Kêu khó, đại gia xe “nội” lại xin “nới” Nghị định 116

00:00 12/10/2020

Sau khi cánh cửa nhập khẩu xe ít nhiều đã được khai thông, câu chuyện quanh quy định về đường thử và cấp phép nhà máy sản xuất xe trong nước lại được VAMA xới lên khi kêu khó và xin "nới" Nghị định 116.

Ảnh minh họa

Theo đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) mới đây lại có văn bản gửi tới Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ, phản ánh vướng mắc về các quy định đối với xe ôtô sản xuất trong nước của Nghị định 116/2017/NĐ-CP. 

VAMA khẳng định từ lúc nghị định này có hiệu lực ngày 1.7.2017, hiện vẫn còn một số khó khăn vướng mắc và chưa có hướng tháo gỡ, cụ thể đối với xe sản xuất trong nước.

Về hướng dẫn thủ tục để cấp phép giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, VAMA chỉ ra rằng hiện nay một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ tới Bộ Công thương để được hướng dẫn, nhưng nhiều doanh nghiệp khác chưa thể bắt đầu xây dựng đường thử mới, nên còn lúng túng,  không biết có được tiến hành thủ tục đánh giá và xin phép đồng thời hay không?

Do đó, VAMA kiến nghị Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng thời không áp dụng hồi tố quy định về đường thử đối với các nhà sản xuất đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay. Quy định về việc đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800 mm với tối thiểu 400mm đường thẳng trước ngày 17.4.2019 được VAMA nhận định là nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Lý do không có đủ đất cho việc xây dựng mới hoặc mở rộng đường thử và việc thuê đường cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí rất lớn.

Liên quan về quy định phụ tùng và linh kiện lắp ráp phải được kiểm tra tại Việt Nam, VAMA cho rằng: Nếu đạt tiêu chuẩn ECE thì không cần thiết phải thực hiện thử nghiệm lại ở Việt Nam để tránh việc gây lãng phí và cắt giảm các thủ tục không cần thiết ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Đề nghị các cơ quan chức năng sửa đổi quy định theo hướng chấp nhận báo cáo kiểm tra của nước ngoài, chứng nhận kiểu loại cho linh kiện, cụm linh kiện và chứng chỉ COP đã được áp dụng theo các quy định tại Thông tư 30 và Thông tư 54 ban hành bởi Bộ GTVT, cũng như loại bỏ các loại chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết đối với việc sản xuất CKD như đã đề cập ở trên.

Từ đầu năm 2017 tới nay, câu chuyện quanh Nghị định 116 gần như chưa có lúc nào hết "nóng" bởi ý kiến trái chiều giữa chính các nhà sản xuất xe tại Việt Nam. Những quy định về nhập khẩu cũng như lắp ráp xe được Trường Hải, Hyundai Thành Công ủng hộ nhưng lại bị các thành viên VAMA phản đối.

KH