Khốc liệt kinh doanh thời 4.0

00:00 12/10/2020

Sự đổ bộ ồ ạt của các doanh nghiệp thương mại điện tử thế giới đã thâu tóm nhiều thương hiệu bán lẻ “đình đám” của Việt Nam, chưa kể nhiều doanh nghiệp không thể “trụ vững” trên thị trường dẫn đến phá sản, khiến cuộc chơi kinh doanh thời 4.0 thêm phần khốc liệt.

Nếu như trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu tại kênh bán lẻ truyền thống cũng như bán lẻ hiện đại thì ngày nay hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua kênh thương mại điện tử (TMĐT), các cửa hàng hiện hữu, đa kênh và trực tuyến.

Sức ép với kênh truyền thống

Tại Hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 - Bước đi mới cho thị trường phân phối hàng hóa được tổ chức ngày 3/10, các chuyên gia đưa ra nhận định: Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động lớn đến ngành bán lẻ Việt Nam tạo ra thuận lợi song cũng có không ít khó khăn.

Các chuyên gia trong ngành bán lẻ nhận định kênh bán hàng truyền thống đang dần bị thay thế trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 bùng nổ như hiện nay. Ngành bán lẻ trong nước đang chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các “đại gia” nước ngoài và doanh nghiệp (DN) trong nước, cũng như sự thâm nhập của nhiều DN TMĐT lớn trên thế giới.

Các thương vụ M&A lớn của các tập đoàn Central Group và TTC của Thái Lan đối với hệ thống bán lẻ Metro, Big C, Nguyễn Kim; Vingroup đối với Fivimart và Shop & Go; Saigon Coop với Auchan… là những ví dụ điển hình trên thị trường Việt Nam gần đây.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, đánh giá những DN có thế mạnh về công nghệ chắc chắn sẽ hình thành những tập đoàn bán lẻ lớn dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam. Còn những DN nhỏ quản trị kém, thiếu tính chuyên nghiệp, làm ăn thua lỗ, tất yếu sẽ dẫn tới bị thôn tính, sáp nhập và phá sản, mất thương hiệu trên thị trường.

“Điều này cho thấy cuộc đua kinh doanh thời 4.0 ngày càng khốc liệt hơn”, ông Phú cho hay.

Đồng tình, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhận định bán hàng đa kênh là một phương thức kinh doanh hiệu quả trong thời đại này. “Trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hoá, các giao dịch thương mại dựa trên nền tảng số hoá đã được các DN bán lẻ triển khai. Hiện nay, người tiêu dùng có thể mua sắm qua các sàn giao dịch TMĐT, qua mạng xã hội, điện thoại thông minh như: Lazada, Shopee, Sendo, Hotdeal, Zaloza, Tiki, Adayroi…”, bà Nga cho hay.

Khoc-liet-kinh-doanh-thoi-4-0-7613-15701

Công nghệ sẽ giúp ngành bán lẻ hội nhập sâu rộng hơn

Doanh nghiệp nội vươn lên mạnh mẽ

Đánh giá về thị trường bán lẻ ở Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú cho rằng hệ thống phân phối và ngành bán lẻ nội địa đã đóng góp khoảng 15% GDP và giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nhiều năm gần đây đều đạt mức tăng trưởng hai con số.

Hiện nay, thị trường bán lẻ online tuy mới chiếm 5% doanh số, cùng với sự hiện diện của kênh bán hàng hiện đại ở thị trường nông thôn mới chiếm khoảng 25%. Ngoài ra, theo dự báo của Google - Temasek, đến năm 2025, TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 43%, cao nhất khu vực. “Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, tạo sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Phú khẳng định.

Gần đây, một số “ông lớn” TMĐT thế giới đang có động thái thâm nhập thị trường Việt Nam mạnh hơn.

Chẳng hạn, “gã khổng lồ” Alibaba tiết lộ trong tháng 10/2019 sẽ có chương trình gặp gỡ “hoành tráng” dành cho các DN Việt Nam. Trước đó, “ông lớn” Amazon cũng đưa ra những hứa hẹn đẩy mạnh và tạo dựng kênh bán hàng hiệu quả cho các thương hiệu đến từ Việt Nam.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, các DN TMĐT trong nước cũng không chịu ngồi nhìn các “đại gia” ngoại chiếm lĩnh thị trường, mà đã vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài.

Báo cáo tổng kết thị trường TMĐT tại thị trường Đông Nam Á trong 6 tháng đầu năm 2019 vừa được IPrice - cổng TMĐT ở 7 thị trường khu vực ASEAN công bố cho thấy trong số 10 sàn TMĐT có lượt truy cập cao nhất thì Việt Nam có đến 5 DN gồm: Tiki, Sendo, Thế giới Di động, Điện Máy Xanh và FPT Shop.

Sự bùng nổ của các DN TMĐT trong và ngoài nước khiến nhiều ý kiến lo ngại phương thức kinh doanh truyền thống sẽ bị “xoá sổ”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng DN bán lẻ truyền thống nếu biết cách thay đổi hợp thời sẽ không phải rời thị trường.

Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh và TMĐT của FPT Digital Retail, đánh giá thương mại truyền thống sẽ không mất đi mà sẽ được hỗ trợ bởi kênh bán hàng trực tuyến (online) để trở thành mô hình bán hàng đa kênh (omni-channel).

“Nếu như chỉ giữ kênh truyền thống thì các nhà bán lẻ sẽ bị giới hạn bởi không gian địa lý và bị mất đi đối tượng khách hàng sinh ra ở thời kỳ bùng nổ của Internet, điện thoại thông minh”, ông Bảo giải thích.

Thanh Hoa