Không chịu thua kém trong thị trường game đầy tiềm năng, Sony bỏ 3,6 tỷ USD mua lại Bungie

14:02 02/02/2022

Năm 2019, Bungie một lần nữa chia tay tập đoàn game khổng lồ (nay đã thuộc Microsoft), để rồi hôm nay về dưới mái nhà Sony.

Sony thâu tóm Bungie studio với giá 3,6 tỷ USD

Sony thâu tóm Bungie studio với giá 3,6 tỷ USD.

Thêm một thương vụ bom tấn vừa được kích hoạt trên thị trường game toàn cầu. Không lâu sau khi Microsoft chính thức mua lại Activision-Blizzard hồi giữa tháng 1 vừa qua với mức giá kỷ lục lên đến 68.7 tỷ USD, Sony cũng vừa chính thức công bố hoàn tất thương vụ “thâu tóm” Bungie studio với giá trị 3.6 tỷ USD.

Bungie là cái tên không còn xa lạ với giới game thủ toàn cầu. Đây chính là đội ngũ đứng sau hàng loạt tựa game đình đám và được đánh giá cực cao như như Destiny, Destiny 2 hay Halo… Đáng chú ý, sau khi “về với đội Sony”, Bungie sẽ là một công ty con thuộc Sony Interactive Entertainment (SIE). Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Pete Parsons của studio đứng đầu và đội ngũ quản lý hiện tại vẫn được giữ nguyên. Nói cách khác, Bungie sẽ vẫn tiếp hoạt động như một studio độc lập phát hành và phát triển các tựa game của riêng mình như bình thường.

Trong một bài đăng trên blog, Sony cho biết việc mua lại này sẽ giúp đưa nền tảng PlayStation của họ "vượt ra ngoài bảng điều khiển" và củng cố những nỗ lực của công ty trong việc phát triển các trò chơi điện tử phục vụ trực tiếp.

Jim Ryan, Giám đốc điều hành của Sony Interactive Entertainment, đã viết trong một bài đăng trên blog: "Đây là một bước đi chiến lược nhằm tiếp tục phát triển trải nghiệm chơi game mà chúng tôi muốn xây dựng. Chuyên môn của Bungie trong việc cung cấp phương pháp tiếp cận dịch vụ đẳng cấp thế giới và tương tác lâu dài với cộng đồng là cực kỳ hấp dẫn và sẽ hỗ trợ sự phát triển của một số tựa game dịch vụ trực tiếp trong tương lai từ PlayStation Studios."

Theo khẳng định của Sony, Bungie tiếp tục phát triển game với danh nghĩa một studio dưới trướng Sony và toàn quyền phát hành game, tương tác với cộng đồng game thủ. Điều này đồng nghĩa với việc Bungie có thể tự quyết định việc đưa game lên bất cứ nền tảng nào họ muốn.

“Bungie đã tạo ra và tiếp tục phát triển một số thương hiệu trò chơi điện tử được yêu thích nhất trên thế giới. Bằng cách gắn kết các giá trị của mình với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm chơi game của mọi người, họ đã quy tụ hàng triệu người trên khắp thế giới,” Kenichiro Yoshida, chủ tịch và giám đốc điều hành Sony Group Corp chia sẻ về Bungie trong một tuyên bố.

"Chúng tôi vẫn chịu trách nhiệm về vận mệnh của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục độc lập sản xuất và phát triển sáng tạo các trò chơi của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy một cộng đồng Bungie thống nhất. Trò chơi của Bungie sẽ tiếp tục là nơi phục vụ cộng đồng của mình ở bất cứ địa điểm nào mà họ chọn chơi", công ty Bungie cho biết.

Như vậy, chỉ trong tháng 1 năm 2022, đã có hàng loạt thương vụ sáp nhập lớn diễn ra trong ngành công nghiệp game. Take-Two đã chi tổng cộng 12.7 tỉ USD để mua lại nhà phát triển game di động Zynga. Microsoft thâu tóm Activision-Blizzard với giá 68.7 tỷ USD, và mới đây nhất là thương vụ giữa Sony và Bungie. Tất cả hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp game toàn cầu.

Bungie làm nên danh tiếng của mình khi phát hành Halo độc quyền trên hệ Xbox. Sau này, Bungie tách khỏi Microsoft, hợp tác với Activision Blizzard trong khâu phát hành Destiny 1. Năm 2019, Bungie một lần nữa chia tay tập đoàn game khổng lồ (nay đã thuộc Microsoft), để rồi hôm nay về dưới mái nhà Sony.

Lyly