Khi nào ngành du lịch Việt thoát khủng hoảng?

00:00 12/10/2020

Bị tổn thất nặng nề do tác động của dịch Covid-19, “sức khoẻ” của nhiều doanh nghiệp đang đi xuống trầm trọng, liệu ngành du lịch Việt có đủ lạc quan để sớm thoát cuộc khủng hoảng này?

Những nhận định mới đây ở Tp.HCM cho thấy do tác động của dịch Covid-19 trong quý I/2020 khiến nhiều công ty du lịch không còn doanh thu, có đến 90% doanh nghiệp (DN) lữ hành vừa và nhỏ ở thành phố đã tạm ngưng hoạt động. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch đã giảm 58,29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế mạnh “an toàn nhất”

Tuy nhiên, ngoài “sức khoẻ” của DN du lịch đang đi xuống cùng với bức tranh ảm đạm về việc thiếu vắng nguồn khách du lịch quốc tế khi dịch bệnh chưa rõ điểm dừng, thì vẫn có không ít nhận định lạc quan hơn cho ngành du lịch Việt trong tương lai một khi khống chế được dịch Covid-19.

Như chia sẻ của Ts. Ribeiro, người phụ trách mảng nghiên cứu về du lịch và khách sạn thuộc Đại học RMIT Việt Nam, việc Chính phủ xử lý đại dịch Covid-19 nhanh chóng và hiệu quả có thể biến Việt Nam thành điểm du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được ưa thích hơn so với các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Úc.

Ông nhấn mạnh: Khách du lịch không chỉ đến những đất nước có phong cảnh đẹp và thú vị nhất trên thế giới, mà sẽ chủ yếu đến nơi an toàn nhất. Việt Nam hiện đang làm rất tốt và minh chứng rằng đây là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới”.

Chuyên gia này cho biết các nước có ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau Covid-19 sẽ là những quốc gia có chính phủ đặt sức khỏe và phúc lợi của người dân lên hàng đầu, đồng thời ngăn chặn vi rút lây lan thành công.  

“Trong suốt thời gian dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam luôn đặt an toàn và sức khỏe người dân lên hàng đầu và đây là điều hết sức quan trọng với ngành du lịch lấy con người làm trọng tâm”, ông  nói.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đưa ra nhiều sáng kiến giúp hỗ trợ các DN có thể nhanh chóng quay lại hoạt động ngay khi đại dịch qua đi. Điều này sẽ dễ thực hiện hơn nhiều so với việc phải khôi phục lại toàn bộ nền kinh tế nếu không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào.

Trong bối cảnh lượng khách du lịch đến Việt Nam đã giảm từ hàng triệu người xuống con số 0 chỉ trong vài tháng qua, Ts. Ribeiro nhấn mạnh rằng sự suy giảm nhanh chóng đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến các DN du lịch, đồng thời ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người Việt Nam.

Vị chuyên gia của RMIT hoan nghênh sáng kiến mới đây nhất của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng (tương đương 10,5 tỷ USD) cho các DN, và Bộ Tài chính cũng hỗ trợ gói 30 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD) với cùng mục đích.

“Tôi nghĩ đây là một sáng kiến tuyệt vời, không chỉ tác động tích cực ngay lập tức vào thời điểm này, mà cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong tương lai không chỉ với ngành du lịch, mà còn cả nền kinh tế nói chung”,  ông nói thêm.

HINH-1521-1587121592.jpg

Chờ hậu Covid-19, DN ngành du lịch Việt sẽ ưu tiên thị trường tiềm năng Ấn Độ

Ưu tiên thị trường nguồn

Theo Ts. Ribeiro, đây thật sự là một việc chưa từng có tiền lệ, tuy nhiên, lịch sử ngành du lịch từ năm 1945 đến nay cho thấy dù ngành du lịch dễ bị khủng hoảng theo chu kỳ, ngành cũng hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào khác.

Ở góc độ quản lý, trong chiến lược của mình nếu như trên toàn cầu khống chế dịch Covid-19, theo Tổng cục Du lịch, rất cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá để khắc phục hậu quả, lấy lại và duy trì sự tin tưởng của khách du lịch quốc tế về hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn. 

Chiến lược mà Tổng cục Du lịch đưa ra cho thời điểm hậu Covid-19 sẽ là tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường nguồn đã được xác định theo thứ tự ưu tiên.

Theo đó, sẽ ưu tiên thị trường Ấn Độ được đánh giá là tiềm năng và mới khai trương đường bay thẳng. Mặt khác, sẽ khôi phục các thị trường trọng điểm: Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản), Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Philippines). 

Ngoài ra, sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tại các thị trường truyền thống, có đường bay mới: Nga, Úc, Tây Âu, Séc (kết hợp với một số nước châu  Âu).

Còn theo đề xuất từ Sở Du lịch Tp.HCM, cần tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng như Úc, đặc biệt là Ấn Độ là thị trường lớn, có mức chi tiêu cao sẽ bù đắp phần nào việc thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc.  

Ngoài ra, sẽ tiếp tục duy trì xúc tiến các thị trường trọng điểm đặc biệt, có kết nối đường bay thuận tiện, đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN.

Hơn nữa, cần tăng cường thu hút du khách từ những thị trường xa như Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada trong bối cảnh thuận lợi là sắp có đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ.

Giới chuyên gia nhận định các thị trường gần trong khu vực châu Á có khả năng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc…

Và nếu như dịch qua đi thì sẽ là thời kỳ phát triển bùng nổ của ngành du lịch. Với kinh nghiệm đối phó dịch SARS năm 2003, ngay lập tức du lịch Việt Nam đã áp dụng chương trình kích cầu và có sự tăng trưởng đột phá sau đó.

Cần lưu ý, để vượt khủng hoảng thì thông thường thị trường du lịch nội địa sẽ hồi phục nhanh nhất, còn thị trường quốc tế phải mất 3-6 tháng mới hồi phục. Trong khi đó, nếu khai thác thị trường mới phải mất 3 năm.

Thế Vinh