Khoảng cách giữa người được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng tại các nước trên thế giới

10:37 16/08/2021

Sự phân chia giữa những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng khi nói đến Covid có khả năng trở nên sâu sắc hơn trong thời gian vừa qua. Ngày càng có nhiều hạn chế đối với những người chưa được tiêm vắc xin Covid đang được áp dụng ở châu Âu và Hoa Kỳ. Việc dễ dàng hay tự do đi lại, làm việc, giao lưu và tham gia vào các hoạt động giải trí ngày càng được xác định bởi tình trạng tiêm chủng Covid của một người.

Vắc xin cho phép xã hội trở lại hoạt động bình thường

Vắc xin được coi là biện pháp thúc đẩy để xã hội trở lại hoạt động bình thường. Ảnh: Reuters

Khoảng cách giữa người được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng khi nói đến Covid-19 có khả năng trở nên sâu sắc hơn, với các quan chức ở Hoa Kỳ và châu Âu đang lên kế hoạch hoặc đưa ra một số hạn chế ngày càng tăng đối với những người chưa tiêm vắc xin Covid-19 .

Cho đến nay, hầu như tất cả các chính phủ trên thế giới đều phản đối việc bắt buộc tiêm vắc xin Covid cho công dân của họ, mặc dù nhiều người đã đưa ra các hình thức giấy chứng nhận tiêm chủng Covid, thẻ thông hành hoặc hộ chiếu cho phép người được tiêm chủng có nhiều quyền tự do và cơ hội làm việc dễ dàng hơn so với những người không được tiêm chủng.

Các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày ngày càng phức tạp đối với bất kỳ ai không được tiêm vắc xin Covid, và có một cảm giác tức giận và bất công ở những người từ chối vắc xin.

Đặc cách cho những người hoàn thành việc tiêm chủng

Bất chấp sự không đồng tình của các nhóm phản đối các động thái như vậy, quyền tự do đi lại, làm việc, giao lưu và tham gia các hoạt động giải trí vẫn ngày càng được xác định bởi tình trạng tiêm chủng Covid.

Trên toàn quốc, Hoa Kỳ đã loại trừ việc bắt buộc tiêm chủng Covid, bác bỏ khái niệm về hộ chiếu tiêm chủng vào tháng 4 do lo ngại về quyền riêng tư và quyền của công dân. Nhưng một số bang đang tiến tới nhiều hạn chế hơn đối với những người chưa được tiêm chủng.

Hiện nay, công nhân thành phố New York đã bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin, và từ giữa tháng 9, nhân viên và khách hàng của các quán ăn trong nhà, phòng tập thể dục và trung tâm giải trí sẽ phải có giấy chứng nhận về việc tiêm chủngTrong khi đó, nhân viên tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở California sẽ được yêu cầu cung cấp bằng chứng rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ chống lại Covid từ tháng 10. Mới đây, Lầu Năm Góc cho biết, họ có kế hoạch bắt buộc tiêm vắc xin Covid cho các thành viên thực hiện nghĩa vụ quân sự muộn nhất vào giữa tháng 9.

Pháp, Hy Lạp và Anh nằm trong số các quốc gia châu Âu quy định bắt buộc với việc tiêm chủng cho các chuyên gia y tế hoặc nhân viên chăm sóc tại nhà. Tại Trung Quốc, một số chính quyền địa phương cho biết học sinh sẽ không được phép trở lại trường học vào tháng 9 trừ khi cả gia đình họ được tiêm phòng đầy đủ. Tại Úc, một số bang bị chỉ cho phép những người đã được tiêm chủng trở lại làm việc và cho biết các hạn chế sẽ chỉ được dỡ bỏ khi đa số người dân được tiêm chủng.

Phần lớn các nước châu Âu hiện yêu cầu khách du lịch phải chứng minh họ đã được tiêm phòng đầy đủ, cung cấp giấy chứng nhận về xét nghiệm Covid âm tính hoặc chứng minh rằng họ đã hồi phục sau một đợt nhiễm gần đây. Nếu không, họ sẽ phải tuân thủ các quy định cách ly.

“Tôi yêu cầu tất cả những người đã tiêm phòng khuyến khích bạn bè, người quen và thành viên gia đình của họ cũng nên đi tiêm”, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết mới đây, ngay sau khi các biện pháp mới được công bố ở nước này. “Đây không chỉ là biện pháp bảo vệ cho chúng ta mà còn cho những người khác không thể tiêm chủng như trẻ em hoặc những người mắc bệnh nền". 

Những lo ngại về quyền tự do  

Có nhiều người không hài lòng về xu hướng phân biệt giữa những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng. Marco De Matteo, một thanh niên người Naples, một người đam mê du lịch, cảm thấy tức giận về tình hình ở Ý - nơi “chứng chỉ xanh” đã được đưa ra, anh ví điều này như một "chế độ độc tài về sức khỏe và kinh tế".

Anh nói:“Những người cầm quyền đang hạn chế quyền tự do và phẩm giá của các cá nhân. Việc áp đặt thẻ xanh trong môi trường việc làm, cả trong khu vực công và khu vực tư nhân ... đang phá vỡ xã hội".

Chứng chỉ xanh tại Ý - là bằng chứng của việc tiêm phòng, xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm PCR dương tính gần đây nhằm để vào các địa điểm khép kín như quán bar và nhà hàng, bể bơi, nhà thi đấu, sân thể thao, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, công viên giải trí...và sẽ sớm được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc cho việc đi lại và một số công việc, chẳng hạn như giáo viên.

Các thành viên của ‘No Vax’ tham gia một cuộc biểu tình phản đối việc đưa ra “thẻ xanh” bắt buộc nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19, tại Piazza del Popolo ở trung tâm Rome vào ngày 7 tháng 8 năm 2021.
Người dân tham gia một cuộc biểu tình phản đối việc đưa ra “chứng chỉ xanh” bắt buộc nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19, tại Piazza del Popolo ở trung tâm Rome vào ngày 7 tháng 8 năm 2021. Ảnh: Getty Images

De Matteo, và nhiều người khác cũng lo ngại về việc xâm phạm quyền tự do mặc dù có nhận ra sự cần thiết phải bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Anh nói rằng, đối với anh “có rất nhiều nghi ngờ cả về bản chất của virus và về vắc-xin.” Ông cũng lấy làm tiếc về những định kiến ​​tiêu cực dành cho những người phản đối vắc-xin Covid.

“Ở Ý, nhiều người đang tổ chức các cuộc biểu tình, họ vốn những người thuộc mọi tầng lớp xã hội và thành phần kinh tế, những người quan tâm đến tự do, nhân phẩm và sức khỏe của mọi người nhưng họ bị gán cho là những người có âm mưu", anh nói.

Sự hoài nghi về vắc xin và tâm lý chống lại việc tiêm chủng hoàn toàn đã lan rộng hơn kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19, cùng với đó, nhiều thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội cũng đã làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người dân. Thực tế là các thử nghiệm lâm sàngđược các tạp chí y tế quốc tế bình duyệt , đã chỉ ra rằng tiêm chủng làm giảm sự lây lan của vi rút và góp phần giảm tử vong và bệnh tật nặng.

Các chuyên gia y tế, chẳng hạn như Tiến sĩ Scott Gottlieb, đã nhiều lần nói về lợi ích của việc tiêm chủng. Gottlieb, một cựu ủy viên của Food and Drug Administration, cũng nói với CNBC hồi tháng trước rằng những người đã từng bị nhiễm Covid-19 vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc nhận vắc-xin Covid.

Hồi tháng 1, giáo viên yoga 30 tuổi người Pháp Amel Lamloum nói với CNBC rằng cô ấy cảm thấy không cần thiết tiêm vắc xin Covid, do cô ấy còn trẻ và sức khỏe tốt.

Chia sẻ với CNBC, Lamloum cho biết cô vẫn chưa tiêm vắc-xin và thậm chí còn cảm thấy miễn cưỡng hơn khi làm như vậy ngay bây giờ".

“Tôi thực sự nghĩ rằng xã hội đã thay đổi và không còn công lý nữa”. Cô nói và nói thêm rằng cô không còn tin tưởng vào chính phủ nữa và đã chuẩn bị tinh thần để điều chỉnh cách sống của mình.

“Chắc chắn là rất nhiều người sẽ không được tiêm chủng, và chúng ta phải sẵn sàng đối phó với điều đó, chúng ta nên sẵn sàng cho mọi tứ dù có thế nào chăng nữa". 

Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường ở Toulouse để chống lại thẻ y tế bắt buộc của Pháp vào ngày 12 tháng 7 năm 2021. Hơn 234.000 người đã biểu tình trên khắp nước Pháp để phản đối thẻ sẽ bắt buộc để vào một loạt các địa điểm công cộng như quán cà phê, nhà hát, phòng hòa nhạc , rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, phương tiện giao thông công cộng, bể bơi công cộng, và thậm chí cả bệnh viện trừ khi có tình huống nguy cấp.
Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường ở Toulouse để chống lại thẻ y tế bắt buộc của Pháp vào ngày 12 tháng 7 năm 2021. Ảnh: Getty Images

Vắc xin cho phép xã hội trở lại hoạt động bình thường

Đối với hàng triệu người hài lòng và sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid, việc triển khai các chương trình tiêm chủng đã giúp bảo vệ họ chống lại một loại vi-rút có khả năng lây nhiễm cao. Điều này cũng cho phép họ quay trở lại những quyền tự do đã bỏ lỡ nhiều, từ gặp gỡ những người thân yêu và giao lưu đến mua sắm và đi du lịch.

Nhưng dường như những người khác trên khắp Hoa Kỳ và châu Âu thấy việc tiêm chủng chứa đầy sự mâu thuẫn.

Một số người đã chỉ trích tốc độ phát triển vắc-xin Covid, làm mất tin tưởng dữ liệu lâm sàng về hiệu quả và chứng chỉ an toàn lâu dài của vắc-xin Covid. Những người khác đã đặt câu hỏi tại sao họ cần tiêm phòng khi Covid có thể là một bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng đối với nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Các cơ quan công quyền như Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và cho phép xã hội trở lại hoạt động bình thường. Vắc xin Covid đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng rộng rãi với hàng trăm nghìn người là an toàn và hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

Điều ít chắc chắn hơn đối với các chuyên gia là khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu và liệu các biến thể Covid trong tương lai có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin hay không. Nhiều chính phủ cũng đang cân nhắc tăng cường các mũi tiêm nhắc lại và giá trị của từng loại vắc xin nhưng hiện tại, ưu tiên chính là khuyến khích việc sử dụng vắc xin ở những người hoàn toàn chưa được tiêm chủng.

Nước nào có tỷ lệ người dân phản đối vắc xin cao nhất?

Niềm tin của công chúng đối với vắc xin, hoặc mặt trái của sự do dự vắc xin, rất khác nhau giữa các quốc gia và thường dựa trên sự tin tưởng của công chúng vào chính phủ và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, Pháp nổi tiếng với tỷ lệ do dự vắc xin cao, trong khi tỷ lệ sử dụng vắc xin ở Anh được đánh giá là cao.

Một cuộc khảo sát cho thấy sự phản đối vắc-xin hiện cao nhất ở Nga, tiếp theo là Mỹ, theo một cuộc thăm dò toàn cầu gồm 15 quốc gia do công ty tình báo dữ liệu Morning Consult thực hiện vào tháng 7 và tháng 8. Với 43.054 cuộc phỏng vấn được thực hiện chỉ riêng ở Hoa Kỳ, tỷ lệ người không muốn hoặc không chắc chắn về việc tiêm vắc xin Covid là 30%.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy thanh niên có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp hơn ở mọi quốc gia ngoại trừ Trung Quốc, mặc dù dữ liệu đó cũng có thể phản ánh tốc độ và phạm vi của các chương trình tiêm chủng; Một số thanh niên vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ ở một số quốc gia được thăm dò ý kiến.

Những người dân ở Mỹ tỏ ra nhất quán khi nói đến sự hoài nghi về vắc xin; Morning Consult cho biết, tỷ lệ những người hoài nghi vắc xin ở Mỹ đã duy trì ở mức 30% trong bốn tuần qua, và tỷ lệ đó chỉ giảm 4 điểm phần trăm kể từ khi bắt đầu theo dõi vào giữa tháng Tư.

“Trong cùng khoảng thời gian đó, ở 14 quốc gia khác được theo dõi, tỷ lệ những người hoài nghi đã giảm trung bình 13 điểm, nhiều hơn gấp ba lần mức giảm về sự hoài nghi được thấy ở Mỹ. Không có quốc gia nào khác có mức sụt giảm nhỏ hơn”, Morning Consult lưu ý.

Những lý do hàng đầu được đưa ra cho sự không chắc chắn về vắc-xin là lo ngại về tác dụng phụ và lo ngại rằng các thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành quá nhanh.

Các quy định cho lĩnh vực vui chơi giải trí được tăng cường

Trở lại châu Âu, các hoạt động của lĩnh vực giải trí đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các quy định mới. Ví dụ, ở Bỉ, một số câu lạc bộ bóng đá đang mở khán đài riêng dành cho những người chưa được tiêm chủng. Ở Anh, chỉ những người được tiêm phòng đầy đủ mới có thể vào hộp đêm.

Một số quốc gia đã có bước tiến xa hơn, giới thiệu các loại “thẻ thông hành” hoặc “giấy thông hành” tiêm chủng Covid ở cấp quốc gia, khiến một số khu vực bị chỉ trích bởi điều này gây ra sự phân biệt.

Pháp đã đưa ra “thẻ sức khỏe”, nghĩa là các cá nhân phải chứng minh rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ, xét nghiệm âm tính gần đây hoặc gần đây đã khỏi bệnh nếu họ muốn vào quán cà phê, nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng và nhà hát. Quy định này đã gây tranh cãi, gây ra các cuộc biểu tình của hàng nghìn người nói rằng điều này hạn chế quyền tự do của họ.

Charleroi, một trong những câu lạc bộ bóng đá của Bỉ giới thiệu các khán đài riêng cho những người hâm mộ chưa được tiêm chủng.
Charleroi, một trong những câu lạc bộ bóng đá của Bỉ giới thiệu các khán đài riêng cho những người hâm mộ chưa được tiêm chủng. Ảnh: Getty Images

Đức có vẻ đang đi theo hướng tương tự, nhằm mục đích khuyến khích việc tiêm chủng vắc-xin bằng cách kết thúc các xét nghiệm Covid miễn phí, do chính phủ trả tiền trong khi yêu cầu bất kỳ ai chưa được tiêm chủng đầy đủ (trừ trẻ em) phải xuất trình xét nghiệm Covid âm tính để có thể đi vào các địa điểm và sự kiện trong nhà.

“Do đó, các đợt xét nghiệm đang trở thành điều kiện tiên quyết. Ví dụ, để vào bệnh viện, viện dưỡng lão, phục vụ ăn uống trong nhà, các sự kiện và lễ kỷ niệm, tiệm làm tóc hoặc bệnh viện thẩm mỹ đều cần phải có giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính. Điều tương tự cũng áp dụng cho các môn thể thao trong nhà hoặc những nơi lưu trú, ví dụ như trong các khách sạn và nhà khách”, chính phủ cho biết mới đây. 

Bảo Bảo (Theo CNBC)