Nhiều bất cập

Để kịp trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9 sắp diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật này.

Không “trói chân” doanh nghiệp bảo hiểm
 

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại phiên thẩm tra. Ảnh: Quốc hội

Sau 20 năm triển khai, theo Bộ Tài chính, một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự (không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm). Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện quy định nguyên tắc đối với phần lớn các chính sách trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nên đôi khi thiếu căn cứ hoặc có những khó khăn nhất định khi thực tế phát sinh như: thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...

Theo Bộ Tài chính, hiện thị trường bảo hiểm có 73 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Đến cuối năm 2020, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Hiện có khoảng 11,9 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không. Hiện có khoảng 2.894 sản phẩm bảo hiểm. Giai đoạn 2000-2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm 340.000 tỷ đồng...

Các chính sách đối với doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa theo kịp với thông lệ quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu, chưa có yêu cầu bắt buộc về quản trị rủi ro...

Từ thực tế trên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật với các văn bản quy phạm pháp luật khác; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng...

Không làm khó doanh nghiệp

Gợi mở về hướng sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh bảo hiểm có thể gia nhập thị trường và kinh doanh, để vừa phòng ngừa rủi ro, vừa làm lành mạnh môi trường đầu tư...

Không “trói chân” doanh nghiệp bảo hiểm
 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dự thảo Luật còn quy định tương đối sơ sài về bảo hiểm vi mô. Ảnh: Quốc hội

“Dự án Luật này điều chỉnh lĩnh vực chuyên ngành, phức tạp, trong bối cảnh thị trường phát triển đa dạng cần quy định theo hướng hài hòa lợi ích các bên, không trói chân doanh nghiệp, không làm khó doanh nghiệp bằng những quy định liên quan đến thủ tục, giấy phép, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Cũng cần khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm...”, ông Hải định hướng.

Nhìn nhận dự thảo Luật còn quy định tương đối sơ sài về bảo hiểm vi mô, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ, đánh giá toàn diện việc thí điểm triển khai bảo hiểm vi mô, có định hướng rõ ràng để đưa ra quy định phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, an toàn...

Theo kế hoạch, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ngay tại phiên họp tháng 9 sắp diễn ra, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng tháng 10/2021./.