Johnathan Hạnh Nguyễn: “Ông trùm” hàng hiệu

00:00 12/10/2020

Sau 30 năm kinh doanh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn trông chờ hiệp định FTA và TPP thổi luồng sinh khí mới đến tập đoàn IPP của ông.

Sau 30 năm kinh doanh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn trông chờ hiệp định FTA và TPP thổi luồng sinh khí mới đến tập đoàn IPP của ông.

Tại một hội nghị kinh doanh năm ngoái tổ chức tại trung tâm hội nghị White Palace (TP.HCM), phiên nói chuyện của chủ tịch tập đoàn xuất, nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) Johnathan Hạnh Nguyễn diễn ra trong giờ ăn tối nhưng khán phòng không có ghế trống, nhiều khách tới trễ đứng bên lề lối đi. Trong phát biểu của mình, doanh nhân này liên tục nhấn mạnh: “TPP là cơ hội của tôi.”

Ba từ TPP tiếp tục được ông Hạnh nhắc đến tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tập đoàn tổ chức vào tháng 5.2015. Tiếp theo ông nói là “cơ hội”, “sự chờ đợi trong nhiều năm” và “thuế suất sẽ thay đổi.” Sau 30 năm lăn lộn thương trường, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, doanh nhân 64 tuổi, người đứng đầu một gia đình kinh doanh nổi tiếng hơn cả trong giới giải trí này đang kỳ vọng các hiệp định TPP và FTA sẽ đưa IPP bước sang giai đoạn “nở hoa”, khi các nhánh kinh doanh chủ chốt như thời trang hàng hiệu, rượu cao cấp hưởng thuế suất giảm mạnh so với mức hai con số hiện nay.

Hiện tại, bóng dáng của IPP hiển diện ở nhiều nơi. Ở nhánh kinh doanh hàng thời trang với hệ thống 80 cửa hàng, tập đoàn đang phân phối các thương hiệu từ xa xỉ như Chanel, Rolex hay bán các sản phẩm hạng trung phổ biến hơn như Nike, Tommy Hilfiger. Về kinh doanh nhượng quyền, từ năm 2010, IPP đã đưa năm thương hiệu thức ăn nhanh gồm Burger King, Popeyes Chicken, Domino’s Pizza, Dunkin’ Donuts và Illy Café về Việt Nam. Dù trong thời gian đó, người tiêu dùng có xu hướng thắt lưng buộc bụng vì khó khăn kinh tế, IPP vẫn nâng chuỗi cửa hàng lên con số 80.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn bên cạnh bộ cờ vua do Versace sản xuất. Ảnh: Lê Quang Nhật.

Ngoài chuỗi cửa hàng thời trang hàng hiệu và thức ăn nhanh, tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất diện tích mặt bằng kinh doanh do IPP trực tiếp khai thác và hợp tác lần lượt chiếm 40% và 25% diện tích khu thương mại. Ở Hà Nội, IPP đang khai thác thương mại Tràng Tiền Plaza, khu mua sắm rộng 18.000m2 có vị trí đắc địa nhất nhì thành phố. Riêng các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm do IPP quản lý đã lấp đầy hai tầng lầu trung tâm mua sắm này. Tại TP.HCM, Johnathan cũng rót 4 triệu USD vào khu mua sắm cao cấp Rex Arcade tại tầng trệt khách sạn Rex.

Với tập đoàn IPP, gia đình Johnathan Hạnh Nguyễn kiểm soát bốn nhánh kinh doanh gồm thời trang cao cấp, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nhượng quyền, kinh doanh trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng miễn thuế. Nhánh cuối cùng, phân phối rượu các sản phẩm cao cấp của Hennessy như XO, Rémy Martin, Glenmorangie, IPP liên doanh với tập đoàn Moët Hennessy.

Ông Hạnh cho biết, năm ngoái IPP nộp hơn 1.200 tỉ đồng tiền thuế. Mảng phân phối rượu đóng góp tới 2/3. Đây là lĩnh vực duy nhất tập đoàn có lãi trong nhiều năm qua. Hoạt động kinh doanh của IPP lãi có, lỗ có, có mảng mới đạt đến điểm hòa vốn nhưng chiến lược của tập đoàn là “bao sân,” “bù đắp qua lại” nên cuối cùng “vẫn sống.” “Các mảng kinh doanh của tôi bổ sung cho nhau: hàng hiệu - thức ăn nhanh - cửa hàng miễn thuế. Mua xong là ăn. Ăn xong rồi mua,” ông Hạnh giải thích về việc bỏ ra hơn 400 tỉ đồng trở thành cổ đông chiến lược của công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

Theo ông Hạnh, 30 năm qua, IPP đã rót 535 triệu USD đầu tư vào nhiều hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Năm 2014 tập đoàn đạt doanh thu 580 triệu USD và kỳ vọng cuối năm 2017 cán mốc 1 tỉ USD.

Các mặt hàng thời trang xa xỉ giá đắt đỏ nhưng không hẳn là con gà đẻ trứng vàng. Suất đầu tư mỗi cửa hàng có thể lên tới bốn triệu đô la Mỹ vì cửa hàng rộng từ 200-400m2 đặt tại các khu mua sắm năm sao như Rex Arcade, Union Square hay Tràng Tiền Plaza. Với giá bán mỗi sản phẩm từ vài ngàn tới vài chục ngàn đô la Mỹ, người mua chủ yếu thuộc giới nhà giàu mới nổi, những ngôi sao giải trí và khách du lịch. Đầu tư lớn, khách hàng chọn lọc nên trung bình một thương hiệu thời trang cao cấp, theo ông Hạnh, mất 5 năm để đạt tới điểm hòa vốn. Sau đó, tỉ suất lợi nhuận (nếu có) cũng chỉ ở mức 3-5%.

"Khi làm ăn phải nghĩ có người có ta. Mình thắng, người ta cũng thắng. Tỉ lệ 50-50. Cùng lắm là 49-51, đôi bên cùng lợi."

Johnathan Hạnh Nguyễn

Kinh doanh thời trang hàng hiệu ở Việt Nam những năm qua bên cạnh IPP nổi lên thêm một vài tên tuổi, đáng kể nhất là OpenAsia Group, Maison. Thị trường phân hạng ngôi thứ. Nếu IPP và OpenAsia Group hướng các thương hiệu xa xỉ nhất như Hermès, Versace, Chanel… thì Maison nhắm đến các thương hiệu hàng hiệu thấp hơn cỡ Charles & Keith, Bebe…

Gần đây, danh sách nhãn hàng xa xỉ trong tay Johnathan được kéo dài thêm. Không chỉ các thương hiệu cũ tái ký hợp đồng, thương hiệu mới bén duyên, một số tên tuổi lớn hết hợp đồng với đối tác cũ, rẽ lối chọn gắn bó với IPP. Tại sao?

Chia sẻ về bí quyết, câu đầu tiên ông nói: “Bà xã tôi là tổng chỉ huy nhưng chuyện gì thì chuyện chứ đích thân bà phải đi chọn hàng.” Bà xã của ông là cựu diễn viên điện ảnh Lê Hồng Thủy Tiên. Rồi sau đó: “Tôi biết trước mặt bằng đó là họ chấm. Buôn có bạn bán có phường, không đời nào thương hiệu lớn chạy sang mấy chỗ lóc cóc leng keng. Họ hỏi ai kế bên? Là Cartier, Ferragamo, kế bên nữa là Rolex, Burberry. Ông chủ nào dám bảo đảm những thương hiệu ấy? Cuối cùng qua tay tôi hết.”

Cuối cùng ông nêu triết lý kinh doanh: “Khi làm ăn phải nghĩ có người có ta. Mình thắng, người ta cũng thắng. Tỉ lệ 50 - 50. Cùng lắm là 49 - 51, đôi bên cùng lợi.” “Ai 51?”- người viết bài hỏi. “Tôi muốn 51, không được thì mình phải nhường,” ông cười. Mảng kinh doanh nhượng quyền thức ăn nhanh những năm qua ngốn không ít tiền của ông Hạnh nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Suất đầu tư cho một cửa hàng trên dưới 200.000 USD, thậm chí như Burger King tốn kém 500.000 USD vì phải xây dựng hệ thống bếp đạt tiêu chuẩn.

Trong bốn năm trở lại đây, thị trường thức ăn nhanh Việt Nam hội tụ các “anh tài” của thế giới như McDonald’s, Starbucks, Burger King, Subway, Coffee Bean & Tea Leaf… nên cạnh tranh gay gắt. Theo ông Hạnh, nhượng quyền là mảng kinh doanh IPP đang gặp nhiều thách thức nhất. Đến nay chỉ Dunkin’ Donuts, Illy đạt tới điểm hòa vốn. Popeyes Chicken và Domino’s Pizza “nặng nợ”, còn Burger King, cửa hàng đầu tiên khai trương vào cuối năm 2012, ban đầu dự kiến đạt điểm hòa vốn sau 5 năm nhưng IPP vừa dự phóng thành bảy năm.

Có tin đồn doanh nhân này đang muốn rút một chân ra khỏi cuộc chơi khi tính bán “combo” Burger King kèm Dunkin’ Donuts. Khi Forbes Việt Nam đề cập, ông phủ nhận: “Tôi chỉ bán cái gì có lãi, bán cái lỗ sẽ bị người ta ép.”

Ảnh: Burger King Vietnam.

Bà Đoàn Thị Mai Hương, chủ tịch HĐQT Sasco nhận định về chiến lược kinh doanh đa ngành của ông Hạnh xoay quanh trục chính là hàng không: “Hàng không là cửa ngõ giao thương với thế giới. Anh Hạnh đã nhìn thấy được xu thế đất nước sẽ mở cửa, tham gia vào lĩnh vực này và nắm bắt cơ hội manh nha ngay từ những ngày đầu.”

Sinh năm 1951 tại Nha Trang, ông Hạnh là con trưởng trong gia đình có tám anh chị em. Năm 1974 ông du học tự túc tại Mỹ. Trước khi khởi nghiệp kinh doanh ông có thâm niên 10 năm làm thanh tra tài chính cho Boeing Subcontractors.

Để hiểu lối rẽ đưa người đàn ông này vào thương trường cần nhìn lùi 35 năm trước. Đầu thập niên 1980, do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và chiến tranh biên giới Việt - Trung, thời điểm này, Bangkok và Moscow là hai cửa ngõ hàng không duy nhất từ Việt Nam ra thế giới. Nhằm phá vỡ thế cô lập, qua nhiều cầu nối, chính phủ Việt Nam tìm cách thiết lập đường bay mới sang một số quốc gia Đông Nam Á. Bất chấp các nỗ lực liên tục trong hai năm, kế hoạch không có tiến triển. Lý do, ngoài sự bao vây kinh tế, sự khác biệt về thể chế chính trị khiến các quốc gia láng giềng nghi ngại thiện chí này của Việt Nam.

Bất ngờ ngày 4.9.1985, tổng thống Philippines lúc đó, nhà độc tài Ferdinand Marcos thông qua quyết định mở đường bay TP.HCM- Manila và năm ngày sau, chiếc máy bay B-707 mang số hiệu VN 9033 đã đáp xuống phi trường Manila (Philippines). Lượt về máy bay chở theo 30 tấn thuốc men, hàng hóa, quà biếu của Việt kiều gửi về cho thân nhân. Người khai thông thế bế tắc sau này trở thành doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn.

Trước đó, năm 1980 ông kết hôn với cháu gái của tổng thống Marcos. Hai người có sáu con chung. Cựu thủ tướng Phan Văn Khải từng đánh giá: “Ông Hạnh Nguyễn có công lớn mở đường bay TP.HCM – Manila.” Đường bay TP.HCM – Manila khơi thông đưa ông bước vào thương trường.

 
 

Các nhãn hiệu thời trang cao cấp trong hệ thống 80 cửa hàng do tập đoàn IPP khai thác, ở những vị trí đắc địa bậc nhất Việt Nam của gia đình ông Hạnh. Ảnh: Lê Quang Nhật.

Quá trình kinh doanh của doanh nhân này sau đó có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu ông kinh doanh đa ngành, đi về như con thoi giữa Việt Nam và Philippines. Một trong các kinh doanh đầu tiên là thuê máy bay của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines sau này). Giá thuê 32.000 USD/lượt khứ hồi. Lượt đi, máy bay khi có khách khi không nhưng lượt về chở theo hàng hóa, thuốc men.

Hiệp định hàng không Việt Nam – Philippines được ký, thấy cơ hội chín muồi từ năm 1988 Philippines Airlines nhảy vào khai thác đường bay TP.HCM – Manila. Ông Hạnh kể, bị lỗ 5 triệu USD vì kinh doanh hàng không giai đoạn 1985-1988. “Bị lỗ nên mình được cho cái khác làm bù đắp lại,” ông nói.

Một số người quen biết lâu năm kể đầu thập niên 1990 ông khá xông xáo: lập liên doanh lắp ráp ô tô Hòa Bình (Hà Nội), xuất khẩu song mây xuất khẩu, sản xuất dây khóa kéo, xây khách sạn, làm bếp ga, sản xuất sơn nước… Vì vậy, có người phỏng đoán ông môi giới hoặc đại diện vốn cho nhà đầu tư nước ngoài vì liên tục lập các công ty, đầu tư, thoái vốn và tiếp tục đầu tư mới.

Ông Hạnh nhớ lại: “Những năm ấy tôi đầu tư như điên. Việt Nam luật đầu tư chưa rõ ràng, lấy gì bảo đảm cho nhà đầu tư? Tôi bảo đảm.” Ông kể, nhà đầu tư nước ngoài bỏ 50%, ông bỏ 50% nhưng khi nào lãi thì bán.

Giai đoạn thứ hai có thể tính khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn và nhiều thành viên gia đình này bắt đầu thiết lập và điều hành các kinh doanh khác nhau ở Việt Nam. Một trong các hoạt động đầu tiên của họ là kinh doanh siêu thị. Gia đình này đã mở siêu thị Citimart, Maximark, Miền Đông và Bình Dân. Siêu thị đầu tiên gia đình mở khá sớm vào năm 1992. Ngày đầu, Citimart bán hầu hết các sản phẩm nhập khẩu.

Giai đoạn Việt Nam mới mở cửa cá nhân xuất cảnh bắt buộc phải xin visa, đưa hàng hóa về càng khó hơn. Với việc khai thông đường bay, tám thành viên gia đình ông nhận phần thưởng tám cuốn hộ chiếu “đặc biệt” có thể xuất cảnh mà không cần xin visa, “tấm bùa” đã giúp gia đình này đưa hàng hóa về Việt Nam.

Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước lớn.
Ảnh: Lê Quang Nhật.

Dù rút chân ra khỏi kinh doanh hàng không nhưng đầu thập niên 1990 ông trở thành giám đốc khu vực Đông Dương và sau đó là cố vấn của Philippines Airlines. Từ kinh nghiệm đi đông đi tây, quan sát tất cả sân bay quốc tế có cửa hàng miễn thuế, ông làm điều tương tự ở sân bay Nội Bài vào năm 1993. Không bó hẹp trong sân bay, sau này, ông phát triển mạng lưới cửa hàng miễn thuế nhiều nơi, dọc biên giới Việt Nam: Tịnh Biên, Mộc Bài, Lao Bảo, Lào Cai, Dinh Bà. Nhưng các mặt hàng tiêu thụ chậm, chủ yếu “chỉ bán chạy những mặt hàng có thuế suất cao như rượu, thuốc lá,” theo lời ông Hạnh. Năm 1995 ông bắt đầu tham gia phân phối rượu cao cấp của Moët Hennessy.

Năm 2007 - 2008 khi thị trường chứng khoán và bất động sản bùng nổ, IPP chuyển từ “nước kiệu” tăng trưởng 5 - 7% trước đó sang giai đoạn thứ ba “phi nước đại.” Từ việc liên doanh với hãng rượu Moët Hennessy ông thâm nhập thế giới kinh doanh thời trang xa xỉ cách đây 10 năm khi tập đoàn mẹ LVMH sở hữu nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng: Louis Vuitton, Bulgari, Christian Dior, Fendi...

Ông có tiếc nuối khi đứng ngoài hai cơn sốt cuốn cả xã hội vào vòng xoáy? “Ai cũng tiếc cho tôi. Có tiền sao không nhảy sang bất động sản và chứng khoán nhân đôi nó lên? Nhưng tôi biết việc gì tôi làm. Lo nghĩ mệt lắm. Cửa hàng miễn thuế, kinh doanh thời trang, F&B... là nghề của tôi,” ông nói.

Johnathan được hưởng lợi gián tiếp từ hai cơn sốt này khi Việt Nam xuất hiện lớp nhà giàu mới, bạo tay mua sắm các mặt hàng xa xỉ. 50 khách hàng lớn nhất nhánh kinh doanh thời trang của IPP hiện trả 10.000-50.000 USD cho mỗi lần mua sắm. Khách hàng lớn của IPP đa phần không bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, nhưng năm 2014 Johnathan đối diện với nhiều thử thách: Tràng Tiền Plaza đóng cửa bốn tháng sửa chữa, du khách Trung Quốc giảm 70%, đại lộ Nguyễn Huệ cải tạo nên chuỗi cửa hàng ở Rex Arcade doanh thu sụt giảm.

Ông vượt qua thử thách bằng cách thích ứng với hoàn cảnh mới. Thay vì chờ khách hàng, công ty chủ động tổ chức các cuộc trình diễn “mini show” tại khách sạn 5 sao kết hợp bán hàng tại chỗ. Các khách hàng lớn nhất, mỗi đợt vài người được mời đến và “được phục vụ như thượng đế.” Kết quả, ông Hạnh nói, “hàng bán trong bảy ngày nhưng doanh số tương đương bốn tháng.”

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Năm qua, 80% các thương hiệu thời trang xa xỉ IPP đang nắm nhận được các phiên bản giới hạn (limited edition) mà ông tiết lộ thường bán rất chạy, cháy hàng. “30% số lượng là mặt hàng chiến lược thì mình thắng lớn,” ông chia sẻ. Có được điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà quyết định là uy tín và sự gắn lâu bền với hãng thời trang. Năm qua trong kinh doanh thời trang cao cấp IPP đạt tỉ suất lợi nhuận/doanh thu 5%, tăng vọt so với mức bình bình 1 - 3% của những năm trước.

Năm qua trong kinh doanh thời trang cao cấp IPP đạt tỉ suất lợi nhuận/doanh thu 5%, tăng vọt so với mức bình bình 1 - 3% của những năm trước.

Gia đình Johnathan Hạnh Nguyễn có tên trong “Danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam” Forbes Việt Nam công bố tháng 2.2014. Hiện tại, hoạt động kinh doanh và quản trị của công ty tư nhân này giống hệt búp bê Nga Matryoshka. Về nhân sự, ở tầng cao nhất trên cương vị chủ tịch tập đoàn ông Hạnh lo hoạch định chiến lược và đối ngoại. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, 45 tuổi, người vợ hiện nay của ông giữ vai trò tổng giám đốc điều hành. Tầng phía dưới là Louis Nguyễn và Phillip Nguyễn, hai con trai của ông Hạnh với người vợ đầu, cùng một số người thân phụ trách các nhánh kinh doanh khác nhau. Nấc kế tiếp là các giám đốc vùng, người ngoài.

Ông kết hôn với cựu tiếp viên hàng không Lê Hồng Thủy Tiên. Có giai thoại kể đầu thập niên 1990 để “cưa cẩm” ngôi sao của phim “Vị đắng tình yêu” ông chịu chơi “bao giàn” một số chuyến mà Thủy Tiên có lịch bay. Ông cười: “Có nhiều chuyện lấy lòng người đẹp. Thì đầu tư tối đa. Đeo đuổi cũng năm năm. Sét đánh mà…” sau đó tìm cách chuyển chủ đề.

Trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập IPP, rút bài diễn văn được chuẩn bị sẵn, vờ ngó qua giây lát, cất lại vào túi ông hóm hỉnh: “Đầu tiên, tôi xin phép nói lời xin lỗi đến bà tổng giám đốc IPP là vợ tôi, cho phép tôi không đọc theo lời bà viết sẵn mà nói theo ý riêng của tôi.”

Hằng năm, cả đại gia đình của ông Hạnh ở Việt Nam và Philippines đều có hai kỳ nghỉ đi du lịch nước ngoài cùng nhau để “gắn kết khăng khít các thành viên trong nhà.” Từ năm 2012, ông có thêm biệt danh “bố chồng Tăng Thanh Hà” khi con trai thứ Louis Nguyễn kết hôn cùng diễn viên nữ chính phim “Bỗng dưng muốn khóc.” Nhắc đến cô con dâu thuộc giới showbiz ông nói: “Nhờ con dâu, anh em nghệ sĩ ủng hộ, kinh doanh hàng hiệu IPP cũng phất lên.”

“Ông trùm” hàng hiệu tiếp Forbes Việt Nam trong phòng họp lớn tại trụ sở công ty nằm ở lầu 7 cao ốc Opera View trên đường Đồng Khởi (TP.HCM). Trong phòng, trên kệ ông đặt nhiều ảnh chụp lưu niệm với nhiều quan chức và một số ông chủ các hãng thời trang danh tiếng. Trên tường bốn phía treo kín bằng khen, giấy chứng nhận mà ông tuyên bố một cách tự hào là đã nhận được 246 cái.

“Việt Nam không quan trọng nhưng nước ngoài, họ vào thấy mình treo huân huy chương như anh hùng đặt bút ký ngay,” ông giải thích rồi lát sau cao hứng: “Tại sao nhà tôi có bốn cái Rolls - Royce, một cái Maybach, ba cái Bentley? Đối tác đi hai chuyên cơ tới mình phải cho xe áp sát máy bay đón. Doanh nghiệp Việt Nam hàng tỉ đô la mà bèo nhèo đi Toyota thì người ta đánh giá.” “Ông trùm” kinh doanh hàng hiệu kể thường ngày trang phục thích nhất là dép da, áo buông còn đối ngoại “đi gặp ông Chanel phải bận đồ Chanel, đi gặp Louis Vuitton phải diện đồ Louis Vuitton.”

Sau 30 năm, vị doanh nhân này chưa muốn dừng lại. Dự định kế tiếp của ông là đầu tư hai trung tâm biểu diễn nghệ thuật quy mô đầu tư 250 triệu USD gắn với khu thương mại và mua sắm ở Hà Nội và TP.HCM, nằm trong chiến lược tổng thể thu hút du khách quốc tế thưởng thức nghệ thuật và mua sắm. Trước mắt, ông đang trông đợi TPP và FTA vì nhìn thấy cơ hội lớn khi các hiệp định thương mại này được thông qua. Theo đó trong các mảng kinh doanh của IPP, các mặt hàng xa xỉ như rượu và hàng hiệu sẽ có thuế suất giảm mạnh so với mức hai con số hiện nay. Ông nói: “Thuế giảm, tiền đi đâu? Tiền sẽ chảy vào túi tôi.”

 

Giang Thanh & Minh Thiên
* Nguồn: Forbes Vietnam