Khánh Hòa: Phát động phong trào thi đua năm 2021

09:42 25/02/2021

Sáng 24/2, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2020 và phát động phong trào thi đua năm 2021.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh điểm lại: Năm 2020 phong trào thi đua của tỉnh được lồng ghép vào 4 mục tiêu thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đó là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai tụt lại phía sau”; “Doanh nhiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và “ Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

 Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Được sự chỉ đạo tích cực của các cấp ủy, sự thực hiện nghiêm túc chính quyền và nỗ lực vượt bậc của toàn dân nên kết quả đạt được của các phong trào tuy chưa như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh đại dịch covid -19 hoành hành thì có thể coi là đáng ghi nhận.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” đến năm 2020 toàn tỉnh có 56/92 xã đạt tiêu chí quốc gia, chiếm 60,87%. Hiện tại, một số tiêu chí như Quy hoạch, Thông tin truyền thông, Lao động có việc làm, Văn hóa đã có 100% số xã đạt chuẩn; các tiêu chí còn lại đạt từ 59 đến 92%. Đi đầu của phong trào là tiêu chí giao thông nông thôn. Giai đoạn 2016 đến 2020 Khánh Hòa đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện 162 công trình giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư gần 190 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay Khánh Hòa là một trong những tỉnh với 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Ngành còn phối hợp triển khai, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án quan trọng cấp tỉnh, quốc gia như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh; cầu Xóm Bóng mới; nút giao thông Ngọc Hội; đường Vành đai 2; các tuyến đường, nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang; Tỉnh lộ 2; cầu vượt sông Nước Ngọt (TP. Cam Ranh)… Phong trào “Cả nước vì người nghèo…”, trong bối cảnh năm 2020, tuy Khánh Hòa không có số ca lây nhiễm do covid -19 nhiều, nhưng lại là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Để hỗ trợ cho người nghèo, ngoài chính sách chung của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã chủ động triển khai thực hiện một loạt biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho gần 2000 khách hàng là người nghèo; miễn giảm các loại phí và cho vay để trả lương nghỉ việc đối với người lao động; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công, đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội, hỗ trợ kinh phí cho hộ cận nghèo. Phát động phong trào thi đua “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá ránh nhiều” để giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai bão lụt. UBMTTQ Việt Nam tỉnh vận động hỗ trợ xây mới, sửa chữa 125 căn nhà đại đoàn kết trị giá hơn 5,33 tỷ đồng cho người nghèo; trao quà trị giá hơn 3,27 tỷ đồng cho đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Mặt trận các cấp tiếp nhận tiền, hiện vật tổng cộng gần 44,5 tỷ đồng để phân bổ đến các đơn vị trực tiếp phòng, chống dịch, tổ chức các cây “ATM” gạo để cấp phát cho hộ nghèo, cận nghèo... Các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh vận động gần 58 tỷ đồng giúp gần 280.000 đối tượng khó khăn. Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, trong năm 2020, Khánh Hòa cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.843 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 11 tỷ đồng; thu hút 23 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn trên 7.526,758 tỷ đồng. Năm 2020 Khánh Hòa tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu. Theo đó 23 tập thể và 9 cá nhân đã được UBND tỉnh tặng bằng khen. Triển khai phong trào thi đua “Cán bộ công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025, từ năm 2019 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện ở các cụm, khối thi đia đua. Đáng chú ý là UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị “Cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng tham mưu, thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc”, của các sở, ngành, địa phương, tạo chuyển biến về phong cách giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, tại cơ quan, đơn vị; chấp hành nội quy, quy chế, kỷ cương, kỷ luật; thực hiện nghiêm túc giờ giấc làm việc; tận tụy, trách nhiệm vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Qua phong trào thi đua năm 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa có 1 gia đình và 1 cơ quan được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; 14 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được vinh danh; 17 tập thể nhận cờ thi đua của Chính phủ; 38 tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, trong đó 14 tập thể, cá nhân được khen thưởng về thành tích phòng, chống dịch Covid-19 cùng nhiều hình thức khen thưởng khác. Tại Hội nghị, 13 tập thể đã tặng cờ thi đua và 72 tập thể khác đã được tặng Bằng khen của UBND tỉnh. 

Ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì  cho ông Lê Vắn Khái, Phó Ban thường trực, Ban Tổ chức tỉnh ủy (bên phải) và Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lê Xuân Nhàn, Phó Văn phòng HĐND tỉnh (bên trái). 

Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu các cấp các ngành cần quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 25/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; phát huy truyền thống thi đua yêu nước, đoàn kết sáng tạo triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch 05 năm (2020 - 2025), góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.Tổ chức Phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua cần phải đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức, tuyên truyền và có nội dung cụ thể, rõ ràng, thiết thực để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực nhằm huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân; đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đông đảo người lao động và nhân dân. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề, cao điểm.

  Các đơn vị nhận cờ thi đua của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh: Phải hướng các phong trào thi đua gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, gắn với tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất. Thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa các cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; kịp thời phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua; nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình mới, nhân tố mới; nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước góp phần tạo động lực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Đương

Tags: