“Không ai đứng trên pháp luật và không ai đứng ngoài pháp luật”

07:23 29/12/2020

“Có công thì thưởng, có tội thì phải bị xử lý nghiêm, không ai đứng trên pháp luật và không ai đứng ngoài pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” - Đồng chí Nguyễn Thái Học - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI)

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI).

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012) đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Đây là quyết định mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ban Chỉ đạo đã thành lập hơn 80 đoàn để kiểm tra, giám sát ở hơn 100 lượt cấp ủy, tổ chức Đảng về phòng, chống tham nhũng, trong đó nhằm thu hồi được tối đa tài sản bị thiệt hại, thất thoát do tham nhũng.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nếu ông Đinh La Thăng là ủy viên T.Ư đầu tiên bị xử lý hình sự thì ông Tất Thành Cang là ủy viên T.Ư mới nhất bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Từ ngày  8/12/2017 đến 16/12 vừa qua, tính từ đầu nhiệm kỳ XII (2016) tới nay, đã có 8 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư bị xử hình sự. Đây là những minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm” của Đảng, Nhà nước.

1. Cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng

Ông Đinh La Thăng (quê quán xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là tiến sĩ kinh tế. Ông Đinh La Thăng là Ủy viên T.Ư Đảng khóa X, XI, XII; Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN (2005 - 2011); Bộ trưởng Bộ GTVT (2011 - 2016); Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Bí thư Thành ủy TP. HCM (2016 - 2017).

Ông Đinh La Thăng trong lần hầu tòa tháng 1/2018. Theo quy định, tổng hợp hình phạt với ông Thăng đến thời điểm này là không quá 30 năm tù giam.
Ông Đinh La Thăng trong lần hầu tòa tháng 1/2018. Theo quy định, tổng hợp hình phạt với ông Thăng đến thời điểm này là không quá 30 năm tù giam.. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/5/2017, với 90% phiếu đồng ý, Ban Chấp hành T.Ư Đảng quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đinh La Thăng và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII. Ông Thăng sau đó được điều chuyển về làm Phó ban Kinh tế T.Ư Đảng.

Ngày 8/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng (lúc này đang là Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ), để điều tra về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án PVN góp vốn vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank) gây thất thoát 800 tỉ đồng.

Ngày 9/5/2018, tại Hội nghị T.Ư lần thứ 7 khóa XII, Ban Chấp hành T.Ư đã quyết định khai trừ ông Đinh La Thăng ra khỏi Đảng.

Trong các phiên tòa sau đó, ông Thăng lần lượt nhận các mức án 13 năm tù trong vụ án “tham ô”, “cố ý làm trái” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC); 18 năm tù trong vụ PVN góp vốn vào OceanBank gây thất thoát 800 tỉ đồng; 10 năm tù sai phạm mua bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, gây thất thoát cho nhà nước hơn 725 tỉ đồng.

Trong cả 3 vụ án, ông Thăng đều bị tuyên cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Đinh La Thăng là Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất trong nhiệm kỳ bị xử lý hình sự và cũng là người liên quan nhiều vụ án nhất trong số 8 ủy viên T.Ư bị xử lý hình sự. Tổng số năm tù ông Thăng bị tuyên tính tới hiện tại đã là 41 năm, và vẫn còn vụ án Ethanol Phú Thọ chưa được xét xử.

2. Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Ông Nguyễn Bắc Son (quê Chương Mỹ, TP. Hà Nội) là cựu đại tá quân đội, trình độ tiến sĩ kinh tế. Ông Son nguyên là Ủy viên T.Ư Đảng khóa X, XI, XII; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Phó ban Tuyên giáo T.Ư; Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (2011 - 2016).

Bị cáo Nguyễn Bắc Son bị đề nghị giữ nguyên mức án chung thân
Bị cáo Nguyễn Bắc Son bị đề nghị giữ nguyên mức án chung thân.

Ngày 4/10/2018, Hội nghị T.Ư 8 Khóa XII, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Bắc Son. Cụ thể là cách chức Ủy viên T.Ư Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin - Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016. Tiếp sau đó, ông Son bị Quốc hội xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.

Ngày 23/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Bắc Son về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua lại cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.

Ngày 13/4.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục khởi tố ông Nguyễn Bắc Son về tội “Nhận hối lộ”. Ông Nguyễn Bắc Son sau đó khai đã nhận 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch AVG, để thực hiện phi vụ nói trên.

Ngày 11/10/2019, Hội nghị T.Ư lần thứ 11, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã quyết định khai trừ ông Nguyễn Bắc Son ra khỏi Đảng.

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông được Toà án xác định là chủ mưu thực hiện phi vụ mua bán cổ phần, gây thiệt hại 6.500 tỉ đồng. Cùng với hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, ông Son bị cơ quan công tố đề nghị mức án tử hình.

Vì gia đình ông Son đã tự nguyện nộp lại 3 triệu USD, ngày 28.12, TAND TP. Hà Nội tuyên ông Nguyễn Bắc Son 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và chung thân tội “nhận hối lộ”. Hình phạt chung cho cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông phải chấp hành là chung thân.

3. Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Ông Trương Minh Tuấn (quê quán tại Đà Lạt, Lâm Đồng), nguyên Ủy viên T.Ư khóa XII, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (2016 - 2018).

Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn bị dẫn giải vào phòng xét xử.

Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn bị dẫn giải vào phòng xét xử.. (Ảnh: Phạm Dự)

Cùng với ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn được coi là nhân vật số 2 trong vụ MobiFone mua cổ phần AVG.

Ngày 12/7/2018, sau khi Ủy ban Kiểm tra kết luận những sai phạm của ông Tuấn trong vụ việc trên, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo và cho ông Tuấn thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin - Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngày 23/2/2019, ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Quá trình điều tra cho thấy, ông Tuấn đã nhận 200.000 USD từ Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Sau đó, ông Tuấn tiếp tục bị bị khởi tố tội “Nhận hối lộ”.

Ngày 11/10/2019, Hội nghị T.Ư lần thứ 11, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã quyết định khai trừ ông Trương Minh Tuấn ra khỏi Đảng.

Trong phiên tòa xét xử vụ án AVG, Trương Minh Tuấn bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt là 14 năm tù.

4. Phó ban Tổ chức T.Ư Trần Văn Minh

Ông Trần Văn Minh (quê Đà Nẵng) là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (2006 - 2011), nguyên Ủy viên T.Ư Đảng khóa XI), Phó ban Tổ chức T.Ư (2011 - 20016).

Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh tại phiên toà

Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh tại phiên toà.

Ngày 17/4/2018, ông Trần Văn Minh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (thường gọi là Vũ nhôm).

Trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản xảy ra tại Đà Nẵng bị cáo Trần Văn Minh là người đứng đầu UBND TP. Đà Nẵng, chiụ trách nhiệm chính với các chủ trương, chỉ đạo trái pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công, quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng. Bị cáo Minh phạm tội với vai trò chính, trực tiếp cùng các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội.

Chiều 12/5, sau hơn 1 tuần xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết với cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh. Toà phúc thẩm tuyên cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng y án 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và y án 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định đề quản lý đất đai”; tổng hợp hình phạt là 17 năm tù.

5. Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến

Trước khi phạm tội, ông Nguyễn Văn Hiến là một tướng lĩnh về hưu của Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (2009 - 2016); cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam (2004-2015); Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII Hải Phòng. Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến là người Việt Nam thứ hai được thăng hàm Đô đốc Hải quân, tương đương Thượng tướng.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại phiên xét xử

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại phiên xét xử.

Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị cáo buộc có sai phạm trong vụ án liên quan đến 3 khu đất có các diện tích 1.995m2, 3.531m2 và 1.660m2 tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Tại phiên xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tối 11/12, tại Hà Nội, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến. HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiến 3 năm 6 tháng tù (giảm 6 tháng so với án sơ thẩm).

 6. Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Ông Nguyễn Đức Chung (quê quán Hải Dương), là Thiếu tướng công an, Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông Chung là Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, để điều tra về hành vi Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước
Ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, để điều tra về hành vi Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Ngày 11/8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định đình chỉ công tác chức vụ Chủ tịch UBND TP. Hà Nội của ông Chung để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.

Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho là liên quan đến 3 vụ án: vụ buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công ty trách nhiệm hữu hạn và thương mại Nhật Cường; vụ vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan; vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước xảy ra tại Hà Nội.

Ngày 28/8.2020, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ban hành Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam 4 tháng, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” liên quan tới vụ án Nhật Cường.

Ngày 11/12, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.

7. Nguyên phó bí thư Thành ủy Tất Thành Cang

Ông Tất Thành Cang (quê quán Long An), là Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM (2016 - 2018).

Ông Tất Thành Cang (phải) sau khi nhận quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, chiều 16/12
Ông Tất Thành Cang (phải) sau khi nhận quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, chiều 16/12. (Ảnh: Bộ Công an)

Ngày 26/12/2018, tại Hội nghị T.Ư 9 khóa XII, Ban Chấp hành T.Ư đã quyết định cách chức Uỷ viên T.Ư Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ TP. HCM nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Tất Thành Cang vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Ngày 16/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” trong vụ tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), gây thiệt hại số tiền lớn cho nhà nước.

Tối 16/12, nguồn tin từ HĐND TP.HCM cho biết đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP.HCM đối với ông Tất Thành Cang. Việc đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP.HCM được thực hiện theo điều 101, luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trước đó, năm 2018, Ban Chấp hành T.Ư Đảng quyết định kỷ luật cách chức ủy viên T.Ư Đảng khóa XII; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Tất Thành Cang.

8. Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Ông Vũ Huy Hoàng (quê Hải Phòng), nguyên Ủy viên T.Ư Đảng khóa X, XI, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương (2007-2016).

Ông Vũ Huy Hoàng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương bị khởi tố cùng tội danh, đang bỏ trốn và hiện đang bị các truy nã
Ông Vũ Huy Hoàng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương bị khởi tố cùng tội danh, đang bỏ trốn và hiện đang bị truy nã.

Ngày 2/11/2016, Ban Bí thư đã quyết định cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011-2016 của ông Vũ Huy Hoàng. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 của ông Hoàng.

Sau 4 năm, tới ngày 10/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ án liên quan đến khu đất số  2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP. HCM).

Tháng 9, ông Vũ Huy Hoàng cùng 9 bị can khác đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”.

Sau khi bị truy tố, cơ quan chức năng đã xem xét việc khai trừ Đảng đối với ông Hoàng, tuy nhiên, do ông Hoàng đang mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.

Dự kiến phiên toà xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm sẽ được TAND TP. Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 7/1/2021.

Trần Linh (T/h)