Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP TP Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc

00:00 12/10/2020

Để tạo điều kiện cho nhà sản xuất đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội lần thứ nhất năm 2020. Hội thảo nhằm bàn các giải pháp gắn kết sản xuất với nhà bán lẻ trong khâu tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Ký kết ghi nhớ giữa đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương, đại diện một số tỉnh, thành phố và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trong tiêu thụ sản phẩm OCOP. 

Với dân số trên 10 triệu người, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản hàng hóa khổng lồ của khu vực phía Bắc. Do đó, cách nhìn của Hà Nội đối với chủ thể sản phẩm OCOP cũng có sự khác biệt. Theo đó, các chủ thể sản phẩm OCOP sẽ được hưởng lợi nhiều so với các chủ thể không tham gia chương trình. Bên cạnh đó, các sản phẩm được công nhận OCOP phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hay đẩy mạnh chế biến sâu tại địa phương.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình mỗi xã một sản phẩm Hà Nội, chương trình OCOP đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng; khai thác, duy trì và phát huy được giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn đặc sản phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hà Nội kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm Ocop với các tỉnh miền núi phía bắc
Hà Nội kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm Ocop với các tỉnh miền núi phía bắc.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội- Nguyễn Văn Chí chia sẻ, Hội thảo nhằm kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP tiềm năng của Hà Nội và 15 tỉnh, thành phía Bắc vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Trình bầy, giới thiệu và bán các sản phẩm Ocop thành phố Hà Nội năm 2020
Trình bầy, giới thiệu và bán các sản phẩm Ocop thành phố Hà Nội năm 2020.

Nhận thức rõ sản phẩm sản xuất ra phải có sự kết nối giao thương mới được thị trường biết đến, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục mời thành viên là các siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước cùng gặp gỡ các nhà sản xuất sản phẩm OCOP để bàn thảo hoạt động mua/bán sản phẩm. Khi các nhà bán lẻ tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất để mua/bán sản phẩm thì giảm được chi phí trung gian và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá cạnh tranh…

Thực tế, liên kết trong khâu tiêu thụ cũng là nhu cầu của nhiều nhà bán lẻ. Theo Giám đốc Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) Khúc Tiến Hà, trên các kệ hàng của Siêu thị BigC đang có khoảng 50 sản phẩm OCOP đến từ các địa phương, rất nhiều nông sản, đặc sản vùng, miền. Tuy vậy, về tổng thể, số lượng các sản phẩm nêu trên rất nhỏ trong số hàng nghìn mặt hàng đang được bày bán tại siêu thị. Các sản phẩm OCOP (trong đó có nhóm nông sản, thực phẩm) khó vào siêu thị do đơn vị cung ứng thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm… Siêu thị mong muốn được gặp gỡ các nhà sản xuất để cùng liên kết, hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng tiêu chí thị trường…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Chánh Văn phòng Nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến khẳng định, Hà Nội là trung tâm với nhiều làng nghề, có nhiều dư địa để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời là thị trường tiêu thụ rất lớn, là nơi kết nối, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP phải bảo đảm việc chuẩn hóa quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất khép kín, bảo vệ môi trường... để khi đến tay người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất. Thông qua chương trình này, hi vọng, trong thời gian tới, sẽ dần trở thành hoạt động hàng quý, hàng tháng thường xuyên của Hà Nội. Đặc biệt, quận Tây Hồ sẽ phát triển được thế mạnh về du lịch và sản phẩm du lịch. Về phía cơ quan quản lý, sẽ tổ chức đánh giá các tiêu chí sản phẩm OCOP chuẩn xác, đúng với giá trị thật của sản phẩm để chương trình ngày càng phát triển bền vững, hiệu quả.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP đánh giá cao chương trình đã tổ chức kết nối, giới thiệu và tạo cơ hội giao thương sản phẩm OCOP giữa các nhà sản xuất với doanh nghiệp. Đồng thời nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội mong muốn Sở NN&PTNT thành phố và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa trong việc kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy sản xuất, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường…

Đặc biệt, cũng tại hội thảo, 179 biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, đại diện các tỉnh, thành phố có sản phẩm OCOP và các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết.

Có thể nói, Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội lần thứ nhất năm 2020 diễn ra vừa qua đã mở ra cơ hội để các nhà phân phối trao đổi, gặp gỡ, bàn bạc, tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm và thị trường phù hợp; qua đó, thúc đẩy sự phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.

Bích Hảo