Cây buông hiếm hoi còn sót lại ở rừng Lá/ Ảnh Nguyễn Một Rừng Lá gồm các xã Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hoà thuộc huyện Xuân Lộc là vùng địa đầu tỉnh Đồng Nai. Một vùng đất nghèo giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Rừng Lá trong ký ức của tôi luôn mượt mà xanh thẳm, ở đó tôi đã sống những tháng ngày gian khổ và đẹp đẽ. Đầu năm 1975, miền Trung chiến sự ác liệt, chúng tôi tản cư ra đảo Phú Quốc. Sau ngày đất nước thống nhất thì cả gia đình dạt về rừng Lá. Vùng đất mới tuy không màu mỡ nhưng thuận lợi cho những người muốn lập nghiệp mà vốn liếng trong tay chỉ là cây rựa! Chúng tôi chặt lá làm nhà, hái cải tàu bay nấu với con cua, con ốc bắt dưới suối sống tạm qua ngày, rồi vỡ đất làm nương. Dạo ấy, cây buông luôn xòe những tán lá to như cái lọng che mát khắp các nẻo đường đến trường, lên rẫy, xuống suối. Những chiều tan học, chúng tôi lặng ngắm rừng Lá xanh ngăn ngắt lan ra tận bìa quốc lộ l. Những đọt lá mơn mởn, đều tăm tắp, to cỡ bắp chân người, thẳng tắp như những thanh gươm dài kiêu hãnh chỉa lên bầu trời vàng phớt nắng chiều. Những ngày nghỉ học, chúng tôi trèo lên nách lá bắt tắc kè. Những con tắc kè ăn mối, con nào, con nấy mập nung núc, bọn trẻ bắt tắc kè bán cho nhà thuốc, con nào đứt đuôi thì mới giữ lại làm thịt… Rừng Lá còn cho tôi cả những ân tình khó quên. Sau mấy chục năm xa cách, tôi trở lại rừng Lá một ngày trời đã trưa, nắng chói chang mà không hề thấy bóng một cây buông nào cả. Ngọn núi Mây Tàu ngày xưa được phủ lớp thảm xanh bên dưới, bây giờ cô độc lở lói, oằn mình chịu đựng cái nắng gay gắt của vùng bán sơn địa. Không ngờ loại cây dẻo dai có thể chịu đựng được cái đất nhiễm phèn nặng mà không thể chịu nổi bàn tay tàn phá của con người. Tôi còn nhớ chuyện phá rừng quy mô nhất là vào khoảng năm 1978. Hàng ngàn con người đổ về đây dùng xe ủi phá hàng loạt cây lá buông. Chỉ vài tháng mà hàng trăm mẫu rừng trơ đất trắng xóa. Người ta cày xới, triệt tận rễ và những cây buông con đau đớn chòi đạp cố vươn lên. Rồi các công nhân trồng vào đó một loại cây y hệt cây buông con. Tôi ngơ ngác hỏi một ông cán bộ: Sao phá cây buông rồi lại trồng cây buông? Ông xoa đầu tôi bảo: Không phải cây buông đâu cháu, đó là cây cọ dầu, mai mốt thu hoạch trái làm giàu cho đất nước… Hơn hai mươi năm tôi trở lại, nơi đây còn dăm chục cây cọ èo uột, không có giá trị kinh tế gì. Cái thời ấu trĩ đã qua. Người ta đã ném vào đó hàng triệu đô la. Rừng Lá bị phá, cây cọ không cho được giọt dầu nào. Cũng không thấy ai chịu trách nhiệm. Mọi người rút đi không kèn không trống! Rừng cạn kiệt, cây buông dần dần biến mất, rừng càng ngày càng lùi xa con người. Con người nơi đây tìm mọi cách chòi đạp để tồn tại trong đời sống khắc nghiệt. Những năm gần đây, địa danh này dần trở nên nổi tiếng, người thành phố, người nước ngoài đổ về đây để tìm mua những sản phẩm mỹ nghệ làm từ gốc cây rừng. Ấy là những sản phẩm không phải hàng mộc thông thường, lại càng không phải tác phẩm điêu khắc mỹ thuật mà chính là những sản phẩm từ gốc cây. Hiện nay tại khu vực rừng Lá hình thành làng nghề mà người dân gọi nôm na là “Làng gốc cây” luôn thu hút hàng trăm lao động. Sự phát triển của “Làng gốc cây” kéo theo một đội ngũ lao động phổ thông đi đào gốc cây về bán lại cho các cơ sở sản xuất, mỗi ngày cũng kiếm được bạc triệu. Anh Trí, người tìm gốc chuyên nghiệp tâm sự: Bây giờ cũng khó lắm, muốn tìm được gốc cây đẹp phải đi xa, nơi có nhiều nhất là vùng rừng Tánh Linh. Chúng tôi băn khoăn: Liệu một ngày nào đó gốc cây có còn nữa không? Nhưng anh cười bảo: Các anh đừng lo, người ta phá rừng cả mấy chục năm, thì gốc cây cũng phải khai thác cả trăm năm nữa mới hết. “Người ta phá rừng cả mấy chục năm!” Câu nói của anh thợ đào gốc cây nghe thản nhiên nhưng xót xa. Rừng không còn, người ta đào đến cả gốc, rồi người ta hốt hoảng trồng lại rừng. Hàng tỷ đồng bỏ ra để kêu gọi người dân trồng lại rừng - cánh rừng duy nhất có cây buông ở miền Nam. Nhưng dường như cây - rừng giận dỗi con người nên những cây buông con được trồng trên chính mảnh đất mà cha mẹ chúng từng sống, và lớn lên, giờ lại đỏng đảnh không chịu sống, không chịu lớn lên. Tôi tìm đến già làng K’Được, trưởng bản Ba Buông, nơi được tỉnh Đồng Nai lập làng kiểu mẫu, bản có gần 30 gia đình người Stiêng, những người đang cố gắng níu lại những cánh rừng. Tôi hỏi: Bây giờ dân còn phá rừng nhiều không? Ông cười buồn: Còn rừng đâu mà phá! Hoàng hôn rắc những giọt nắng vàng trên mái tóc điểm sương của già làng. Chính ông, người trưởng bản nặng ân tình với vùng đất này, đã kêu gọi dân làng, những người con của thần núi Kung Pô (Mây Tàu) quay về tạo lập lại rừng buông. Nhưng đến nay, đã hơn chục năm trôi qua, họ đành xuôi tay và bỏ ước vọng trồng rừng để tham gia vào đội ngũ đào gốc cây… Trưởng bản che tay nheo mắt, nhìn về đỉnh núi Mây Tàu, ông nói như lời tạ lỗi: Những đứa con của Yang Pô có lỗi với Người. Người đã làm cho những cánh rừng khép lại trước mặt chúng ta. Bút ký của NGUYỄN MỘT