Không chủ quan với dịch covid, tăng đà phát triển kinh tế

00:00 12/10/2020

Song song với phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo đà hồi phục cho các doanh nghiệp cũng cần được phải được duy trì.

Sau 100 ngày Việt Nam không có thêm ca mắc SARS CoV-2, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, nhưng từ ngày 25/7 đến nay, việc phát hiện thêm một số ca bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã khiến tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp. Tại phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 ngày 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bằng những biện pháp mạnh mẽ, không để bất ngờ xảy ra trên địa bàn cả nước; bằng mọi biện pháp không để virus lan rộng tại Đà Nẵng và các địa phương khác.

Cùng với việc phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh với những yếu tố phức tạp mới, việc tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo đà hồi phục cho các doanh nghiệp sau thời gian cách ly xã hội trước đây cũng cần được phải được duy trì, đề phòng cao nhất khả năng tái phát dịch có thể xảy ra là những ý kiến được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trong thời điểm này.

Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, cụ thể là ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi không phải là bất ngờ và Việt Nam đã có những dự liệu từ trước, Chính phủ cũng đã có cảnh báo. Thậm chí ngay trong thông điệp khi khôi phục lại nền kinh tế, Chính phủ, Đảng, Nhà nước đã đưa ra mục tiêu kép là vừa phải ưu tiên phòng, chống dịch bệnh vừa đồng thời phát triển kinh tế. Sự xuất hiện trở lại của Covid-19 đã làm dấy lên sự căng thẳng và khẩn trương của tinh thần đó.

Tạo điều kiện cho DN hồi phục sản xuất kinh doanh cũng là yêu cầu lớn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ông Phong cho rằng, từ giờ đến cuối năm cũng như thời gian tới, trong khi chờ đợi vaccine hiệu quả để chống đại dịch, việc phát triển kinh tế vẫn phải thực hiện đúng thời điểm chỉ đạo của Thủ tướng, đó là ưu tiên chống dịch bệnh như mục tiêu tối thượng, song song với đó là tìm kiếm các cơ hội để phát triển kinh tế.

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh hiện nay, để phát triển kinh tế, bên cạnh việc khai thác gói hỗ trợ của Chính phủ về tài chính, tiền tệ tín dụng cũng như các gói hỗ trợ khác đã đang và sẽ có tới đây, các doanh nghiệp cần chủ động tự cứu mình thông qua việc xem xét lại hoạt động kinh doanh để điều chỉnh phù hợp với tình hình thị trường, nhất là thị trường nước ngoài đang bị đóng băng, còn thị trường trong nước thì đang có sự chuyển dịch với động thái mới này.

Bên cạnh đó, gia tăng sớm các phương án tích cực đối phó như các hoạt động kinh doanh làm việc từ xa, tại nhà hoặc là phi tiếp xúc truyền thống. Cần điều chỉnh hợp đồng với các đối tác để tránh những tranh chấp có thể xảy ra gây thiệt hại cho doanh nghiệp;  các địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như có kế hoạch liên kết với các tỉnh bạn, kết hợp với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để từ đó có phương án chủ động hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Phong cho hay, hiện nay, chưa có đánh giá ban đầu về những khó khăn trong việc phục hồi kinh tế của đại dịch quay trở lại lần này, chắc chắn sẽ để lại hệ lụy rất tiêu cực và gây ra tâm lý khá nặng nề cho doanh nghiệp, người dân.

“Công tác kiểm soát dịch bệnh của chúng ta mặc dầu đã có một số những thành tựu cũng như kinh nghiệm nhưng các phương tiện y tế thực tế đang rất thiếu, ví dụ Kít thử nghiệm… Như vậy, có thể làm lây lan nhanh hơn các con bệnh trong cộng đồng,  ảnh hưởng nhiều hơn tới các chính sách xã hội, đây sẽ là một thách thức đối với hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế mới được phục hồi khoảng 2 tháng nay. Ngoài ra, chi phí đầu tư của các doanh nghiệp chưa thể thể phục hồi thì đã bị gián đoạn, đây cũng là khó khăn mà doanh nghiệp phải gánh chịu trong thời gian tới nếu dịch bệnh lây lan trên diện rộng”, ông Phong lưu ý. 

Do dịch Covid-19 quay trở lại là điều không ai mong muốn, ông Phong đưa ra lời khuyên, người dân không nên hoảng loạn, mất bình tĩnh để tránh trường hợp tạo ra tâm lý đám đông, những đợt tăng cung - cầu ảo hoặc tạo ra những tình huống đóng băng thị trường không đáng có. Ngoài ra, những thông tin minh bạch về dịch bệnh cũng rất cần thiết để giúp các doanh nghiệp, người dân chủ động trong công tác phòng ngừa.

Chính sách hỗ trợ cần nhanh chóng, trọng điểm

Cùng bày tỏ quan điểm về đảm bảo phát triển kinh tế trong điều kiện chống dịch tái bùng phát, TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính chỉ rõ, thời điểm hiện nay nếu không kiểm soát tốt để dịch tái bùng phát sẽ là cực kỳ nguy hiểm. Chi phí chống dịch và khắc phục hậu quả sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với thời gian trước, trong đó tác động tiêu cực nhất đến công ăn việc làm của người lao động cũng như tăng trưởng sản xuất kinh doanh của các DN và của toàn xã hội.

Bởi trong những tháng đầu năm 2020, đã có rất nhiều DN gặp khó khăn do dịch, đến nay chưa phục hồi sản xuất. Nhiều DN giải thể hoặc vay vốn ngân hàng khó khăn, gói cứu trợ chưa được giải ngân nên nếu gặp lúc tái dịch sẽ thật sự là khó khăn chồng khó khăn.

Chính vì lẽ đó, theo TS. Đinh Trọng Thịnh, việc phòng chống dịch bệnh vẫn phải được cả hệ thống chính trị đặt lên hàng đầu bằng những kinh nghiệm đã có. Việc hỗ trợ phòng chống dịch cũng cần phải được tính toán, xem xét một cách cẩn trọng, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm bị sụt giảm nghiêm trọng do sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Cụ thể, về phía Chính phủ, cần cố gắng để có thể đưa ra các gói hỗ trợ nhanh nhất, đưa ra các Nghị định, các Quyết định giúp phục hồi nền sản xuất. Những gói hỗ trợ DN được cần nhanh chóng dải ngân tại các khu vực trọng điểm, tránh dàn trải.

Tạo chính sách, nguồn vốn hỗ trợ DN cần nhanh chóng và kịp thời.

Để làm được điều này, Chính phủ cũng phải có hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại khi họ đang gặp khó khăn. Nhiều ngân hàng không dám cho vay một cách bừa bãi, phải tuân thủ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời có thể xem xét cho phép các ngân hàng nới lỏng, kéo dài thời gian giãn nợ; tạm thời khoanh nhóm nợ xấu của các ngân hàng cũng như các DN để giúp cho các DN có khả năng vay nợ tạo vốn sản xuất kinh doanh.

Về phía các DN cần chủ động dựa vào sức mình là chính và mạnh dạn, kịp thời có những đề xuất cần thiết. Các DN cần thực hiện tái cấu trúc, điều chỉnh quy mô sản xuất tinh gọn nhân sự cũng như chuyển đổi ngành nghề.

"Để đối phó với đại dịch tái bùng phát các cấp, ngành cần coi đây là tình huống đặc biệt để có những giải pháp đặc biệt, từ đó mới có hướng xử lý, tính toán một cách rất cẩn trọng. Trong đó, cần xem xét các chỉ tiêu để từ đó đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế cũng như tạo được động lực giúp cho các DN có điều kiện phục hồi", TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ./.