng trưởng GDP là mắt xích chính trong chuỗi các mắt xích quan trọng của nền kinh tế, liên quan chặt chẽ đến các cân đối lớn của nền kinh tế nên việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cũng sẽ là điều chỉnh cả các cân đối lớn. “Không chỉ là mục tiêu tăng trưởng, các chỉ tiêu khác cũng cần điều chỉnh vì thực trạng kinh tế vĩ mô của đất nước đã chuyển sang trạng thái mới và khác nhiều so với kế hoạch dự kiến đầu năm”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145 nghìn tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh...

Có thể thấy việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng một số chỉ số kinh tế vĩ mô là điều không tránh khỏi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc bàn tới các kịch bản đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch cũng là điều cần thiết trong thời điểm này. Nói như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết. Các kịch bản như phác đồ điều trị, giải pháp là các liều thuốc cần có.

Cách lựa chọn kịch bản của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư là trên tinh thần xác định Covid-19 gây thiệt hại lớn với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.

Với tinh thần đó, trước tiên là kiểm soát dịch thành công. Tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bước đi này vừa gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.

Tinh thần của Bộ trưởng Dũng là “Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát”. Vì vậy cần hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực DN trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới và đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.

Tuy nhiên PGS.TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, việc đưa ra kịch bản nào phải trên cơ sở đánh giá cho đúng sức chống chịu của nền kinh tế, sức chống chịu của ngân sách, sức chống chịu của DN và cả của người dân. Bài toán rất rõ ràng là càng triệt để chống dịch, các mạch sản xuất bị chia cắt càng lâu, chi phí bỏ ra để khắc phục càng lớn. “Có biết được sức chịu đựng của DN, của ngân sách và nền kinh tế đến đâu mới xác định được kịch bản xác thực và có được giải pháp phù hợp”, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ DN hiện nay, vị chuyên gia này cho rằng, các giải pháp tiền tệ chỉ giải quyết tình thế bức bách, chứ không giải quyết tận gốc các vấn đề về sản xuất, kinh doanh của DN. Nhưng giải pháp tài khóa thì phải xem đến sức chống chịu của ngân sách. Ngân sách cho hoãn thuế được bao lâu, có thể cho miễn được không? Nếu miễn thuế thì sẽ có cách nào để bù lại trong khi ngân sách còn phải gánh rất nhiều khoản cần chi.

Về phía DN, không thể cứ trông chờ vào Chính phủ, vào các biện pháp hỗ trợ của ngân hàng mà bản thân các DN, hiệp hội DN cũng phải xây dựng kịch bản cho chính ngành mình, DN mình. Vì tác động của dịch bệnh đối với từng ngành, từng DN khác nhau, mạnh yếu khác nhau, nên cách đứng dậy cũng sẽ khác nhau.

Tri Nhân