Không thay đổi tư duy, doanh nghiệp sẽ tự biến mình thành “thức ăn“

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp giữ mô hình sản xuất cũ, sẽ tụt hậu và bị đào thải bởi các chuỗi giá trị mới đang hình thành và phát triển do tác động của công nghệ.

Theo giới chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 đang sản sinh ra hàng loạt các khái niệm mới từ hạ tầng, tư liệu sản xuất, lực lượng sản xuất, hệ sinh thái khách hàng... hình thành và phát triển nên các chuỗi giá trị mới hay gọi chung là nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ.

 Tọa đàm "Kinh tế số" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2018 (Vietnam ICT Summit 2018).

(Ảnh: Vân Anh).

Trong nền kinh tế số, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các doanh nghiệp truyền thống hay doanh nghiệp vẫn cố bám giữ mô hình sản xuất cũ không phải là các doanh nghiệp truyền thống khác, mà là lớp doanh nghiệp công nghệ kinh doanh lĩnh vực truyền thống. Những ví dụ có thể điểm ra hàng loạt đó là Uber, Grab trong kinh doanh vận tải hành khách, Airbnb trong kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ hay các công ty Fintech...

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT nhận định, nếu doanh nghiệp truyền thống vẫn cố bám giữ mô hình sản xuất cũ mà không thích nghi, chuyển đổi sẽ tụt hậu và bị đào thải bởi các chuỗi giá trị mới đang hình thành và phát triển do tác động của công nghệ.

"Khác với những cuộc cách mạng trước đây, cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với tốc độ cực nhanh, doanh nghiệp truyền thống buộc phải có cuộc chuyển đổi mạnh bằng cách công nghệ hóa trong mọi khâu từ quản lý đến sản xuất, bằng không sẽ bị đào thải", ông Phan Thanh Sơn nhấn mạnh.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT. (Ảnh: Vân Anh).

Theo ông Tindaro Danze, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban Nhà máy số Siemens Việt Nam, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ với mỗi phát minh ứng dụng mới chỉ mất một vài tháng đã lan ra toàn thế giới thay vì hàng chục năm như những làn sóng trước.

"Doanh nghiệp làm chủ các công nghệ thời 4.0, nhất là doanh nghiệp hiện diện đa quốc gia sẽ đè bẹp các doanh nghiệp đơn quốc gia nhờ khả năng hút vốn đến hàng tỷ USD và hệ sinh thái đa dịch vụ", ông Danze phân tích.

Ông Danze nêu ví dụ Amazon hay Alibaba là những doanh nghiệp đã đưa ra các khái niệm bán lẻ mới, từ online xuống offline và trực tiếp mở các siêu thị vật lý kiểu mới đe dọa sự tồn vong của các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cũng cho rằng, các doanh nghiệp truyền thống ngày càng mất đi khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp trẻ ứng dụng công nghệ.

"Nguy cơ này còn đến với từng cá nhân với khái niệm "thất nghiệp tuổi 35" khi lao động truyền thống, lao động chân tay bị loại dần vì không cạnh tranh được với lớp lao động trẻ nắm được công nghệ hoặc sẽ bị thay thế bằng máy móc trong tương lai không quá xa", ông Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Robot, máy móc sẽ dần thay thế lao động truyền thống, lao động chân tay trong tương lai. (Ảnh minh họa: KT).

Kinh tế tri thức với hình ảnh các tỷ phú công nghệ tự thân và top 5 doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất thế giới hiện nay đều là các công ty công nghệ. Ngoài quy mô giá trị thị trường, mức độ ảnh hưởng của các công ty đó không chỉ gói gọn ở địa phương hay quốc gia nào, mà đã tác động lên nhiều quốc gia và nền kinh tế.

Đó chính là minh chứng rõ nhất về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 lên mọi mặt của cuộc sống và thể hiện rõ nhất qua nền kinh tế thế giới.

"Trong kỷ nguyên kinh tế số, các doanh nghiệp truyền thống ở tình thế bất lợi như một quả trứng. Nếu chuyển đổi thành công sẽ phá vỡ được "lớp vỏ" để thành con gà. Nếu không, họ sẽ thành "món ăn" ngon cho "kẻ" làm chủ công nghệ", ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thực sự diễn ra và là một cuộc chơi với quy luật hoàn toàn mới, trong đó, "cá nhanh nuốt cá chậm". Doanh nghiệp ngồi chờ sẽ không thể thành công.

Vân Anh/VOV.VN